.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XII:

Không nên cho bác sĩ công mở bệnh viện tư

.

Chiều ngày 4-6, chủ trì thảo luận ở tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần xem xét lại tính khả thi đối với một số quy định của dự thảo luật vì chưa thật sự phù hợp với thực tế.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến.


Dẫn chứng về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các cơ sở y tế công lập, theo ĐB, trong thực tế có cơ sở y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu một số trang thiết bị y tế, đối chiếu với quy định thì chưa đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động, nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền không cấp giấy phép hoạt động thì lấy ai chữa bệnh cho nhân dân. Như thế thì cuối cùng cũng phải cấp giấy phép, dẫn đến hình thức. Đây là một vấn đề thực tiễn cần được xem xét thấu đáo. Quy định 5 năm cấp, gia hạn giấy phép một lần lại dễ dẫn đến cơ chế xin-cho, nhưng không giải quyết được vấn đề gì.

Theo ĐB, nếu cấm không cho làm ngoài giờ thì bác sĩ giỏi sẽ bỏ cơ quan Nhà nước ra ngoài làm, lúc đó y tế Nhà nước không còn bác sĩ giỏi, đây là vấn đề cũng cần được xem xét kỹ. Do đó, ĐB thống nhất không nên cho bác sĩ làm ở bệnh viện công lập mở bệnh viện tư, nhưng nên cho mở phòng mạch tư để cải thiện đời sống.

Thực tế có phòng mạch được đầu tư trang thiết bị tốt hơn bệnh viện công. Bệnh viện công do không được đầu tư nên thiết bị cũ kỹ, ọp ẹp, xin kinh phí mua sắm thiết bị mới không được thì làm sao đủ điều kiện khám, chẩn đoán, chữa bệnh được. Đây là vấn đề thực tế cần phải được xem xét thấu đáo khi xây dựng luật này.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, để luật thật sự mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, cần thiết phải bổ sung vào luật một số nội dung như nguồn lực để bảo đảm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (cả kinh phí và nhân lực) và cơ chế tài chính trong các cơ sở khám, chữa bệnh; quy định về tuyến trong hệ thống khám, chữa bệnh, trách nhiệm của bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới; quy định về cơ chế ưu tiên trong khám, chữa bệnh đối với người bệnh là người có công với cách mạng, người nghèo, nhân dân vùng sâu, vùng khó khăn, trẻ em, người cao tuổi.

Trước đó, sáng ngày 4-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã tham gia phát biểu ý kiến.       

Theo ĐB Kim Thúy, tình hình thực hiện xây dựng luật, pháp lệnh những tháng đầu năm 2009 có nhiều thay đổi và còn nhiều hạn chế. Đó là tiến độ trình dự án luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra còn chậm. ĐB cho rằng, đây là “căn bệnh cố hữu” trong việc chuẩn bị các dự án luật.
 
Hơn nữa, chất lượng chuẩn bị các dự án luật chưa tốt. Chính điều này đã dẫn đến việc phải rút khỏi chương trình hoặc điều chỉnh thời gian trình đối với 5/22 dự án luật, chiếm tỷ lệ gần 1/4 số dự án luật theo dự kiến. Về nguyên nhân của hạn chế nêu trên, tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã liệt kê ra nhiều nguyên nhân, nhưng theo ĐB thì chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan.

Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc hơn, vì với tiến độ xây dựng, trình dự án luật như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến chương trình năm 2009 mà còn ảnh hưởng đến chương trình cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.

Theo ĐB Kim Thúy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng Nhân dân dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5-2011. Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội nên cân nhắc đưa các dự án sửa đổi bổ sung các Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân vào chương trình chính thức năm 2010. Qua đó, kịp thời phục vụ bầu cử và khắc phục những vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. 

ĐB đề nghị cần phải xác định rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức không bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật trình Quốc hội. Chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết thì mới điều chỉnh chương trình xây dựng luật mà Quốc hội đã thông qua.

HỮU HOA

 

;
.
.
.
.
.