.

Giảm thiểu ô nhiễm cho dòng sông đen

.

Những năm gần đây, sông Phú Lộc bỗng biến thành một con sông đen ngòm giữa phố, tỏa mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, ngay điểm cuối của sông, sát cầu Phú Lộc, chiều chiều, du khách đi lại trên đường Nguyễn Tất Thành ai cũng ái ngại nhìn cảnh nước từ một miệng cống đổ ra sông tung bọt trắng xóa như bọt xà phòng, đóng thành vũng rộng...

Đen và hôi

Nước thải ra sông bọt tung trắng xóa đóng thành vũng rộng.

Sông Phú Lộc bắt nguồn từ khu vực Khánh Sơn, chảy qua các phường Hòa Minh, Thanh Khê Tây để ra biển thông qua cửa sông nằm trên đường Nguyễn Tất Thành thuộc phường Thanh Khê Đông. Mức độ ô nhiễm tại hạ lưu sông Phú Lộc là rất lớn, nặng nhất là đoạn sông từ cống trên đường Điện Biên Phủ đến cửa sông, đồng thời phát sinh mùi hôi và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân sinh sống ven sông, nhất là ở 2 phường Thanh Khê Tây và Thanh Khê Đông.

Có thể thấy nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông và phát sinh mùi hôi là do sông hẹp nhưng phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt của khu vực có diện tích rộng lớn và đông đúc dân cư; nước thải của các cơ sở sản xuất, trung tâm y tế... trên địa bàn quận Thanh Khê. Bên cạnh đó, việc lấn chiếm lòng sông của một số hộ dân hai bên bờ làm ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường. Cửa xả của sông bị bồi lấp ảnh hưởng đến dòng chảy, làm nước sông bị tù đọng, phát sinh mùi hôi.

Theo các hộ dân ở khu vực tổ 25, phường Thanh Khê Tây, một nguyên nhân làm cho dòng sông này thêm đen và hôi là do nước từ Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (thuộc Công ty Quản lý, Sửa chữa CTGT và Thoát nước) tọa lạc ở gần đó cuồn cuộn tung bọt trắng xóa như xà phòng chảy ra sông. Theo tờ trình số 200 ngày 21-5-2009 của Công ty Quản lý, sửa chữa CTGT và Thoát nước, nguyên nhân sông có mùi hôi là do tiếp nhận nguồn xả từ Trạm xử lý nước thải Phú Lộc qua quá trình xử lý nước thải bằng công nghệ kỵ khí làm sản sinh ra các khí có mùi hôi như: H2S, NH3, SO2...

Tuy nhiên, công ty cũng đã có biện pháp khắc phục tình trạng trên bằng cách sử dụng chất xử lý môi trường Ecozym để phun tại nơi tiếp nhận nguồn xả và tại hố xả tổng của Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, và sẽ đấu nối tại miệng cửa xả ra sông Phú Lộc một ống xả ngầm dưới mặt nước để giảm thiểu mùi hôi, bọt khí...
 
Được biết, mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng cũng có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan, phối hợp với UBND quận Thanh Khê và các cơ quan liên quan, Công ty Quản lý sửa chữa CTGT và Thoát nước tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải cửa xả và có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; khắc phục, không để tạo bọt trắng nổi trên mặt nước tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc trước khi xả ra sông.

Cải thiện ô nhiễm cho dòng sông

Để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc, thành phố đang triển khai Hợp phần B1 - Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, sau khi cải tạo sông Phú Lộc sẽ không còn gây ô nhiễm môi trường. Hợp phần B1 gồm có hai nội dung chính là kè bờ sông, làm đường dọc hai bờ sông; xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải dọc hai bờ sông... (Phạm vi cải tạo sông trong hạng mục này bắt đầu từ cầu số 1 nối với mương Hòa Minh – Hòa Khánh và kết thúc tại cầu Phú Lộc trên đường Nguyễn Tất Thành).
 
Các hạng mục cụ thể là: kè hai bên bờ sông, chiều dài kè là 1,8km; nạo vét 22.465m3 bùn đất; xây dựng đường ven sông rộng 5,5m (bờ Bắc) và 7,5m (bờ Nam)... Hệ thống thoát nước của khu vực này vẫn là hệ thống cống chung. Tại các vị trí trước cửa xả hiện có sẽ bố trí hố ga tách dòng để thu gom nước thải về hệ thống cống bao đưa đến Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, nước mưa sẽ được tách ra xả ra sông. Dọc hai bên vỉa hè tuyến đường quản lý hai bên bờ sông sẽ bố trí các cống thu nước thải đặt cạnh tuyến cống thu gom và tuyến cống bao. Xây dựng tuyến cống thoát nước mưa và thu gom nước thải dọc sông, tổng chiều dài là 5.875m...

Theo ông Văn Phú Quang – Văn phòng UBND quận Thanh Khê, việc giải phóng mặt bằng hai bờ sông triển khai từ đầu năm nay đang được đẩy nhanh, đã phê duyệt 219/230 hồ sơ giải tỏa; 100 hộ đã nhận tiền đền bù và 62 hộ đã bàn giao mặt bằng. Tuy đại đa số các hộ dân phải giải tỏa đều là lấn chiếm đất, nhưng Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng vẫn quyết định thống nhất đền bù hỗ trợ theo đơn giá đất nông nghiệp 35.000đồng/m2. Các hộ đều được bố trí đất ở Khu dân cư Hòa Minh, Khu tái định cư Thanh Khê Tây và nhà ở chung cư gần sông.

Với giải pháp xây kè hai bên bờ sông, nạo vét bùn đất, thu gom nước thải và nước mưa về Trạm xử lý nước thải trước khi xả ra sông... theo các nhà quản lý sẽ giải quyết căn bản tình trạng ô nhiễm ở sông Phú Lộc. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, trước đây khi làm đường Liên Chiểu - Thuận Phước, người ta đã nắn quặt dòng sông Phú Lộc cho chảy ra cửa biển như hiện nay, nhưng không lường hết sự bồi lấp tự nhiên của sóng biển, gây nên tình trạng bồi lấp cửa sông, làm cho dòng sông tù đọng, không chảy thông ra biển được và nước sông chuyển màu đen, hôi.

Vì lòng sông nhỏ hẹp, cho dù làm kè rồi nhưng nếu lưu lượng dòng chảy không đủ lớn và sóng biển vẫn bồi lấp cửa sông thì nước sông vẫn tù đọng. Mong các cơ quan chức năng quan tâm, lưu ý vấn đề này để cải tạo dòng sông Phú Lộc.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.