.

Nan giải vấn đề nhân lực

.

Kiểm soát và khống chế dịch bệnh của hệ y tế dự phòng (YTDP) đang gặp khá nhiều khó khăn khi nguồn nhân lực cho nghề này đang thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò chăm sóc sức khỏe người bệnh. Nhất là khi tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến khá phức tạp và ngày càng nguy hiểm.

“Nơi khác thiếu một, ở đây thiếu mười”

Công việc thường xuyên của cán bộ YTDP khi dịch bệnh xảy ra.

Một ngày làm việc của bác sĩ Trần Hữu Phú, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Liên Chiểu thường bắt đầu từ rất sớm. Nửa thời gian anh dành cho công việc chuyên môn của một bác sĩ trực và khám bệnh cấp cứu tại trung tâm, nửa còn lại kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của một bác sĩ khám chữa bệnh thường xuyên cho bệnh nhân tâm thần; phụ trách đội YTDP và chỉ đạo trực tiếp công tác kiểm soát, theo dõi những ổ dịch được phát hiện trên địa bàn quận Liên Chiểu.
 
Khối lượng công việc khá nhiều và thời gian không xác định, lịch làm việc của anh hầu như thay đổi thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế. Theo bác sĩ Phú, điều kiện hiện nay hết sức khó khăn khi công suất giường bệnh là 151% và luôn trong tình trạng quá tải, khiến TTYT quận Liên Chiểu cần có thêm khoảng 20 bác sĩ và nhiều CBYT khác.
 
Chưa kể đến việc theo quy định của Sở Y tế thì số lượng biên chế của đội YTDP quận Liên Chiểu là 20 người, trong khi đó toàn quận nay chỉ có 9 cán bộ đảm đương nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, xét nghiệm, thẩm định và giám sát, hỗ trợ hoạt động tại các trạm y tế xã, phường, thực hiện các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia là chuyện không dễ. Ngoài ra, do chưa có cơ sở vật chất nên một số xét nghiệm nguồn nước, vi sinh vật phải chuyển về tuyến thành phố.

Không chỉ ở tuyến cơ sở, ngay cả tuyến y tế thành phố cũng đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực này. “Nơi khác thiếu một, ở đây thiếu mười” là khẳng định của bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc TTYT Dự phòng Đà Nẵng khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. TT hiện nay có 9 bác sĩ, trong khi số lượng cần là gần 20 bác sĩ. Số lượng thiếu hụt khiến các nhân viên y tế phần lớn làm việc quá tải, không bảo đảm quy trình, thời gian khám, chữa bệnh và áp lực công việc khiến họ làm việc như một cái máy. Đôi khi, họ thiếu đi sự thông cảm và quan tâm đến tâm lý bệnh nhân, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín hành nghề của các TTYT tuyến dưới.

Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực ở hệ thống YTDP càng trở nên khó khăn hơn do tính chất công việc của một cán bộ YTDP phải luôn trực tiếp tiếp cận cộng đồng, tiếp xúc và xử lý nguồn gây bệnh, nhất là đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm hoặc bệnh lạ mới như cúm A/H5N1, A/H1N1 đang diễn biến phức tạp và rất khó kiểm soát. Người cán bộ YTDP phải chấp nhận đồng lương và chế độ phụ cấp ít ỏi, thường xuyên lặn lội kiểm soát dịch bệnh ở các vùng sâu, vùng xa trong điều kiện không bảo đảm an toàn.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Công việc vất vả, nhưng các khoản thu nhập trung bình hằng tháng (kể cả lương cơ bản) của một cán bộ YTDP chỉ từ 2-3 triệu đồng/người, trong khi khu vực y tế tư nhân thu nhập trung bình hằng tháng từ 5-10 triệu đồng/người, thậm chí cao hơn gấp chục lần so với lương Nhà nước; đối với cán bộ hợp đồng hoặc mới thử việc, mức thu nhập còn thấp hơn, chỉ trên dưới 1 triệu đồng/người. Khi thành phố công bố dịch bệnh thì đội ngũ này chỉ được hưởng mức cộng thêm 60.000 đồng/người/lần trực, trong khi tính chất của công tác phòng chống dịch bệnh là thường xuyên.

Các khoản lương tăng thêm (theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập) mặc dù đã được thực hiện nhưng cũng rất ít ỏi vì các đơn vị YTDP không thể chủ động nguồn thu từ các dịch vụ công như các đơn vị thuộc hệ điều trị, do vậy khó lòng giữ chân được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn.

Đội ngũ bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa ở các đơn vị YTDP cũng thiếu hụt do số đã ổn định biên chế xin chuyển công tác khác hoặc bỏ việc để hành nghề y tế tư nhân, trong khi số bác sĩ cũng như dược sĩ mới ra trường không muốn về công tác ở các cơ quan YTDP do một số nguyên nhân như đã phân tích. Các TTYT Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu không có bác sĩ YTDP, công việc phụ trách chuyên môn do một bác sĩ đa khoa kiêm nhiệm và cùng một lúc làm hai nhiệm vụ khác nhau về công tác khám, chữa bệnh. Đó là chưa kể một số nơi như huyện Hòa Vang, Liên Chiểu không có phòng YTDP riêng biệt mà nằm lẫn với các phòng, ban khác của TTYT quận, huyện.

Bên cạnh đó, số cán bộ có trình độ trung cấp, sơ cấp hoặc qua các lớp bồi dưỡng từ cơ sở chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với số cán bộ có trình độ đại học và sau đại học nên không phát huy được hiệu quả công việc. Trong khi đó, chức năng khám, chữa bệnh ở lĩnh vực YTDP phải đến từ cấp cơ sở do trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh: các bệnh viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét và các bệnh đường hô hấp...

Theo Bộ Y tế, hiện nay hoạt động về y tế dự phòng chiếm 60% hoạt động về y tế nói chung. Khoảng gần 75% cán bộ y tế dự phòng đang làm việc tại các cơ sở không phải là cán bộ được đào tạo theo chuyên ngành mà là bác sĩ đa khoa chuyển sang. Nhu cầu đến năm 2010, tuyến trung ương cần bổ sung thêm 662 người, tuyến tỉnh cần bổ sung 5.756 người và tuyến huyện cần bổ sung 27.044 người.

Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất lẫn tác phong làm việc do thiếu con người đã làm người dân không yên tâm khi đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến quận, huyện, dẫn đến công tác khám chữa bệnh rơi vào vòng luẩn quẩn giữa tuyến dưới và tuyến trên. Theo bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc TTYT quận Liên Chiểu, có khá nhiều trường hợp người bệnh có thể chữa trị ở tuyến dưới thì họ lại đến chầu chực để được tư vấn, khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên hoặc các cơ sở y tế tư nhân do tin tưởng vào cơ sở vật chất mà họ cung cấp.

Cũng theo bác sĩ Điềm, vấn đề đào tạo nhân lực ngành y tế hiện nay khá bất cập với nhiều nguyên nhân, thời gian đào tạo dài, trong khi đồng lương ra trường không bảo đảm đã không thu hút được thí sinh chọn ngành y, chưa nói đến chuyện học chuyên về lĩnh vực YTDP. Điểm tuyển sinh cao cũng là nguyên nhân dập tắt ước mơ làm bác sĩ của một số bạn trẻ khi thấy mình không đủ khả năng thi ngành này.

Tầm quan trọng của lĩnh vực y tế nói chung và YTDP nói riêng không chỉ quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm hay suy dinh dưỡng, mà còn liên quan trực tiếp đến các bệnh mãn tính như tim mạch, viêm khớp xương, đái tháo đường, cao huyết áp, tai biến, loãng xương, ung thư, v.v.. Đây là hệ quả của một quá trình tích lũy những rối loạn sinh lý qua phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ. Việc can thiệp vào các yếu tố nguy cơ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở quy mô cộng đồng.

TIỂU YẾN

 

 

;
.
.
.
.
.