Gia đình là một thiết chế xã hội có tính lịch sử, với việc thực hiện các chức năng sinh đẻ, giáo dục, kinh tế và thỏa mãn nhu cầu tâm lý tình cảm, gia đình mặc nhiên trở thành hàn thử biểu đo độ ổn định và phát triển của xã hội cả vật chất và tinh thần. Nói cách khác, gia đình là nền tảng của một quốc gia, và phát triển đất nước nói chung phải bắt đầu từ việc xây dựng gia đình.
Thờ cúng tổ tiên, ông bà là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Ảnh: VĂN NỞ |
Đây là văn bản đầu tiên của Đảng có tính chất chỉ đạo toàn diện về gia đình và công tác gia đình, với mục tiêu ổn định và củng cố gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Điều đó nói lên quan điểm sâu sắc và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc tôn vinh các giá trị của gia đình.
Và Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) được Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức hằng năm nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã được khơi dậy theo đúng các chức năng vốn có của nó, đồng thời gia đình Việt Nam tiếp nhận những giá trị nhân văn mới như bình đẳng giới, quyền trẻ em. Từ khi công tác gia đình do ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch quản lý, những bất cập về gia đình đối với nhu cầu phát triển được xác định rõ ràng hơn; việc lồng ghép mục tiêu phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh được thực hiện cụ thể bằng những chỉ tiêu dễ hiểu, dễ làm.
Tuy vậy, công tác gia đình vẫn còn những tồn tại cần phải được xã hội tập trung giải quyết như tình trạng tảo hôn ở vùng nông thôn, miền núi; tình trạng hôn nhân không đăng ký; quan hệ tình dục trước hôn nhân; tình trạng ly hôn tăng nhanh; bạo lực giới trong gia đình; tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và tội phạm trẻ em có nguyên nhân từ phía gia đình gia tăng; tâm lý chuộng con trai vẫn còn phổ biến; bảo đảm cuộc sống hài hòa cho người cao tuổi; sự nới lỏng kiểm soát của gia đình và trách nhiệm của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái; tiềm năng phát triển kinh tế hộ gia đình có nhiều hạn chế trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế...
Thành phố Đà Nẵng đã đề ra chiến lược phát triển gia đình bền vững, các chương trình “5 không”, “3 có”... là nhằm tạo dựng một xã hội ổn định và phát triển trên cơ sở hạt nhân là gia đình. Kiến thức về đời sống gia đình là điều kiện cơ bản để các thành viên trong gia đình nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với gia đình cũng như cộng đồng xã hội nhằm góp phần vào việc xây dựng gia đình trở thành nền tảng của phát triển xã hội.
HỒ VIẾT HỶ