.

Học sinh nông thôn “đói” sách báo

.

Kỳ nghỉ hè của học sinh nông thôn chỉ đơn giản là những ngày đi mò cua, bắt ốc phụ giúp gia đình, những trò vui chơi như đuổi bắt, đá bóng, tắm sông, suối… đơn điệu. Hoạt động văn hóa đối với  các em như là những thứ xa lạ, không dám nghĩ tới, nhất là đọc sách, báo.

Nghỉ hè: tắm sông, tắm suối

Không có các dịch vụ văn hóa đọc tại địa phương, học sinh chủ yếu vui chơi bằng cách tắm sông, suối trong dịp hè.

Vào những ngày hè, tại xã Hòa Bắc, trẻ em chỉ biết tắm sông, tắm suối hoặc phụ giúp bố mẹ đi làm đồng, mò cua, bắt ốc. Các dịch vụ văn hóa như quầy đọc sách, báo hầu như không có. Em Nguyễn Văn Nam, học sinh Trường THCS Hòa Bắc kể, hằng ngày em đi chơi bắn bi, ô làng… với bạn bè trong xóm. Buổi chiều đi đá bóng, tắm sông. “Em muốn đọc các loại truyện, sách báo lắm, nhưng ở quê chẳng có nơi nào bán hoặc cho thuê”.

Tại các xã Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Sơn… kỳ nghỉ hè của các em học sinh cũng rất đơn điệu. Các hoạt động vui chơi, giải trí không có, chỗ để các em đọc sách báo cũng chẳng thấy. Chị Nguyễn Thị Tám, ở xã Hòa Liên cho biết, ở đây, mỗi lần học sinh nghỉ hè, các em chẳng biết đi chơi ở đâu. Hằng ngày, chúng tụ tập chơi đuổi bắt, tắm sông, chơi trò chơi điện tử… Thương con, thỉnh thoảng vợ chồng tôi xuống phố mua các loại sách báo mà mấy cháu thích về cho chúng nó đọc.

Nhưng tiền mua sách báo cũng có hạn, vì vậy, vợ chồng tôi cũng chỉ mua được vài cuốn mà thôi. “Ước chi ở trong xã có vài điểm đọc sách, báo cho mấy đứa trẻ thuê về đọc trong dịp hè. Không có gì giải trí, bọn chúng tụm năm, tụm bảy đi tắm sông, suối nguy hiểm lắm”, chị Tám nói. Ở nông thôn, học sinh đọc sách, báo chủ yếu ở các thư viện trường học. Vào hè, thư viện cũng nghỉ hè theo, vì thế học sinh không có chỗ đọc sách, báo.

Bao giờ trẻ em được tiếp cận văn hóa đọc?

Nói về khó khăn khi đưa văn hóa đọc đến với học sinh trong dịp hè, ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, trên địa bàn xã hiện có 500 học sinh tiểu học, THCS, THPT; cả xã chỉ có hai nơi để đọc sách, báo là điểm Bưu điện-văn hóa xã và Trung tâm học tập cộng đồng, nhưng ở đó đầu sách báo quá ít, không đáp ứng yêu cầu của học sinh.

Vả lại, ở đây cũng không có các dịch vụ cho thuê sách, báo như dưới thành phố. Ông Ngưng mong muốn, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư các điểm đọc sách, báo tại 7 thôn trên địa bàn xã, nhằm tạo điều kiện để các em học sinh tiếp cận văn hóa đọc. Nếu được như vậy, hằng năm, UBND xã sẽ vận động các tổ chức xã hội bổ sung đầu sách phục vụ lâu dài cho học sinh.  

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, việc xây dựng các điểm đọc sách báo trong dịp hè tại các xã trên địa bàn huyện là khó thực hiện được. Trước mắt, để tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp cận văn hóa đọc trong dịp hè, UBND huyện chỉ đạo các trường học trên địa bàn mở cửa thư viện, tạo điều kiện cho các em đến đọc sách báo hằng ngày.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.