.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XII

Khám, chữa bệnh công - tư đều cần chứng chỉ hành nghề

.

(ĐNĐT) - Sáng ngày 15-6, phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh là lĩnh vực khá nhạy cảm, cần thiết và rất bức xúc hiện nay, dư luận xã hội và cử tri rất quan tâm. 

ĐB đề nghị cần bổ sung vào luật một số nội dung liên quan đến điều kiện bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác này; tránh tình trạng như hiện nay, khi đến bệnh viện thì người bệnh hoàn toàn đặt niềm tin vào bác sĩ, trông chờ vào bác sĩ, nhưng bác sĩ thì khám bệnh qua loa, thiếu trách nhiệm, gây tâm lý hoài nghi, mất niềm tin đối với người bệnh.

ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường.

ĐB bày tỏ sự đồng tình với xu hướng xây dựng luật hiện nay là bất kỳ một cá nhân nào muốn làm một nghề gì trong xã hội đều phải có chứng chỉ hành nghề. Do đó, ĐB đề nghị luật quy định cấp Chứng chỉ hành nghề cho tất cả nhân viên y tế công và tư.

Về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi Chứng chỉ hành nghề, theo ĐB, nên giao cho một đầu mối duy nhất là ngành y tế thực hiện, không nên tách mảng y tế quân đội rồi giao cho Bộ Quốc phòng thẩm quyền cấp phép hành nghề riêng. Vì nếu vậy, mảng y tế của ngành công an và các ngành khác thì như thế nào? Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng luật theo hướng đảm bảo nguyên tắc một công việc chỉ giao cho một ngành chịu trách nhiệm thực hiện.

Về thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh từ bác sĩ trở lên, ĐB đề nghị thống nhất giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện, không phân biệt bác sĩ công tác trong ngành y tế công lập hay tư nhân, quân đội hay công an. Vì đã là bác sĩ thì phải hội đủ các tiêu chuẩn như nhau.

Chứng chỉ nên cấp một lần

Về thời hạn giá trị của các Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh quy định tại điều 24 dự thảo luật, ĐB đề nghị cần quy định thống nhất như Chứng chỉ hành nghề luật sư, cấp một lần và không xác định thời hạn. Trong quá trình hành nghề, nếu vi phạm thì sẽ bị tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi. Không nên quy định thời hạn 5 năm, rồi sau đó phải xin gia hạn, vì như vậy sẽ gây trở ngại, rắc rối không cần thiết.

ĐB cho rằng trong thực tế, thương hiệu của bác sĩ là do người bệnh quyết định, xã hội thừa nhận, chứ không phải do các giấy tờ, thủ tục hành chính nhà nước quyết định. Một bác sĩ giỏi hay không, nổi tiếng hay không, có uy tín hay không, được người bệnh tín nhiệm, tin tưởng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả khám chữa bệnh của bác sĩ đó. Vì vậy, ĐB cho rằng không nên quá đặt nặng vấn đề thủ tục, giấy tờ, để từ đó có những quy định không cần thiết, không phù hợp với thực tế và xu hướng cải cách hành chính hiện nay.

Đối với việc cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh quy định tại điều 41,42,43 dự thảo luật, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị cần điều chỉnh theo hướng thống nhất giao một đầu mối là ngành y tế thực hiện.

ĐB đề nghị luật nên quy định theo hướng chỉ bắt buộc phải có giấy phép đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; còn đối với những cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước như Trạm y tế xã, Trạm quân y... thì không cần phải có giấy phép. Vì theo ĐB, thực tế hiện nay, nhiều vùng miền trên đất nước ta còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất mà nhà nước đầu tư cho y tế ở những nơi này còn rất hạn chế, bác sĩ không có, nếu quy định phải có giấy phép thì những cơ sở y tế nhà nước ở những vùng này không biết đến bao giờ mới được cấp phép để hoạt động. Mà như vậy thì lấy ai để chữa bệnh cho nhân dân. Do đó, nếu quy định trong luật thì sẽ không phù hợp với thực tế, không có tính khả thi. 

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.