.
Hòa Nhơn:

Bao giờ hết bụi?

.

Những ngày nắng nóng từ tháng 3-2009 đến nay, nhiều người đi qua QL 14B, đoạn từ trụ sở Trung đoàn Cảnh sát cơ động đến Trường Quân chính đều than phiền vì bụi. Theo sau tiếng động cơ gầm rú của đoàn xe tải chở đất nối đuôi nhau chạy về thành phố là khoảng trời của bụi. Bụi bay mù mịt. Bụi mù mịt cả một vùng. Người qua đường như lạc vào “mê hồn trận” của bụi.

Đoạn đường “sương mù”

 

Sáng ngày 17-6, chúng tôi có dịp thị sát dọc tuyến đường. Đã 7 giờ 30 nhưng dãy nhà hai bên đường vẫn cửa đóng then cài, trừ một vài quán giải khát và điểm tâm sáng mở cửa nhưng khách vắng tanh. Chị Lê Thị Nhung, chủ quán nước ven đường (tổ dân cư số 2) than phiền: Từ ngày các công ty, xí nghiệp đổ lên lấy đất ở núi Gò Lá, Phước Thuận (Hòa Nhơn) và một số nơi ở xã Hòa Sơn thì đoạn đường này thường xuyên diễn ra cảnh “mưa bùn, nắng bụi”.
 
Nhiều hộ dân phải ăn với bụi, ngủ nghỉ cùng bụi đất. Cũng chính vì bụi nên khách vãng lai ít ghé các quán dọc hai bên đường. Bởi, chẳng ai lựa chọn nơi “thủ phủ của bụi” để dừng chân ăn uống, giải khát. Trước đây, quán cóc bán sữa đậu nành của chị Nhung bán mỗi buổi sáng từ 30-50 ly, nhưng nay chỉ bán dưới 10 ly. Dù vậy, chị Nhung vẫn còn may hơn quán bia tươi của chị Nguyễn Thị Ánh Sương.
 
Trước khi bị bụi “tấn công”, quán chị Sương bán mỗi ngày gần 100 lít bia, nay thì 5-7 ngày mới hết. Chán nản vì ế khách, chị Sương ngừng bán, chuyển sang công việc khác để mưu sinh. Cùng hoàn cảnh như thế, anh Nguyễn Văn Đức, chủ quán cà-phê Hương Thảo than vãn: Bụi thế này ai mà vào quán uống nước. Chúng tôi phải thường xuyên lau bàn ghế, quét dọn nhà cửa, nhưng cứ khoảng 5 phút sau là bụi lại phủ đầy”.

Từ ngày đoạn đường bị ô nhiễm, nhiều nếp sinh hoạt của các hộ dân hai bên đường cũng đảo lộn. Bà Võ Thị Lý có nhà ngay “họng bụi” cũng vậy. Hằng ngày, công việc thường trực của bà là quét nhà, lau bụi. Việc làm ngỡ đơn giản nhưng chẳng hề giản đơn chút nào. “Tôi vừa lau bàn ghế, quét xong nhà thì tức khắc đã có lớp bụi mới bám lên. Chẳng lẽ cứ đóng cửa hoài. Đã thế, việc giặt giũ, phơi đồ cũng rất khó khăn. Phơi nơi đâu cũng bị bụi phủ đầy” - bà Lý chau mày.

Theo ông Trương Búp, trưởng thôn Thạch Nham Đông (Hòa Nhơn) cho biết, hiện toàn thôn có 4 tổ dân cư ven QL 14B, với 250 hộ gia đình sống trong môi trường bụi bẩn. Hằng ngày có hàng trăm chuyến xe chở đất chạy qua với tốc độ cao làm bụi bay mù mịt. Người dân nơi đây đang đối diện với nhiều nguy cơ bị bệnh về đường hô hấp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy mà mọi người gọi nơi đây là đoạn đường “sương mù”.

Giải pháp nào chống bụi?

Theo nhiều hộ dân nơi đây phản ánh, khi nào trời mưa thì lượng đất bùn bám đầy các bánh xe. Trong quá trình vận chuyển đất, lượng bùn này rơi vãi khắp quốc lộ 14B, đoạn từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động đến gần Trường Quân chính. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến lượng bụi trong không khí vượt quá mức quy định.
 
Anh Mai Xuân Chín, công nhân do Xí nghiệp Vận tải Sơn Hải thuê quét dọn vệ sinh dọc trục đường cho biết: Trước đây, mỗi khi trời mưa, các xe tải chở đất kéo bùn ra đường rất nhiều. Thời gian gần đây, cứ mỗi khi trời mưa thì nhiều hộ dân ở núi Gò Lá ra đường chặn đầu xe không cho lưu thông. Đơn cử vào sáng ngày 16 và 17-6, nhiều xe tải chở đất phải “ách” lại ở trong núi do chiều hôm trước trời mưa, mãi đến gần 8 giờ mới chạy.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn đất đồi lấy từ núi Gò Lá và thôn Phước Thuận. Trong khi tại Gò Lá, người dân đem vật cản ra chắn đường, còn tại Phước Thuận thì... bó tay. Theo ông Nguyễn Sương, Phó trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Hòa Vang, do ngay tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động sát tuyến đường vào thôn Phước Thuận đang xây dựng đường lách nên mỗi khi trời mưa, khu công trình đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng này nhầy nhụa, bùn bám lốp xe vương vãi khắp mặt đường.

Cũng chính vì nguyên nhân trên, cộng với ý thức chủ quan của người lái xe tải nên tổ dân cư số 1, 2, 3 thôn Thạch Nham Đông trở thành xóm “hít bụi”. Chị Phạm Thị Thủy, công nhân Công ty Môi trường đô thị cho biết, công ty phân công mỗi ca 2 người phụ trách 2 làn đường với chiều dài gần 2km. Những ngày bụi nhiều, việc làm không xuể thì tăng cường thêm 3 người nữa; dù làm tích cực đến đâu cũng không thể triệt tiêu bụi được.

Ngay trong sáng ngày 17-6, ngồi trò chuyện với chúng tôi, chị Thủy chỉ tay ra đường phân trần: “Đấy, anh thấy không. Đoạn này tôi vừa mới quét xong, thế mà đã phủ đầy đất lại rồi. Nhiều khi quá bức xúc vì bụi, người dân la chúng tôi không làm hết nhiệm vụ của mình”.

Hiện nay, có trên 7 công ty, xí nghiệp thai thác, vận chuyển đất qua đoạn đường này. Dù các đơn vị có giấy phép khai thác do thành phố cấp đều ký cam kết bảo vệ môi trường, nhưng không phải lúc nào họ cũng chấp hành nghiêm túc quy định này. “Vậy tại sao chúng ta không tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm?”.

“Có chứ, chúng tôi phối hợp với Đội Quy tắc đô thị huyện cùng một số ngành chức năng thường xuyên đến hiện trường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị có biểu hiện vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Trên thực tế, huyện Hòa Vang đã xử phạt hành chính 15 trường hợp như vậy”, Phó trưởng phòng TN-MT huyện Nguyễn Sương cho biết thêm, hiện nay các ngành chức năng của huyện chú trọng kiểm tra, xử phạt tại điểm khai thác, còn khâu vận chuyển thì ngoài thẩm quyền. Bởi vì tuyến QL 14B thuộc quyền kiểm soát của Công an thành phố nên các xe vận chuyển đất sai phạm về thông số kỹ thuật, độ che phủ an toàn, tốc độ lưu thông, v.v... đều do các ngành chức năng cấp trên xử lý.

Qua trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân hai bên đường đều có chung quan điểm: Hiện nay, thành phố đang trong quá trình chỉnh trang đô thị, san lấp và xây dựng các khu tái định cư cũng như các công trình dân sinh, dân trí phục vụ đời sống cho người dân. Nguồn nguyên liệu chính vẫn là đất, cát, sạn mà nguồn này phần lớn tập trung ở huyện Hòa Vang.

Vì vậy, việc khai thác là chính đáng, điều quan trọng là trong quá trình khai thác, vận chuyển phải bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế những phiền hà cho người dân, nhất là bụi và tiếng ồn. Và nỗi mong mỏi chính đáng này đang được nhân dân thôn Thạch Nham Đông tiếp tục ngóng chờ từ những động thái tích cực, triệt để hơn nữa của các đơn vị, ban, ngành chức năng, nhằm ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
                                                                                      
HẠ SƠN

;
.
.
.
.
.