“Hãy liên kết lại để đấu tranh với sự biến đổi khí hậu” là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay. Điều này, càng khẳng định rõ một cá nhân hay một tổ chức khó có thể làm thay đổi một vấn đề của đất nước hay toàn cầu.
Một cảnh chạy lũ ở thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng năm 2007. |
Chỉ tính riêng mùa mưa lũ của năm 2008, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi xuất hiện 7 đợt lũ và hầu hết lũ trên các sông đều vượt mức báo động 3. Những ngày đầu năm 2009, lũ cũng đã xuất hiện ở các sông trên khu vực và đều ở mức báo động 1 đến báo động 3.
Không thể nhìn nhận vấn đề trên là một hiện tượng bình thường vì trong liên tiếp nhiều năm trở lại đây, bão, lũ liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung với cường độ mạnh và liên tục, có những nơi lũ chồng lên lũ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân. Theo ông Phạm Văn Chiến, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ, khí hậu trong những năm gần đây có những biến đổi mang tính chất cực đoan như xuất hiện những trận lũ trái mùa; trong mùa mưa thì lượng mưa quá lớn so với trung bình nhiều năm, việc phân bố mưa lũ không theo quy luật; có khi trong mùa khô lại xuất hiện những đợt mưa lớn, mang tính bất thường…
Ông Chiến cũng nhấn mạnh rằng, mất rừng đầu nguồn là một trong những điều kiện ảnh hưởng lớn của sự biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, mùa nóng sẽ khắc nghiệt hơn và có nguy cơ biến các vùng dễ bị tổn thương như Nam Trung bộ thành bán hoang mạc. Phần lớn diện tích vùng ven bờ của Việt Nam bị đe dọa ngập lụt hằng năm, trong đó đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 75% tổng diện tích, và 10% diện tích của đồng bằng Sông Hồng.
Nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy, từ năm 1900 đến 2000, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,1°C một thập kỷ. Mùa hè nóng hơn với nhiệt độ trung bình các tháng hè tăng từ 0,1°C đến 0,3°C một thập kỷ. Nếu so với năm 1990, nhiệt độ chắc sẽ tăng trong khoảng từ 1,4-1,5°C vào năm 2050 và từ 2,5-2,8°C vào năm 2100. |
Trong báo cáo phản hồi đánh giá mức độ và ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu tại Đà Nẵng do Tổ chức Thách thức với thay đổi (CtC) triển khai, các nhà khoa học đã đề xuất những vấn đề như: Kiểm tra và buộc các cơ sở phải xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải; Đề nghị đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; Hướng dẫn và giúp đỡ cho người dân làm hầm rút nước thải; Quản lý chặt chẽ và trồng rừng đầu nguồn; Nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường đối với người dân; Tăng cường sự phối hợp của các ngành về lồng ghép tuyên truyền về biến đổi khí hậu; đầu tư kinh phí xây dựng tài liệu và phương tiện tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu…
Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích sống còn của con người trên khắp hành tinh và làm cho trái đất ngày càng trở nên mỏng manh, dễ bị tổn thương và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngay từ bây giờ, mỗi người cần ý thức hơn đối với môi trường thông qua từng công việc cụ thể của mỗi cá nhân. TS Trương Phước Minh, Trưởng khoa Địa lý, ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, ý thức trước hết là thay đổi thói quen hằng ngày trong cuộc sống theo hướng tiết kiệm năng lượng.
Khí hậu thất thường đã gây ngập úng cục bộ giữa đô thị.(Ảnh: V.T.L) |
Mỗi cá nhân cũng có thể là một tuyên truyền viên có trách nhiệm thông qua trao đổi, chuyện trò với gia đình, bạn bè, hàng xóm; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí thể thao, tình nguyện và phát triển sẽ giúp bạn đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào cộng đồng một cách hữu hiệu.
Không có sức mạnh nào để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hữu hiệu bằng cách liên kết lại, kêu gọi mọi người tiết kiệm điện, nước, sử dụng năng lượng sạch để không phụ thuộc vào những nguồn năng lượng tự nhiên sẽ cạn kiệt trong tương lai. Mỗi cá nhân với hành động của mình hôm nay là để cho thế hệ tương lai được hưởng một môi trường bền vững hơn, họ không phải gánh chịu những hậu quả và di chứng xấu.
Hiền Lương