.

Nghĩa hiệp làm phước cho đời…

.

Trước khi tôi đến tìm gặp ông, Bí thư Đảng ủy phường An Hải Bắc Lê Ngọc Hoàng “cảnh báo”: Gặp thì được, nhưng tôi nghĩ viết về đồng chí này thì khó lắm, bởi ông không bao giờ muốn nói về những chuyện mình đã làm được. Ngay cả khi Đảng ủy phường yêu cầu viết báo cáo thành tích về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để gửi lên cấp trên, đồng chí ấy cũng chỉ nói, mình đã làm được gì đâu, giúp người được bao nhiêu mà kể lể!                                      

Nụ cười đôn hậu đồng hành với cái tâm nhân hậu của đảng viên Thái Phước Hiệp.

Thế nhưng, cũng chính vì cái sức hút “muốn giấu mình” ấy của ông, mà tôi vẫn muốn tìm gặp cho được người đảng viên, theo ông Lê Ngọc Hoàng, là một mẫu mực ở Chi bộ 3. Ngồi cùng ông phía sau ngôi nhà, cách biệt với những ồn ã phố xá nơi mặt tiền đường Ngô Quyền, những dòng chảy quá khứ dường như trôi chậm lại, cộng với những gì tôi biết về ông qua đồng chí, đồng đội, hiện lên trong hình dung của tôi là một đảng viên Thái Phước Hiệp nhân hậu - cái nhân hậu của một con người thấm trải những khúc quanh của cuộc đời.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất La Hòa, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ngay trong những ngày sôi nổi nhưng đầy khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, chàng trai trẻ 18 tuổi Thái Phước Hiệp tham gia vào lực lượng bộ đội chính quy thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, có mặt trong nhiều trận đánh trên địa bàn. Khi hòa bình lập lại trên nửa nước, ông cùng đồng đội tập kết ra Bắc, được phiên chế vào Sư đoàn 324 đóng quân tại Nghệ An, sau đó được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân Sơn Tây.
 
Những tháng ngày cả nước sục sôi vì miền Nam ruột thịt đang quặn đau trong chia cắt, ông xung phong trở về quê hương. Sau hơn 50 ngày đêm “xẻ dọc Trường Sơn”, ông về hoạt động tại chiến trường Kon Tum trong cương vị Thị đội trưởng Thị đội Kon Tum. Những dòng hồi ức của ông luôn gắn với mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng đã trở thành một phần máu thịt trong ông, bởi ở đây, ông đã để lại một phần máu thịt của mình.

Ông kể, hoạt động trên địa bàn còn nằm trong vòng kiểm soát của địch, mới thấu hiểu hết cái tình, cái nghĩa của nhân dân đối với Đảng, với cán bộ cách mạng. Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng vẫn như in trong hồi ức của ông hình ảnh của những người dân lam lũ, cả những người lính ở phía bên kia chiến tuyến, nhưng khi được chính ông giác ngộ, đã trở thành những chiến sĩ Cộng sản kiên trung, một lòng một dạ đi theo cách mạng.

Đó là những Hồ Lanh, Nguyễn Đức Bá, Mai Bảy, Nguyễn Bồng, Mai Tâm, Đào Thị Tường… Trong đó, trung đội trưởng nghĩa quân Nguyễn Đức Bá, tiểu đội trưởng nghĩa quân Mai Bảy… đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và được công nhận liệt sĩ. Nhưng nhớ nhất trong ông vẫn là gia đình anh Nguyễn Bồng (Bốn Bồng).

Trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cả anh chị đều bị địch bắt; sau đó chị được thả vì gia đình quá đông con và quan trọng là địch không có chứng cứ buộc tội chị. Trong thời gian này, mặc dù nhiều cơ sở bị vỡ, có phần tử phản bội, người dao động hoặc bỏ đi nơi khác, nhưng chị Bốn Bồng vẫn liên lạc với ông và báo cáo tình hình thường xuyên trong thời gian ông nằm hầm bí mật gần nhà chị.

Những ngày bọn địch tăng cường theo dõi, mật phục vì nghi gia đình chị Bốn Bồng vẫn còn kết nối với cách mạng, ông tạm dừng liên lạc vì thấy tình hình căng thẳng. Không ngờ, nóng ruột vì lo cho tính mạng của ông, một hôm chị ra vườn tìm dấu vết để nối liên lạc với ông thì vướng phải mìn địch cài lại. Chị ra đi để lại 8 đứa con còn nhỏ trong khi chồng vẫn còn trong chốn lao tù… Chính sự hy sinh của những con người đó mà suốt phần đời còn lại, ông như thấy mình luôn mắc nợ với đồng đội và những người dân đã đùm bọc chở che ông.

Về định cư tại phường An Hải Bắc khi nghỉ hưu ở tuổi 64 với quân hàm Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, do bị ảnh hưởng của thương tật, ông không dám đảm trách chức vụ gì ở địa phương. Nhưng ông vẫn nhận “chức” Chủ tịch Hội Từ thiện của phường từ năm 1998 để có cơ hội làm việc nghĩa.

Không trụ sở làm việc, không phụ cấp, khi khỏe thì xe máy, sau thị lực yếu dần thì xe đạp, ông rong ruổi khắp phường vận động thành lập các chi hội Từ thiện ở các tổ dân phố, từ đó làm cơ sở để vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân cùng chung tay góp sức vực dậy những mảnh đời bất hạnh. Trong 10 năm, ông đã xây dựng được hệ thống tổ chức đều khắp ở cơ sở, hình thành nên các mô hình vận động giúp đỡ người nghèo như Quỹ Tấm lòng vàng trong cán bộ hưu trí, vận động Việt kiều hỗ trợ kinh phí, xây dựng Quỹ Từ thiện của phường…
 
Có tiền, ông cùng anh em phải lặn lội đi tìm những địa chỉ cụ thể và xứng đáng nhất để trao, tạo uy tín đối với những nhà tài trợ. Nhờ tận tụy và kiên trì vận động như thế, nên hằng năm quỹ của Hội Từ thiện phường An Hải Bắc nhận được sự ủng hộ tổng cộng từ 100 đến 150 triệu đồng, góp phần cùng chính quyền giải quyết đời sống cho nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn.

“Có lặn lội đến những kiệt hẻm như thế mới thấy còn nhiều người nghèo, nhiều trường hợp thương tâm cần giúp đỡ lắm. Như vậy cũng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn, vì mình cũng là người nghèo, được cách mạng giác ngộ, được Đảng giúp đỡ và nhân dân che chở, đùm bọc để trưởng thành, trong đó có nhiều người hy sinh mà cho đến nay vẫn chưa tìm thấy được hài cốt, thì mình cũng phải làm một điều gì đó thật cụ thể, thiết thực, chứ không mong gì kể công!” Mang trong lòng trăn trở đó, đến năm 2007, do thị lực sút giảm, chia tay chức Chủ tịch Hội Từ thiện, ông vẫn một lòng hướng đến chia sẻ với người nghèo.
 
Không còn tham gia vận động xã hội, ông về vận động trong gia đình tham gia hoạt động xã hội, từ thiện. “Tôi may mắn có được 5 đứa con đều trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống và luôn biết chia sẻ với mọi người, vì chúng đều thấu hiểu vì sao mình có được thành quả như hôm nay” - ông tâm sự. Để thuyết phục các con thực hiện tinh thần tiết kiệm, ông thể hiện vai trò làm gương của mình. Chiếc áo ông may trong những ngày hoạt động ở Kon Tum cách đây 14 năm, ông vẫn mặc và giữ gìn phẳng phiu, sạch đẹp để rồi khoe với các con:

Các con thấy không, áo ba may gần 15 năm vẫn mặc tốt, thì cần gì phải may thêm nữa. Các con cho tiền ba mua sắm thì tốt, nhưng để dành cho người nghèo thì tốt hơn! Tết nhất, con cái cho tiền ông mua sắm cây cảnh, ông gói ghém để dành mang Tết đến cho nhà nghèo. Nhờ gom góp được những đồng tiền tiết kiệm như thế, cộng với khoản đóng góp của con cái, ông dành ra 15 triệu đồng xây một ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình Cựu chiến binh Nguyễn Châu, ở tổ 19  phường An Hải Bắc.

Rồi cũng từ đồng tiền tiết kiệm của mình và gia đình, ông cho 5 gia đình trong phường vay không lấy lãi trong thời hạn 24 tháng để họ mưu sinh; trong đó một gia đình vay 10 triệu, các gia đình còn lại vay mỗi hộ 5 triệu đồng. Khi được hỏi “lối về” của những đồng vốn đó, ông cười đôn hậu: Mình giúp họ cái cần câu, đâu mong họ câu cá đem biếu mình. Mà cái cần câu nó lỡ gãy rồi cũng thôi, chứ sao bắt đền được! Giúp nhau chủ yếu ở tấm lòng, mình thật lòng với họ thì họ cũng thật lòng với mình thôi, lo gì!

Trải lòng ra như thế, nhưng mấy hôm nay, ông vẫn còn trăn trở chuyện đề xuất xây dựng “con heo đất từ thiện” ở mỗi gia đình. Người đảng viên 47 tuổi Đảng Thái Phước Hiệp đề xuất ý tưởng này với chi bộ, nhưng việc bàn cãi vẫn còn chưa ngã ngũ, nên ông hơi lo lắng. Theo ông, “Con heo đất” sẽ được nuôi trong nhà mỗi đảng viên, sau đó lan dần ra quần chúng.
 
Mỗi gia đình sẽ tiết kiệm những đồng tiền lẻ trong chi tiêu hàng ngày, sau đó đập ống một lần, gom tiền tiết kiệm trong chi bộ, trong tổ dân phố để giúp cho người nghèo. “Vấn đề không chỉ là số tiền đó ít hay nhiều, mà quan trọng là giáo dục được ý thức tiết kiệm và lòng hảo tâm trong mỗi gia đình, nhất là trong lớp trẻ” - ông tâm sự.

Cảm nhận được cái hạn hữu của đời người, ở tuổi 76, người đảng viên Thái Phước Hiệp dường như vẫn đau đáu chuyện truyền lại cái hơi ấm nhân hậu, cái nghĩa hiệp làm phước cho đời…

Ghi chép của Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.