.

Ngược xuôi xe thồ - Bài 1: Làm vài cuốc, không thì đói

.

Chiếc xe thồ trở thành “cần câu cơm” của nhiều người chủ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, họ bám đường, đón khách kiếm sống. Cánh xe thồ ở Đà Nẵng có hàng nghìn, trong đó không ít người có thâm niên đến vài ba chục năm.Ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà, thành ra các anh còn “kiêm” đủ thứ nghề không tên khác.

Không có tui, cả nhà đói!

Có người còn trẻ, có người đã già, song tất cả đều là trụ cột kinh tế của cả nhà.

Họ cứ tếu táo gọi nghề xe ôm của mình là nghề giang nắng, giang mưa. Mưa thì choàng áo mưa ngồi chóc ngóc ở đầu ngã tư, trong khi người ta cứ hối hả tìm chỗ nấp cho lẹ. Nắng thì lấy mấy gốc cây làm “trụ sở”, và đưa mặt ra thi gan với gió trời. Cánh xe ôm ở Đà Nẵng có hàng nghìn, mà số người có thâm niên cả vài ba chục năm trời không phải ít. Hễ đã chọn nghề là sống chết gì cũng bám nghề tới cùng. Muốn rứt ra làm việc khác cũng trở trăn lui tới cả trăm bận, rồi tặc lưỡi: “Quen nghề ni rồi. Làm nghề khác biết sống ra răng”.

Anh Đoàn Hùng mới 43 tuổi đã trụ với nghề này những hơn 10 năm. Ngày nào may mắn, gặp được khách sộp thì mang về nhà hơn trăm ngàn bạc. Bữa nào ế, gắng gỏi cũng được vài chục đong gạo. Số tiền kiếm được, sau khi trừ tiền xăng và tiền chữa mấy bệnh “cảm cúm-nhức đầu-sổ mũi” của… con chiến mã, còn lại chẳng dư dả gì. Vậy mà họ cứ là trụ cột gia đình. Anh Hùng bảo: “Không có tui, vợ con chắc chết. Bả (vợ anh – PV) làm công nhân lương tháng chẳng là bao, lấy chi nuôi nổi mấy đứa nhỏ”.

“Ai mà không muốn được nghỉ ngơi, được một ngày thong thả dạo trên đường chứ không phải vừa dạo vừa ngó chừng có ai lỡ đường đi bộ để bắt khách.

Nhưng không thể chiều chuộng bản thân quá, cũng không có lý lẽ nào tự cho phép mình nghỉ tùy tiện được”…Sau từng chuyến xe của các anh là cả một gánh nặng gia đình.

Đội xe thồ chợ Cồn có gần 200 người và trên 95% số người này là trụ cột kinh tế của gia đình. “Các anh không chạy ra đường kiếm vài cuốc, ngày nớ túng là cái chắc”, ông Đội trưởng nói vậy khi tâm sự về hoàn cảnh của cánh xe thồ quanh chợ.

Vì là lao động chính của gia đình nên quanh năm dù thời tiết thất thường, dù cơ thể “đòi” nghỉ, họ chỉ uống vài viên thuốc qua loa. Lý lẽ họ đưa ra xem chừng rất đơn giản: “Nghỉ rồi lấy tiền đâu đem về nuôi con, nuôi vợ. Đã vậy, còn tốn thêm khoản ăn tiêu ngày đó cho mình”.

Giữ khách, giữ chỗ: phải có “chiêu”

Để có tiền lo cho gia đình trong thời buổi ra ngõ gặp xe thồ, mấy bác tài phải thủ sẵn vài “chiêu” giữ khách.

“Chiêu” chuẩn nhất, theo các bác là cứ ăn mặc cho tinh tươm, sạch sẽ, và tuyệt nhiên không uống rượu để mặt mày đỏ gay trong “giờ hành chính” (giờ đi thồ ngày, từ khoảng 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều). “Chiêu” riêng của anh Hùng là đàng hoàng, đứng đắn, đi bao nhiêu ra giá bấy nhiêu, không “hét” giá trên trời để khách “dính đạn”.

Các anh không chạy ra đường kiếm vài cuốc, ngày nớ túng là cái chắc.

.

Giữ khách được rồi, giữ chỗ đứng lại là một “cuộc chiến” khác, có phần quyết liệt hơn. Theo lệ bất thành văn, “đất có thổ công, sông có hà bá”, hễ ai đứng đâu lâu năm, đất đó là của riêng họ. Trong vòng bán kính 20m quanh khu vực đó, không anh xe thồ lạ hươ lạ hoắc nào dám bén mảng, trừ phi là bạn bè, người thân hay cùng xóm với “thổ công”. Anh nào không biết điều, cứ mon men, lì gan đứng hoài, ắt “thổ công” sẽ tới nói chuyện phải trái.

Mà đã bám nghề, không kể mấy anh đã vợ con đề huề, những anh tre trẻ, cỡ hăm mấy tuổi, như anh N. (sinh năm 1983, đứng đường Lê Duẩn, gần cầu Sông Hàn) còn không có cả thời gian tìm người yêu. Anh N. cứ tiếc rẻ: “Bạn gái bỏ vì tôi đi làm cả ngày. Đến tối về mệt quá lăn đùng ra ngủ, chẳng đưa bạn gái đi chơi đâu cả”. Và từ đó, mặc cảm “không có cô gái nào chịu để ý tới tay xe thồ như mình”, anh N. càng cảm thấy hạnh phúc ở đâu xa xôi...

Không sợ vợ bỏ, mấy anh có gia đình lại gánh một nỗi buồn khác. Anh Côi (đứng cổng chợ Cồn) thấy con mình ngày càng lớn mà xót cả ruột. “Nó (con gái – P.V) đi học về khóc sướt mướt vì lên lớp có bạn nói: “Tau đi chợ thấy ba mi thồ ngoài nớ”, anh buồn buồn. Có anh dù “đứng đường” trên chục năm trời vẫn ám ảnh trong mình nỗi tủi buồn khi người quen, bà con đi ngang thoáng nhận ra anh.

HẰNG VANG - THU HOA

;
.
.
.
.
.