.

Khổ vì… “ca sĩ” kẹo kéo(!)

.

Thời gian gần đây, tại các khu vực có quán nhậu trên địa bàn thành phố lại xuất hiện cảnh hát rong để bán kẹo kéo cho khách nhậu. Dàn nhạc chỉ đơn giản là bộ âm-ly, chiếc loa thùng rè rè, các “ca sĩ” đua nhau hát nhép, khiến cho không ít thực khách la làng và người dân sống trong khu vực lân cận cũng khổ lây.

Người dân bức xúc

“Ca sĩ” kẹo kéo đang nài nỉ khách mua kẹo tại quán Quang trên đường Phạm Văn Đồng.

Chị Hồ Thị Hải, chủ quán nhậu B. H trên đường Nguyễn Tất Thành bức xúc kể, trung bình mỗi ngày có hơn chục “ca sĩ” kẹo kéo “ghé thăm” quán chị để hát và bán kẹo kéo. Họ thường đi hai người, một người dựng xe máy dưới lòng đường đứng hát nhép, còn người kia mang kẹo kéo đi quanh trong quán chìa thẳng vào mặt khách nhậu mời mua.

Nhiều lúc khách bực mình đòi bỏ về, sợ mất khách, chị và nhân viên trong quán đến xua đuổi thì liền bị các “ca sĩ” trả lời văng tục, thậm chí còn hăm dọa này nọ... Bức xúc, nhưng chị cũng “ráng” mà chịu đựng chứ chẳng biết làm gì.  

Ở các quán nhậu vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng…, số lượng “ca sĩ” kẹo kéo tụ về đây hoạt động hằng đêm rất nhiều. Họ thản nhiên hát hò và nài ép khách mua kẹo, mặc cho nhiều người tỏ ra bực mình với cảnh tượng này. Một lần, trên đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi ngồi nhậu lai rai bị các “ca sĩ’ kẹo kéo chen vào mời mua liên tục.

Để được yên thân, chúng tôi mua 5 que kẹo với giá 2.000 đồng/que. Cứ tưởng vậy là được yên, nhưng 5 phút sau các “ca sĩ” khác lại xuất hiện nài nỉ chúng tôi mua kẹo. Thấy vậy, nhiều người xung quanh bực mình, gắt gỏng: “Chưa thấy nơi nào có kiểu buôn bán lạ đời như ở đây”… 

Chưa hết, ở những quán nhậu gần khu dân cư, không chỉ có khách nhậu, người dân địa phương cũng bị khổ lây. Chị H, ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) than thở rằng, hằng đêm, những người bán kẹo kéo tụ tập lại các quán nhậu hát hò ồn ào đến tận khuya làm chúng tôi không ngủ được. Bực mình, chồng tôi ra yêu cầu họ đi nơi khác thì họ trả lời gọn lỏn: “Tôi hát ở ngoài đường chứ có đứng ở nhà anh đâu”. 

Chẳng lẽ bó tay?

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Thế nhưng, loại hình kinh doanh phản văn hóa này vẫn cứ tồn tại, gây bất bình đối với người dân. Ông Lê Trung Minh Tân, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cho biết, trên địa bàn phường có khoảng chục quán nhậu thường có tình trạng “ca sĩ” hát dạo để bán kẹo kéo. Khi cán bộ phường đến kiểm tra, xử lý, họ đi qua địa bàn khác nên đành bó tay. Theo ông Tân, để xử lý triệt để tình trạng kinh doanh này, các cơ quan chức năng thành phố cần lập tổ công tác chuyên về lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Đình Ba, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các đối tượng hành nghề buôn bán kẹo kéo thường hoạt động vào ban đêm, bởi vậy lực lượng Thanh tra chỉ kiểm tra, xử lý đột xuất. Còn trách nhiệm chính để ngăn chặn kiểu mua bán, kinh doanh này thuộc về lực lượng công an và chính quyền địa phương, nơi có “ca sĩ” kẹo kéo đến hoạt động.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

 

;
.
.
.
.
.