.

Ngược xuôi xe thồ - Bài 3: Những người sống theo “giờ Mỹ”

.

Thời điểm sinh hoạt thực sự của cánh xe thồ đêm phải từ 1 giờ sáng. Số bắt khách tự do tập trung ở ngã ba Huế, ngã tư Trần Cao Vân - Ông Ích Khiêm giờ nào cũng có. Lần này, ông B.Đ.Dũng (nhân vật đề nghị đổi tên), 62 tuổi (Trần Cao Vân, Thanh Khê) không làm công việc quen thuộc suốt 15 năm qua là chở bạn hàng ra bến cá, mà làm người dẫn đường giúp tôi biết đôi chút cuộc sống về đêm của những người hành nghề xe ôm.

        >> Bài 2: Xe thồ già: kẻ ngại, người thương
        >> Bài 1: Làm vài cuốc, không thì đói

Sướng nhất tiền tươi, khổ nhất không có Tổ nghiệp

Trả tôi về nhà, ông B.Đ.Dũng tiếp tục những chuyến xe đêm.

Trên chiếc Dream lùn phát tiếng máy ầm ầm, ông Dũng chở tôi loanh quanh qua các con đường. Bất giác, ông đọc câu thơ: Ban ngày sáng quá ban đêm tối. Tôi sợ không mơ tưởng được nhiều. “Vậy tối nào chạy xe chú cũng mơ mộng hết sao?”, tôi hỏi - “Bậy, phải tập trung lái chớ”, ông cười khà.

Nếu đêm nay người ngồi sau xe không phải là tôi, ông Dũng đã hướng ra bến cá Thọ Quang rồi về chợ Đầu mối hoặc chợ Hòa Khánh. Ông đi từ 00 giờ 30 tới 4 giờ rồi quay về nhà phụ vợ gói nem, chả tới sáng. Những người chạy xe đêm như ông Dũng nói rằng, ngày không đi làm, có cho tiền cũng không ngủ được. “Tụi tui sống theo múi giờ của Mỹ”, một anh hóm hỉnh.

Mỗi đêm, ông kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, chưa trừ hao mòn xe cộ. Theo ông Dũng, người chạy xe thồ đêm thường ở độ tuổi 40 trở lên vì càng lớn tuổi càng ngủ ít. “Ngó rứa mà thồ đêm khỏe hơn thồ ngày đó cháu. Ban đêm không bị nắng nóng, ít chướng ngại vật, chở 2, 3 bà có khi cũng không bị thổi”, ông quay về hướng tôi ngồi, nói tiếp: “Đêm mùa hè lại khỏe gấp mấy mùa đông. Mùa mưa, nhiều bữa mưa gió, đường ngập; cứ mỗi chuyến lại ghé vô nhà thay đồ một lần, áo mưa trùm kín mít chẳng nhằm nhò. Giá cả mùa chi cũng chừng nớ thôi, làm ăn cho có thủy có chung, bạn hàng mới kêu mình”.

“Làm nghề xe thồ ni sướng cái tiền tươi, chẳng khách mô nợ nần. Có điều, nó không có Tổ nghiệp. Anh thợ may còn có Tổ, chứ xe thồ thì không biết từ hồi nào xã hội phát sinh nhu cầu thành ra cái nghề. Hơn nữa, nhiều người nhìn xe thồ cứ nghĩ chắc tại hồi trẻ lười học hành, lười lao động nên chừ sẵn cái xe vác ra đường kiếm sống”, giọng ông lẫn trong tiếng ống pô và tiếng gió.

Ở những con đường lớn, lác đác trên vỉa hè, có mấy anh xe thồ ngồi lại một góc. Kẻ ngồi, người nằm buồn tẻ. Có nơi, vài anh tụ lại nhấm nháp ly bia. Có người lấy trời làm màn, lấy yên xe làm giường ngủ ngon lành. Dù ánh đèn flash máy ảnh nháy liên tục, anh xe thồ vẫn ngáy khò. Ông Dũng nói: “Ngủ chờ khách đó. Muốn kêu xe cứ tới đập một cái”. “Ngoài kiểu ngủ chờ, ban đêm cũng có người chịu khó “đi gió”, tức đi lòng vòng mời khách”, ông cho hay. 

Ngụy trang đủ đường

Vừa gặp tôi, ông Dũng kể liền: “Hồi chiều mới uống hai chai bia với hàng xóm. Bạn hàng nghe mùi men họ ghét dữ lắm. Bữa nào lỡ uống tưng tưng, tôi nhai kẹo singum, bôi ít nước hoa lên tóc, đeo khẩu trang nữa. Bả hỏi chi cũng im, bí lắm nhắm hướng gió để nói. Như cái hồi mới tán tỉnh người yêu. Cái ni là mình phải có nghệ thuật”.

Qua mặt khách còn dễ, qua mặt bọn cướp đêm đòi hỏi người chạy xe phải kinh nghiệm nhiều năm. Chạy đêm thường xuyên, những tài xế xe thồ trở thành người thông hiểu đoạn nào nên đi, đoạn nào nên né. Xe đang đều đều chạy đến gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, chợt ông Dũng dừng lại: “Thôi quay lại cháu hỉ. Khoảng nửa tiếng nữa ở đây cô hồn ập ra nhiều lắm”.

Cũng để đối phó với bọn chuyên trấn xe, cướp của, ông Dũng thường ngụy trang bằng những bộ đồ gió trông hầm hố. Giơ đôi dép dưới chân lên, ông giải thích: “Bữa ni mang dép chứ chở mấy bà nậu cá đem theo cả chục triệu đồng, chú phải mặc đồ cho ngầu, nhìn cho lì lì, chững chạc, mang giày to để bọn cướp không dám hó hé”.

Chỉ vào “con chiến mã”, ông Dũng nói tiếp: “Ban đêm tụi chú dùng loại xe cũ nát ni đây, giá trị chưa tới 2 triệu đồng. Xe ngon cất kỹ ở nhà. Bọn trấn xe tính hết rồi. Lấy chiếc 2 triệu mà loạng choạng vô tù thì phí. Trừ mấy đứa nghiện ngập không nói làm chi”.

Ngoài chuyện ngụy trang, các tài xế đêm còn giữ sức khỏe để chịu sương gió và khi cần thì đánh tay đôi. “Kẻ cướp đưa dao vào hông, đành chịu, chứ cỡ hai thằng chơi tay không với chú thì chẳng ngán”, ông Dũng nói. Những bác chạy xe thồ đêm khác cũng khoe sức bằng kiểu nói rất cụ thể như vậy: “Tạng người như cô thì tôi chỉ xách một tay quăng một cái tới thẳng gốc cây bên kia đường”.

Cướp giật thì ông Dũng chưa mắc phải lần nào, nhưng quỵt tiền thì ông bị không ít lần. “Có cô tre trẻ kêu chú chở thả ở cầu Sông Hàn. Tới nơi, chú xin lấy tiền xe thì bị cổ dùng lời lẽ giang hồ đáp lại. Thấy vậy, chú đi cho yên thân”.

Tiếng xe rồ rồ lại đưa tôi qua các con đường. Sau vài câu liên quan tới nghề chạy xe thồ, ông Dũng lại quay về với câu chuyện của những cuốn sách như thể đó mới là điều ông quan tâm nhất. Những cuốn sách ông đọc tên bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.

Thấy tôi tỏ ra thích thú trước sự am hiểu của ông, ông hồ hởi đọc luôn một lèo những công thức toán cos cos, sin sin từng học 40 năm về trước. “Khi chở bạn hàng, chú vẫn trò chuyện kiểu này?”, tôi thắc mắc - “Mấy bả mà nói cái chi, ngồi lên xe là khò khò trên vai mình luôn thì có”, ông lại cười khà khà sảng khoái.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.