.

Ngược xuôi xe thồ - Bài 2: Xe thồ già: kẻ ngại, người thương

.

Nép trong một góc chợ Cồn, những bác xe thồ 60-70 tuổi với cái miệng móm mém, đôi mắt mờ đục chăm chăm nhìn từng người bước ra cổng, tưởng chừng các bác có thể đếm được mỗi buổi có bao nhiêu lượt người đi qua khu vực này. Hỏi các cụ có chạnh lòng khi thấy những người đồng trang lứa sáng sáng thong thả tập dưỡng sinh, một cụ vỗ cái bốp vào cổ xe: “Thì tụi ông tập bằng cái ni đây. Đi xe vui mà khỏe nữa”.

        >> Bài 1: Làm vài cuốc, không thì đói


Có đồng bạc đi đám đỡ xin con

Nhiều cụ là trụ cột kinh tế gia đình, nhưng khách không dám gọi vì ngại người già. (Trong ảnh: Cụ Lê Đình Tấn đã bước qua tuổi 75 nhưng vẫn có mặt ở góc chợ mỗi ngày đón khách).

Sát mép cổng chợ Cồn (phía đường Ông Ích Khiêm), cụ Võ Đức Minh, người đàn ông nhỏ thó, hàm răng rụng gần hết lặng lẽ ngồi đợi khách. Trông ông già hơn nhiều so với cái tuổi 67.

4 giờ sáng, ông Minh (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) ra khỏi nhà như một thói quen của hàng chục năm trời làm nghề xe thồ. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã có mặt ở góc chợ này. Mỗi năm, ông ở nhà được vài ngày Tết. “Cảm, sốt cũng chạy, trừ phi đau quá nằm một chỗ mới thôi. Cuối tuần, ngày lễ đều chạy tuốt hết.

Người ta làm được thì mình làm được”, ông tâm sự. Ông Minh trò chuyện với chúng tôi chưa được bao lâu, từ trong chợ, một phụ nữ mang một bó hoa to đặt vào giỏ xe ông. Hỏi mỗi chuyến chuyển hoa như vậy giá bao nhiêu, ông Minh giơ lên 3 ngón tay (3.000 đồng-P.V). Trước khi đi, ông đọc cho chúng tôi số điện thoại di động và cười hóm hỉnh: “Số điện thoại trùng ngày sinh của ông đó, số đẹp”.

67 tuổi chưa phải là già nhất so với đội ngũ xe thồ tại chợ Cồn. Cụ Lê Đình Tấn, tổ tự quản số 5 đã bước qua tuổi 75. Cụ Tấn mập mạp, có gương mặt rất phúc hậu và khá nặng tai. Trên hai chục năm đi thồ, nhìn lại, cụ Tấn chỉ thấy niềm vui: “Bả (vợ) cứ càm ràm là ông già rồi răng đi miết, ở nhà cho khỏe. Vì ông bị huyết áp, ngày uống viên thuốc 6.500 đồng. Nhưng ở nhà ăn được có 1 sắc (1 chén cơm-P.V), đi làm ăn được 3 sắc. Hơn nữa, có đồng bạc đi đám đỡ xin con. Nghề ni vui, không buồn. À, buồn là khi làm đổ hàng của người ta ra đường, phải đi tìm tiền đền vô”.

Kẻ chê, người thương

Mỗi chuyến chuyển hoa như thế này, bác Võ Đức Minh nhận được 3.000 đồng.

.

Có lần, đội trưởng đội xe thồ tự quản chợ Cồn tâm sự: “Nhiều bác ở đây là trụ cột về kinh tế gia đình. Nhưng  khách thấy các bác lớn tuổi nên không dám gọi”. Bác Minh, bác Tấn thừa nhận: “Có người nói thẳng luôn: Thôi bác già quá con không đi đâu”. Gặp trường hợp như vậy, bác Minh phân trần: “Ông còn khỏe, đi đi rồi biết”. Bác Tấn lại may mắn hơn khi thường xuyên có khách quen. “Họ kêu người già cẩn thận, giá rẻ”, cụ Tấn nói. Bù cho sự nghi ngại, nhiều khách không trả giá lại gửi thêm tiền.

Hầu hết những người hành nghề xe thồ lớn tuổi như ông Minh, cụ Tấn mới chuyển từ xe đạp thồ qua xe máy được vài năm. Mỗi ngày, các cụ thu nhập trung bình 50 nghìn đồng, chưa trừ tiền xăng. Biết sức khỏe hạn chế nên các cụ chỉ nhắm mời những bà, những chị đi chợ với nải chuối, con gà trên tay, đã chở người thì không chở thêm hàng, có cụ chở không quá 30kg hàng hóa trở lại. Khác với cánh xe thồ trẻ làm việc bất kể giờ giấc, các cụ thường canh giờ mát mát mà chạy, trưa nắng gắt thì tìm chỗ tránh hoặc về nhà nghỉ, đợi chiều đi tiếp. Dẫu nói vậy, nhưng đã 11 giờ trưa, nhiều cụ mắt vẫn đăm đăm tìm khách. 
    
HẰNG VANG-THU HOA

;
.
.
.
.
.