.

Lý Sơn ký sự

.

Lý Sơn cách đất liền 18 hải lý. Ngày trước chỉ có tàu gỗ ra đảo, mất vài ba tiếng, bây giờ đi bằng tàu cao tốc chỉ 45 phút hoặc một giờ, tùy thời tiết. Chưa được nửa đường đã gặp tàu Lý Sơn đi vào, cả hai chiếc đều mới đầu tư theo chương trình du lịch biển đảo. Gặp nhau trên đường vào ra hằng ngày, những chuyến tàu vẫn ấn còi chào nhau rộn rã. Cờ Tổ quốc phất phới trên biển biếc.

Lý Sơn có quá nhiều chuyện hấp dẫn, thiêng liêng và lôi cuốn đến lạ lùng. Phải làm một chuyến hành hương ra đảo, dù có bận rộn, trở ngại gì cũng phải đi. Đoàn lữ hành 7 người. Đến giờ cuối, 2 người xin rút. Trưởng đoàn cũng ốm, trời lại chuyển dông! Có người bàn lui. Không, vẫn quyết ra với đảo.

Rời Đà Nẵng lúc 5 giờ, đoàn có mặt tại cảng Sa Kỳ đúng 8 giờ kém 15, vừa đủ thời gian mua vé lên tàu. Ra đảo bằng tàu cao tốc mới, đóng ở Sài Gòn, 70.000 đồng một vé, sang trọng như xe đời mới. Hôm ấy, phiên tàu An Vĩnh-Cruiser, 100 ghế. Chúng tôi 5 người, nhưng chỉ còn 3 ghế, 2 người phải lên boong. Cảng buổi sáng ồn ào, mưa bay lất phất. Đúng 8 giờ, tàu hú còi, rời bến. Thế là yên, đảo thân yêu!

Tàu chưa ra khỏi cảng, nhiều người dời ghế ngồi lên boong, nhìn biển. Mưa bay. Nước tạt. Mọi người vẫn xôn xao trước mũi tàu, và chạy quanh chụp ảnh. Giã biệt xóm chài, giã biệt đất liền, sóng nước mênh mông. Bao nhiêu âu lo, mệt nhọc thường ngày tan biến và lùi lại phía sau, cuộc đời nhẹ tênh trước biển!

Tiềm ẩn du lịch Lý Sơn

 

Không nơi nào sẵn có tiềm năng độc đáo và thuận lợi để làm du lịch như ở Lý Sơn, và du lịch Lý Sơn cũng sẽ không bao giờ có được thời cơ vàng để khởi động, cất cánh như hiện nay? Đó là chuyện của mơ ước tương lai.

Còn hôm nay, đảo đang đón chào du khách bằng một cơn mưa biển đầu mùa và sự nhớp nháp ở cảng cá, ghé tạm. Ở cũng không xong, mà lên bờ cũng không được vì chưa có xe đón. Người dẫn đường du lịch, gốc ở đảo, không biết tại sao lại chẳng có máy di động, cứ ngập ngừng và chờ mãi giữa bốn bề mưa gió. Mãi sau chúng tôi mới ngộ ra trên đảo chỉ có duy nhất một chiếc xe 12 chỗ, dành cho tất cả dịch vụ, từ ma chay, cưới hỏi cho đến đưa đón du khách. Ở đảo, còn có nhiều cái độc. Đường đảo vẫn chưa có tên, điện thì một đỏ một tắt, nhà hàng cũng chỉ có một. Khách sạn cũng không, chỉ có 16 phòng trọ bình dân…

Dù mở tuyến du lịch ra đảo từ năm 2007, nhưng lội khắp nơi chúng tôi vẫn chưa thấy bóng dáng, vết tích của du lịch, có khi cả người làm cũng chưa có nốt! Nói gì cũng khó, làm gì cũng ngại. Đúng là du lịch tiềm ẩn!

Gia tài cha ông để lại

Bình minh Lý Sơn. (Ảnh: Đăng Vũ)

Lý Sơn, trước đây gọi là cù lao Ré, bởi ngày trước trên đảo có nhiều cây ré, loại cây thân mềm như lau sậy. Bây giờ cây ré gần như không còn và do vậy, người ta cũng đã quen dần với tên mới: huyện đảo Lý Sơn. Đảo có 5 ngọn núi là Thới Lới, Giếng Tiền, hòn Sỏi, hòn Tai và hòn Vung, do sự phun trào của núi lửa từ hàng ngàn năm trước tạo nên. Một nhánh núi tách rời đảo lớn 7km, gọi là đảo bé, và lập riêng một xã là An Bình, như vậy, huyện đảo có 3 xã, 2 xã ở đảo lớn có từ lâu là An Vĩnh và An Hải.

Cả đảo rộng 10km2, dài 7km, ngang 2km, nhưng có cả ngàn hecta đất đỏ ba-zan triền đồi để trồng trọt, chăn nuôi. Cây cối trên đảo tươi xanh, hoa quả đậm đà hơn hẳn nhiều đảo ven bờ khác. Trên đảo không có lúa, nhưng có đủ hoa màu, cây cảnh và các loại bắp, đậu, mè..., đặc sắc nhất là tỏi thơm Lý Sơn! Mặc dù chỉ trong vài chục năm do lấy cát trồng tỏi mà chu vi của đảo đã bị móp đi vài mét, lấn dần cát mịn của bãi tắm.

Đảo có khoảng 20 ngàn dân. Có 13 vị tiền hiền - từ đất liền ra lập nghiệp từ 300-400 năm trước. Những họ có công lớn với đảo là Trần, Phạm, Đặng, Võ, Lê, Nguyễn... So với những đảo ven biển miền Trung như cù lao Chàm ở Quảng Nam, Cồn Cỏ ở Quảng Trị, đảo Ngư ở Nghệ An..., Lý Sơn có lợi thế về dân số, nhiều nam thanh nữ tú, giỏi giang nghề biển, nghề nông, lại có truyền thống văn hóa, gia phong. Dân đảo làm ăn cần cù, tích góp, khá giả. Ở đảo, nhưng nhiều gia đình con cái học hành thành đạt, nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, mà lòng luôn hướng về quê đảo thân yêu, để thương, để nhớ, để đi về:

…Ai người sống giữa Cù Lao

Biển đời quyện với biển trời mênh mông…

(Thơ LT, Lý Sơn)

Về ẩm thực, Lý Sơn có hải sản tươi ngon, đậm đà hương vị miền biển. Món ốc ở vùng đảo núi lửa, mùi vị rất lạ. Mực tươi nấu xáo, dòn và ngọt. Cá mú da đỏ, thịt thơm. Gỏi tỏi đưa cay, làm bằng thân cây tỏi đực, không nơi nào có. Và cả rượu tỏi Lý Sơn, làm bằng những tép tỏi mồ côi, là loại tỏi chỉ có một tép duy nhất, khá hiếm, chỉ dùng để ngâm rượu, thơm lừng.

Không ở nơi đâu trên đất nước mình, con cháu đời sau lại được cha ông truyền giữ cho một gia tài nguyên vẹn, giàu có, độc đáo và xinh đẹp đến thế.

Hồn thiêng…

Đình làng An Vĩnh.

Diện tích đảo chưa tới 10km vuông mà có tới 12 di tích đã được công nhận và nhiều hang động, đình, chùa, miếu mạo, lăng mộ, nhà cổ độc đáo ở biển... Nổi tiếng là Âm linh Tự, đình làng An Vĩnh, An Hải, chùa Hang, chùa Đục…, những thắng cảnh như miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền... Gắn với những truyền thuyết, chuyện kể thiêng liêng, lôi cuốn bao đời, đẫm từng mét vuông đất đảo, và lòng người xứ đảo.

- Khao lề thế lính Hoàng Sa: Hằng năm, vào khoảng tháng hai âm lịch, sau Tết Nguyên đán, là chiếu lệnh của triều đình đến. Các tộc họ trên đảo tổ chức lễ tế để bàn bạc thi hành... gọi là khao lề.

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Hoàng Sa đi có về không

Lệnh Vua sai xuống, phải quyết lòng ra đi!

Khao lề thế lính có hai việc hệ trọng là bình chọn dân binh, trai tráng đi làm việc vua, thường là 70 suất, nhưng cũng phải cắt đặt người ở lại lo việc tế tự, di truyền nòi giống, nối dõi tông đường, do vậy thường chỉ chọn con thứ, gia đình neo đơn thì được miễn. Việc bình chọn người đi làm việc nước vừa thiêng liêng vừa công bằng, minh bạch. Sau khi chọn được người đi, sẽ làm lễ thế lính, vừa huyền bí, vừa nhuốm màu chia ly tang tóc giữa kẻ ở người đi...

Hoàng Sa mây nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về!

Người đi được tuyển khắp vùng duyên hải miền Trung, nhưng phần lớn dân binh, nhất là chỉ huy, cai đội đều là người đảo Lý Sơn, vì giỏi nghề và thông thuộc Hoàng Sa, Trường Sa, Bắc Hải.

Lý Sơn cách Hoàng Sa 200 hải lý, gần hơn Hải Nam (Trung Quốc) 30 hải lý, mỗi chuyến đi phải mất 3 ngày 3 đêm, bằng loại thuyền câu, mỗi người một chiếc, lẻ loi, đơn độc trước bao bất trắc, dữ dằn của sóng cả biển xa... Năm nào cũng chia ly và mất mát, mới có tục khao lề thế lính, thế mạng. Mỗi người ra đi làm một hình nhân, rồi các thầy cúng làm phép thả ra biển thế mạng, thủy thần thương mà tha chết cho về với vợ con, bản quán... Lời xin thống thiết đến nao lòng. Lễ khao lề thế lính thường được tổ chức ở đình làng An Vĩnh, còn bao dấu tích cho đến tận bây giờ.

Lễ vẫn cứ làm, nhưng người ra đi thì vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho mình hành trang vĩnh biệt, không về! Mỗi người 7 nẹp tre, 7 sợi dây, đôi chiếu bó xác và một thẻ bài ghi rõ danh tính... để mong sao xác mình còn được trôi về cố hương!

Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn

Chiếc chiếu bó tròn, mấy sợi dây mây!

Còn gì bi tráng hơn, phút giây ra đi vì nước của người dân xứ đảo Lý Sơn xưa!

- Khao lề tế lính Hoàng Sa: Ròng rã 6 tháng lặn lội đo đất, đo nước, ghi dấu, cắm mốc biên cương, nhặt nhạnh tài nguyên, châu báu... trên cả trăm hòn đảo. Đội quân sống sót sẽ tìm về đất liền qua cửa Eo, Thuận An, rồi vào Cung dâng nộp của cải, và báo cáo mọi việc lên triều đình Huế.

Những người trở về sẽ được nhà Vua khen thưởng, rồi về với vợ con, bản quán. Còn những người không bao giờ trở lại, sẽ được dân đảo tổ chức tế lễ chiêu hồn nhập xác, nặn tượng, an táng như người thật gọi là khao lề tế lính. Lễ tế những người chỉ huy, cai đội trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa, biên cương biển khơi của Tổ quốc, và đã mãi mãi nằm lại ở đó như Phạm Quang Ảnh (1815), Trương Phúc Sĩ (1834), Phạm Văn Nguyên (1835), Phạm Hữu Nhật (1836)… là những sự kiện không bao giờ phai mờ trong lòng dân đảo Lý Sơn.

Việc nặn tượng cho người đã khuất vô cùng thiêng liêng, đất để nặn tượng được lấy về từ đỉnh núi cao, sạch sẽ, có trọng lượng bằng với người đã mất, xương được làm bằng cây dâu, gân được làm bằng tơ tằm, riêng trái tim được nắn bằng đất lấy ở ngã ba đường, nơi từng in dấu chân người đã khuất. Mọi thứ được chuẩn bị chu đáo thì thầy cúng, kiêm nghề nặn tượng bắt đầu hành lễ. Cha mẹ, vợ con, gia quyến… ngồi chung quanh, khói hương nghi ngút, trang nghiêm. Theo sự mô tả, mách bảo của thân nhân, thầy lễ thả hồn về cõi xa xăm và nặn tượng người đã khuất cho đến bao giờ gần giống mới thôi, nhất là khuôn mặt. Xong xuôi thì dùng lòng đỏ trứng gà pha với sét trắng tô da như thật, rồi mới tẩm liệm, đặt linh vị lên mặt, y như người mất nằm đó. Rồi bắt đầu gọi hồn người chết nơi sóng gió trùng khơi, nhập về với xác:

…Thiêng thì về cố quận

Thiêng thì giúp Hoàng triều giữ vẹn biên cương

Hộ Hương thôn,…

Quốc thái dân an, rạng danh Cố độ …

(Trích: Bài tế Âm linh Tự, lời dịch văn Nôm của Võ Hiển Đạt)

Hỡi ai,

...Bỏ mình vì nước nơi xa

Về đây hưởng huệ quê nhà Lý Sơn...

(Thơ Trung Tín, Lý Sơn)

Chuyên kể thiêng liêng và độc đáo, cùng với hàng ngàn ngôi mộ gió đang còn đó, như những lời nhắc muôn đời về một phần Tổ quốc thân thiết nơi xa, là vật chứng không gì chối cãi về chủ quyền của đất nước với Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu.

Chỉ một lần ra đảo, nhưng Lý Sơn đã trở thành máu thịt, da diết, sống mãi trong tôi. Nhớ mãi, nghĩ mãi, ám ảnh mãi, như một cây đàn căng dây, chỉ chạm nhẹ là vang lên hồn thiêng sông núi, tiếng vọng non nước ngàn năm. Những đình miếu, lăng mộ, những hình nhân thế mạng, và hàng hàng, lớp lớp mộ gió giữa sương nắng đảo xa… mà linh hồn của họ, của những người con trung hiếu, sống khôn chết thiêng, đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi xanh thẳm vì sự vẹn toàn của Đất Nước.

Vẫn như đang còn vương vấn đâu đây, thề một lòng giữ vẹn biên cương mà ta đang sống!

DƯƠNG ĐĂNG CAO

;
.
.
.
.
.