.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XII

Tăng học phí lúc này là chưa phù hợp

.

(ĐNĐT) - "Một trong những vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm là Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014, một đề án tác động đến hàng chục triệu gia đình có con em đi học từ mẫu giáo đến bậc đại học", ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đã mở đầu như vậy khi phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 sáng 9-6.

ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu ý kiến tại hội trường.

ĐB đặt vấn đề, khi đề án này được trình ra Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri băn khoăn, lo lắng, liệu đề án này đã chín muồi hay chưa? Tại sao trong thời điểm hiện nay, lạm phát, giá cả tăng nhanh, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn thì Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) lại trình ra đề án đổi mới cơ chế tài chính, thực chất là tăng học phí? Tại sao Bộ GD-ĐT không đưa ra một đề án cải cách nền giáo dục nước nhà, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay?

ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, mặc dù Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đề án rất công phu, nhưng một vấn đề đặt ra là đề án này chưa sát thực tế, nặng về cơ chế tài chính giáo dục, nhẹ về quan tâm cho các đối tượng thụ hưởng và nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Vì thế, quá trình lấy ý kiến tham gia cho dự thảo đề án, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nhưng chưa sâu, chưa rộng, đặc biệt đối với các chuyên gia đầu ngành nên cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. 

Đồng tình với đề án là phải tăng học phí, nhưng theo ĐB, tăng học phí lúc này là chưa thật phù hợp. Để đề án này có thể triển khai trong những năm đến, ĐB đề nghị Bộ GD-ĐTcần khẩn trương nghiên cứu, bổ sung và làm rõ 3 vấn đề quan trọng của đề án.

Thứ nhất, về vấn đề quản lý kinh phí giáo dục, ĐB cho rằng Nhà nước quan tâm dành tỷ lệ ngân sách đáng kể (20% tổng chi ngân sách nhà nước) để đầu tư cho GD-ĐT, nhưng với nguồn ngân sách này, Bộ GD-ĐT đã quản lý chi tiêu như thế nào, hiệu quả đến đâu thì cần phải công khai, minh bạch để cử tri, ĐB Quốc hội biết và có điều kiện giám sát.

Thứ hai, về vấn đề tăng học phí, đề án quy định đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, đề xuất thu học phí 6% trên tổng thu nhập bình quân của hộ gia đình. Ủy ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẩm tra, cho rằng 6% là mức chi trả khá cao trong tương quan so sánh chung với các quốc gia khác và không phù hợp thu nhập thực tế của nhân dân hiện nay.

Thực tế cho thấy, để con em được đến trường, vào lớp thì ngoài học phí, phụ huynh còn phải đóng góp rất nhiều khoản thu khác, kể cả có chứng từ và không có chứng từ. Vậy vấn đề đặt ra là, khi đề án này được thông qua, thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có dám hứa, dám khẳng định với Quốc hội và cử tri cả nước là sẽ không thu bất kỳ một khoản nào khác không? Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan có chấm dứt không? Tình trạng dạy trước chương trình, dạy ép học sinh các cấp có còn nữa hay không?

Thứ ba, về giáo dục mầm non, giáo dục trẻ dưới 5 tuổi, toàn xã hội phải có trách nhiệm chăm lo giáo dục cho các cháu. Nhưng thời gian qua, việc giáo dục trẻ dưới 5 tuổi gần như khoán trắng cho gia đình và địa phương. Sách học cho các cháu chưa được quan tâm chu đáo. Sách biên soạn mới thì càng cải cách càng rối mù, cha mẹ không thể hướng dẫn được cho con phát âm. Theo ĐB, nhiều cử tri lên tiếng đề nghị Bộ GD-ĐT cần đối xử công bằng hơn với bậc học mầm non, vì giáo dục mầm non chính là phần gốc hình thành nhân cách của một con người.  Giáo dục mầm non, giáo dục trẻ em dưới 5 tuổi cũng quan trọng không kém gì bậc giáo dục tiểu học, do đó, Bộ GD-ĐT cần đưa vào đề án để điều chỉnh vấn đề tài chính, quản lý, giáo dục đối với bậc học này. Đồng thời, Bộ nên nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội về chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với bậc học này, theo hướng nên miễn học phí như bậc tiểu học, thể hiện tính nhân văn cao cả và bản chất ưu việt của chế độ ta, nhất định sẽ đón nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.