.
KỲ HỌP THỨ NĂM, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động cơ yếu ?

.

Sáng 16-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cơ yếu, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, triển khai, sử dụng cơ yếu, quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin; bảo đảm quốc phòng và an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh cơ yếu là một trong những hoạt động quan trọng của an ninh quốc gia, có tính chất cơ mật đặc biệt, thực chất là một trong những phương thức để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, các đại biểu rất quan tâm đến việc giao cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động cơ yếu. Nhiều đại biểu cho rằng, ngành cơ yếu đã có lịch sử hình thành, phát triển 64 năm, hoạt động có tính chất cơ mật, quan trọng, việc chuyển đi chuyển lại nhiều lần có thể tác động đến tâm tư cán bộ, ảnh hưởng đến việc xây dựng lực lượng mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Theo các đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên), Lê Thị Mai (Hải Phòng), Võ Văn Đủ (Đắk Nông), Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An)…, từ yêu cầu tổ chức nghiêm ngặt và để xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng của cơ yếu, nên để Ban Cơ yếu là cơ quan độc lập, trực thuộc Chính phủ, đồng thời đổi tên thành Tổng cục Cơ yếu.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Thức (Bà Rịa-Vũng Tàu) lại cho rằng nên giao trách nhiệm này cho Bộ Công an để phù hợp với tính chất hoạt động cơ mật, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Hiện nay, Bộ Công an đang chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.
 
Đưa cơ yếu về Bộ Công an, sẽ không cần phải sửa đổi, bổ sung Luật An ninh quốc gia và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước; mặt khác, thuận lợi trong hợp tác quốc tế về cơ yếu, hạn chế mức thấp nhất khả năng sơ sẩy; công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện hiệu quả và sâu sát. Đại biểu Lê Quang Xuân (Đồng Tháp) cũng cho rằng nên chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về một trong hai Bộ là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ phù hợp hơn là Bộ Nội vụ. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) nhận định: Về nghiệp vụ, Ban cơ yếu vốn đã hoạt động độc lập, nghiêm ngặt, chặt chẽ, có đặt ở Bộ nào cũng chỉ là về thẩm quyền ban hành văn bản và để đảm bảo thuận tiện mà thôi.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn thay mặt Ban soạn thảo nêu rõ: Quy định như dự thảo giao Bộ Nội vụ quản lý hoạt động cơ yếu theo hướng xây dựng bộ đa ngành, đa lĩnh vực; ổn định tổ chức, tạo điều kiện cho lực lượng cơ yếu yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Trung ương Đảng đều có bộ phận cơ yếu. Quy định như dự thảo là để tránh tình trạng Bộ quản lý Bộ. Do tính chất đặc thù của ngành cơ yếu, nhiều quy định, nguyên tắc tổ chức…cần được giữ bí mật thông tin, nên dự thảo Luật được xây dựng mang tính định hướng, các vấn đề cụ thể sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Các ý kiến cũng tán thành cần có chế độ chính sách đặc thù để đảm bảo sự công bằng trong đãi ngộ, có tác dụng động viên, khích lệ người làm công tác cơ yếu yên tâm phục vụ trong lĩnh vực này. Đề cập phạm vi điều chỉnh của Luật, các đại biểu nhất trí Luật này chỉ quy định về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, vừa bao quát, đầy đủ, vừa bảo đảm chặt chẽ; không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hoạt động bảo vệ mật mã dân sự.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.