Dưới chân núi Âm Phương, có một trang trại hơn 1ha. Trang trại đó không trồng cây, không chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống. Nhưng quá hấp dẫn với những ai đã một lần đến, để được nghe đàn gà gáy vang réo gọi bình minh. Và ấn tượng hơn khi được tận mắt nhìn thấy hàng trăm con gà rừng từ núi bay về chuồng, trong lúc hoàng hôn đang xuống. Trang trại đó hiện nay có 300 con gà rừng nguyên bản, của một thanh niên nghèo sau khi rời quân ngũ, đến đây lập nghiệp.
Niềm hy vọng quá mong manh
Con gà trống bên trái là con gà trống đầu tiên đến nay vẫn còn sinh sản. |
Anh nhớ lại, nhà mình có con gà mái đang ấp được 5 ngày, anh đem về cho ấp thử. Trên đường về nhà, anh ôm ổ trứng gà trong mũ như ôm báu vật. Anh lấy trứng gà nhà ra để đưa ổ trứng gà rừng vào ấp và gà mái nhà chấp nhận "ấp hộ". Sau 20 ngày, 7 trứng gà rừng nở ra 7 chú gà con. Mặc dù anh chăm sóc rất kỹ, sau gần 1 tháng đàn gà rừng chỉ còn lại 3 con (1 trống, 2 mái). Không nản lòng, anh quyết tâm giữ cho được 3 con gà còn sót lại.
Rừng còn, động vật sẽ còn
Đàn gà rừng thế hệ thứ 3 và 4 tại trang trại. |
Sau khi nhốt được 3 tháng, anh quyết định thả gà. Chúng loanh quanh chuồng một lúc, rồi tiến xa vào rừng kiếm ăn với bán kính độ 200 mét. "Sau khi thả xong, vợ tôi nói: Đây là cuộc chơi, thôi đừng bận tâm làm gì, lo làm ruộng, trồng rừng… chắc hơn" - anh Hà nhớ lại!
Chiều đó, thức ăn anh đã chuẩn bị sẵn. Trời vừa tắt nắng, anh huýt sáo vài hồi, 3 con gà từ xa vỗ cánh bay về. Lòng anh ngập tràn niềm vui, cuộc chơi của anh đã thành công. Cứ mỗi sáng gà trống cất tiếng gáy, là anh thả bay vào rừng để nó tự kiếm ăn. Chiều lại anh huýt sáo, 3 con lại bay về như thường lệ. Khi 2 con mái chạy quanh nhà tìm ổ để đẻ, anh Hà lót 2 cái ổ cũng giống như cho gà nhà. Sau gần 10 ngày đẻ 15 trứng, 2 con bắt đầu ấp. Trong thời gian gà mái ấp, con gà trống suốt ngày chỉ quanh quẩn trong sân nhà để canh giữ. Gần 20 ngày ấp, đàn gà con đã chào đời sau hơn 6 tháng được cưu mang.
Biết anh Hà nuôi gà rừng nguyên bản thành công, bà con dưới chân núi Âm Phương và nhiều người nơi xa tìm đến xem, ai cũng đặt mua một cặp về nhân giống. Những năm đầu, anh Hà không bán ngay, sinh sản ra bao nhiêu anh để nuôi. Và cứ thế đàn gà từ 3 con, phát triển đến hàng trăm con.
Gà rừng trưởng thành, con trống nặng khoảng 1kg, lông nhiều màu rực rỡ, 2 bách màu trắng, tiếng gáy thanh và vang xa, cặp cựa rất khỏe. Con mái nặng 800gr, 2 bách màu xanh ngọc, lông màu xám, trùng với màu lá khô để khi ấp đối thủ không phát hiện. Gà rừng vừa bay và vừa chạy rất tốt. Chúng sống theo bầy, luôn tuân thủ theo con đầu đàn, ngày cũng như đêm luôn gần và bảo vệ cho nhau. |
Qua 4 năm nuôi gà rừng, anh đã bán được 500 con, cho doanh thu 200 triệu đồng. Bây giờ, đàn gà còn lại hơn 300 con lớn nhỏ và tiếp tục phát triển. Anh sẽ bán, doanh thu có thể cao hơn vì nhu cầu người nuôi ngày càng nhiều đang cần anh cung cấp giống. "Được tiền nhiều hay ít, với tôi không quan trọng. Nhưng cái được nhất mà tôi luôn trân trọng, đó là bảo vệ, thuần chủng được động vật hoang dã. Và tôi nghĩ hàng loạt cánh rừng nguyên sinh còn lại, không những gà rừng mà còn nhiều loài thú quý hiếm sẽ sinh sống không bị biến mất…" - anh Hà xúc động nói.
Tôi có việc, phải rời núi, không chờ được tới chiều để nhìn anh Hà huýt sáo cho gà rừng bay về, mà chụp ảnh. Tôi hứa, sẽ trở lại trang trại của anh, nguyên một ngày trọn vẹn, chụp ảnh hàng trăm con gà rừng bay đi trong lúc bình minh và bay về khi hoàng hôn xuống.
Vũ Công Điền