Không nhận phong bì từ doanh nghiệp: phóng viên mất một khoản tiền kha khá. Nếu nhận: phóng viên không còn danh dự.
Chạy như bay vì sợ người ta hiểu nhầm mình... gợi ý
Mối quan hệ giữa nhà báo và doanh nghiệp trở nên thoải mái nếu không “vướng” vào chuyện tiền bạc.TRONG ẢNH: Các nữ nhà báo và nữ doanh nhân cùng chung vui trong ngày 8-3-2009. |
Từ khi còn ngồi ghế đại học, tôi cùng nhiều bạn bè, những nhà báo tương lai, cứ đùng đùng một lý tưởng là làm báo để góp phần giảm bớt bất công trong xã hội và nhất định không bao giờ nhận phong bì của doanh nghiệp. Cái lý tưởng thứ nhất, sau vài năm bon chen với nghề, chí ít chúng tôi hiểu là rất khó thực hiện.
Còn lý tưởng thứ hai, bọn tôi vẫn giữ rịt. Vậy mà lần này, người kia lại hỏi tọt một cách quá thẳng thắn, khiến tôi bối rối, rồi vội vã nói ngay: “Tất nhiên là không”. Và khi cuộc phỏng vấn doanh nhân này vừa xong, tôi gần như đi như chạy ra khỏi công ty, để người ta khỏi hiểu nhầm là mình ngồi nán lại để... “gợi ý”.
Sau đó, tôi và nhiều đồng nghiệp trẻ lại thêm vài lần chạy như bay ra khỏi các trụ sở doanh nghiệp để khỏi phải nhận phong bì. Có người còn chạy ra tận chỗ chúng tôi để xe máy, và cố gắng bỏ phong bì vào cốp xe, giỏ xách, v.v... Những khi đó, phải vất vả từ chối mới được “tha”.
Nói “không” nhẹ nhàng nhưng dứt khoát
Vài năm trong nghề, tôi biết cách đón nhận chuyện phong bì bình thản hơn: nói “không” nhẹ nhàng mà dứt khoát. Nhiều đồng nghiệp trẻ như tôi đều tự tìm cách từ chối rắn rỏi để doanh nghiệp không còn lý do “ép” mình nhận. Chúng tôi học cách nói của nhau và đem áp dụng cho từng trường hợp. Nhiều người khác lại bảo chúng tôi dại, “họ đưa thì mình cứ lấy”.
Nhưng trước sau tôi vẫn bảo toàn quan điểm của mình: không. Tôi có cảm giác rằng: nếu nhận phong bì đó, tôi sẽ chi tiêu thoải mái hơn chút, nhưng đổi lại tôi sẽ là “tay sai” của họ. Không nhận, tôi sẽ viết theo ý mình muốn với tinh thần tôn trọng thực tế; nếu nhận, tôi buộc phải viết theo ý đồ của họ cùng những câu dặn dò: “Em viết cho khéo nhé!”.
Không nhận, tôi sẽ đứng ngang hàng với họ trong tư cách là người đưa tin của công chúng; nếu nhận, tôi chẳng qua là một tay phóng viên đi mồi chài chẳng hơn chẳng kém. Tôi cực đoan giữ quan điểm của mình đến nỗi không nhận cả một ly nước cam mà một doanh nghiệp kinh doanh ăn uống mời. Nhiều năm qua, tôi vẫn giữ đúng tư thế đó, dù nghề nghiệp có giúp tôi khôn ngoan hơn và biết ứng phó hơn trước nhiều.
Và cũng vì thế, tôi có được sự trân trọng của những doanh nghiệp mà tôi đến làm việc, bởi họ biết tôi đến với họ vì thông tin, không phải vì tiền. Làm phóng viên chân chính, cân nhắc đắn đo giữa mất tiền và mất danh dự không phải là chuyện thừa.
PHONG KHÁNH