.
NGHỊ QUYẾT CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY

Về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Ngày 8-6-2009, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Toàn văn Nghị quyết như sau:

Sau hơn 4 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố từng bước đi vào nền nếp. Việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai ngày càng hiệu quả hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng đất đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện về mặt bằng cho các ngành sản xuất, kinh doanh; cải thiện điều kiện về nhà ở cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và xây dựng đô thị Đà Nẵng.
 
Các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của
pháp luật.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố vẫn còn những hạn chế; tiềm năng đất đai chưa phát huy hết; hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao. Công tác quy hoạch sử dụng đất cấp quận, huyện, phường, xã còn chậm, chất lượng chưa cao, tính khả thi thấp (còn 2 quận, 52 phường, xã chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).

Công tác đo đạc, lập bản đồ, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai, công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý những vi phạm pháp luật về đất đai, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai chậm sửa đổi, bổ sung.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố trong những năm đến như sau:

I- Quan  điểm và mục tiêu

- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuê đất sử dụng ổn định, lâu dài hoặc có thời hạn theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho cá nhân, tổ chức sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai.

- Việc quản lý và sử dụng đất đai phải chú ý đầy đủ tới các mặt kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người đầu tư và người sử dụng đất. Tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi thành viên trong xã hội đối với việc quản lý và sử dụng đất.

- Khai thác, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

II- Nhiệm vụ

1- Các địa phương, đơn vị chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, nhất là nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả sử dụng đất.

2- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất do UBND thành phố ban hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; đặc biệt chú trọng các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc phải thu hồi để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch.

3- Tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với 2 quận, 52 phường, xã chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Chủ động theo dõi trước những diễn biến và sự phát triển thị trường bất động sản; có biện pháp chống các hành vi đầu cơ bất động sản.

4- Các ngành chức năng khi lập dự án đầu tư cần gắn với việc đánh giá tác động môi trường và có biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án.

5- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội có liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định khu vực đất phục vụ mục đích quốc phòng, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, hoặc đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế-xã hội để đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

III- Giải pháp thực hiện

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho tổ chức và người dân nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc làm thủ tục khi có biến động đất đai theo quy định của pháp luật.

2- Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất; xem xét kỹ nhu cầu sử dụng đất, hiệu quả và tính khả thi của dự án, khả năng thực sự của nhà đầu tư trước khi quyết định giao đất, cho thuê đất; đồng thời, khắc phục có hiệu quả tình trang ách tắc, kéo dài việc giải phóng mặt bằng.

- Tiến hành rà soát, đánh giá, xử lý các dự án quy hoạch có sử dụng đất theo quy định; kiên quyết thu hồi đất đã giao hoặc cho thuê nhưng chủ đầu tư không triển khai theo quy định, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả, lãng phí... để giao hoặc cho thuê lại đối với tổ chức, cá nhân có năng lực, có nhu cầu thật sự về đất đai để thực hiện dự án đầu tư.

- Đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai các dự án đầu tư xây dựng đúng tiến độ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

3- Trên cơ sở hiện trạng tư liệu về quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, rà soát, đánh giá để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định rõ khối lượng và mục tiêu hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính hằng năm đối với từng địa bàn cụ thể. Phấn đấu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các loại đất vào năm 2010.

4- Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-1010, định hướng đến năm 2015 để phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung:

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các Văn phòng Đăng ký quyền sử đụng đất và UBND phường, xã để bảo đảm nguyên  tắc tất cả những thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận phải thể hiện đầy đủ, thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính ở các cấp.

- Tiến hành số hóa các cơ sở dữ liệu địa chính được lập trên giấy nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và công khai hóa thông tin đất đai trong thị trường bất động sản hiện nay.

5- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai có trình độ và năng lực tổ chức quản lý, nhất là cán bộ địa chính phường, xã.

6- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai kết hợp với công tác bảo vệ môi trường nhằm phát hiện xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường.

7- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quy trình giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.

8- Chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện nếu để xảy ra lấn, chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép và Chủ tịch UBND quận, huyện liên đới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

9- Hằng năm, ngân sách thành phố trích một phần kinh phí trong tổng nguồn thu từ đất để đầu tư, phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng đất đai.

IV- Tổ chức thực hiện

1- UBND thành phố chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương nêu trong Nghị quyết này thành kế hoạch và đề ra các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết.

2- Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải đưa nội dung tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cấp mình để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; đồng thời, có kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; định kỳ có sơ kết, báo cáo kết quản thực hiện về cấp ủy Đảng cấp trên để có đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo.

3- Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Văn phòng Thành ủy giúp Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi việc kiểm tra thực hiện Nghị quyết; định kỳ tổ chức việc sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc phát sinh thì báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

;
.
.
.
.
.