Tạo nguồn quỹ Hỗ trợ cho vay (gọi là Quỹ hoàn lương) đối với những người ra tù trở về làm lại cuộc đời, mới nghe có vẻ khó thành hiện thực. Vậy mà từ năm 2003 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã giải ngân gần 3 tỷ đồng cho các đối tượng trên được vay vốn. Với số tiền này, không ít những con người từng một thời lầm đường, lạc lối, nay đã tìm về với nẻo thiện.
Nhờ có Quỹ hoàn lương, anh Phan Lê Tiến mở ra con đường sáng cho mình và cho nhiều người có hoàn cảnh như anh. |
Anh mua sắm trang thiết bị, máy móc và mở rộng quy mô nhà xưởng. Từ chỗ một mình gây dựng cơ sở, đến nay, trong xưởng của anh luôn có từ 8-10 công nhân làm việc (phần lớn là những người lầm lỗi một thời như anh) có thu nhập ổn định với mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Tiến còn tính đến việc làm sao cho nguồn vốn ấy tiếp tục sinh sôi. Không chỉ có ý định thu nhận nhiều lao động hơn, anh cho biết nếu đủ điều kiện, sắp tới anh sẽ phát triển cơ sở của mình thành Công ty TNHH để giúp thêm những thanh niên lầm lỗi.
Cũng như anh Tiến, năm 2000, sau khi ra trại, ông Nguyễn Thân tìm đến nguồn vốn để xây dựng lại cuộc đời. Được mọi người mở rộng vòng tay, giúp ông trở thành người sống có trách nhiệm hơn với vai trò là một dân phòng địa phương.
Đến nay, không chỉ tu chí làm ăn, ông còn được mọi người tín nhiệm giao cho “chức” Đội phó Đội dân phòng khối phố An Nhơn 1, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Số vốn không quá lớn, nhưng đủ để cho những con người một thời lầm lỡ như ông Thân nhận ra giá trị cuộc sống. Ông bắt đầu gầy dựng lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng và sự hỗ trợ từ Quỹ hoàn lương.
Là một trong những điển hình giàu lên nhờ nguồn Quỹ hoàn lương, chị Huỳnh Thị Ba, trú tổ 31, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, cho biết: Là phụ nữ, ai lại không mặc cảm bởi những ngày tháng vào tù, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ từ người thân, lại được vay vốn (với 3 triệu đồng), cuộc đời chị hồi sinh từ đó.
Cầm số tiền vay không lãi trên tay, chị Ba mừng vui nhưng không khỏi lo lắng vì “liệu có làm được trò trống gì không, hay lại làm cụt nguồn vốn?”. Được tiếp thêm sức mạnh từ sự quan tâm của mọi người, chị càng có động lực cố gắng làm ăn. Chị xây chuồng và mua 5 con heo để nuôi. Một thời gian, khi thấy việc chăn nuôi của mình thuận buồm xuôi gió, chị xin vay Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng 8 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi heo, gà.
Có thời điểm, chuồng nhà chị có tới 12 nghìn con gà mái đẻ cho trứng thường xuyên. Được chính quyền thành phố giải quyết theo tiêu chuẩn gia đình chính sách, nên chị được miễn đóng tiền sử dụng đất. Có sổ đỏ trong tay, chị mạnh dạn vay 80 triệu đồng và được UBND phường Hòa Quý giao 1.000m2 đất hoang hóa sát nhà. Từ đó, chị đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà công nghiệp theo hướng làm ăn lớn. Hằng năm, chị thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ngoài dành tái đầu tư, chăm lo cuộc sống, chị còn cho những người có cùng cảnh ngộ như mình trước đây cũng như những gia đình khó khăn vay không lãi, chỉ bày cách làm ăn. Năm 2006, chị được UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc năm 2007. Tháng 12-2008, chị được Bộ NN&PTNT mời tham dự Hội nghị chăn nuôi toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nói về nguồn quỹ này, ông Trần Công Ánh, Trưởng Ban quản lý Quỹ hoàn lương kể lại: Năm 2002, tại Hội trường Công an thành phố, trong cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với các đối tượng mãn hạn tù, ông Nguyễn Bá Thanh khi đó là Chủ tịch UBND thành phố (hiện là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) đã cảm thông và chia sẻ, mong muốn họ cố gắng tu chí, hoàn lương, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Tại buổi gặp này, nhiều người đã bày tỏ niềm trăn trở về những dự định cho tương lai, vấn đề tìm kiếm việc làm, thiếu vốn làm ăn. Đứng trước những tâm tư, nguyện vọng đó, lãnh đạo thành phố đã quyết định thành lập Quỹ hoàn lương để cho họ vay vốn làm ăn. Đến nay, sau 7 năm tạo điều kiện cho vay không lãi, Quỹ đã thu về gần 1,4 tỷ đồng trong tổng số 2,9 tỷ đồng vốn giải ngân với số trả nợ dứt chiếm khoảng 35%.
Là địa phương duy nhất trong cả nước có nguồn quỹ này mà nhờ đó đã có gần 1.000 người được vay vốn để làm ăn, làm lại cuộc đời. Thật đáng quý với họ khi nhận được sự quan tâm, động viên đúng lúc của lãnh đạo chính quyền các cấp, của các tổ chức hội, đoàn thể và họ đã vượt lên chính mình để xây dựng cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: X. Duyên-H. Đức