.

Ngược xuôi xe thồ - Bài 4: Liều vì miếng cơm, manh áo!

.

Trong đô thị phồn thịnh, nghề lái xe thồ được nhiều người đàn ông chọn để mưu sinh. Không đơn giản là đón, mời và chở khách, những người xe thồ phải cạnh tranh và giành giật gay gắt với đồng nghiệp, đến nỗi ai nhìn thấy cảnh này cũng xanh mặt khiếp sợ...

        >> Bài 3: Những người sống theo “giờ Mỹ”
        >> Bài 2: Xe thồ già: kẻ ngại, người thương
        >> Bài 1: Làm vài cuốc, không thì đói


Của tui áo xanh,của ông áo đỏ!

Cố bám theo một hành khách đang đi bộ trước cổng bến xe để năn nỉ...
Chúng tôi đón chiếc xe khách chạy tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng để ra Đà Nẵng. Khi xe vừa dừng lại ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) để trả khách, lập tức gần chục người hành nghề xe thồ xúm lại chỉ chỏ: Áo đỏ hỉ! Bé áo xanh là của tui đó! …

Chiếc xe khách tiếp tục chạy về hướng Ngã ba Huế. Khi đến khu vực Ngã ba Phước Tường, toàn bộ hành khách trên xe chợt giật mình bởi tiếng rú  ga bám đuổi của năm, bảy chiếc xe thồ đang giữ cự ly sát hông và đuôi xe khách. Đã được nghe về việc chạy đua của cánh xe thồ nhưng nay mới được mắt thấy tai nghe, tôi nổi “da gà” vì khiếp sợ.
 
Chiếc xe Ford chạy với tốc độ rất cao, đoàn xe thồ cũng vù vù rượt theo như một bầy ong đi tìm tổ. Không người xe thồ nào để ý phía trước, họ chỉ dán mắt vào các hành khách trên xe. Cuộc rượt, đuổi dài hơn 2km. Khi chiếc xe dừng lại, các bác xe thồ tiếp tục chỉ chỏ. Hơn 5 hành khách bước xuống xe tại đường Trường Chinh, nhưng hầu như họ đã có người nhà đến đón. “Khốn nạn, lại không có ai!”, một tiếng thở dài quay về “bến đợi”.

Trong lúc ế ẩm, thoáng thấy bóng dáng một người đi bộ từ phía xa, 10 người xe thồ tuổi độ 40 chạy theo cố năn nỉ, trổ hết tài nhưng hành khách này vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Chiếc xe khách đưa chúng tôi về bến, tôi chưa kịp chạm chân xuống, từ đâu nhiều bác xe thồ lao tới: “Mấy đứa đi xe thồ nghe! Con về đâu bác chở, có mấy ngàn chứ mấy! Đi cho khỏe, bác chở rẻ mà!”. Giật túi xách của tôi, người xe thồ này kéo tôi thẳng tới xe ông đang để gần đó.

Trong một buổi sáng, theo quan sát của chúng tôi, trên đoạn đường Trường Chinh có hơn 50 xe khách chạy hướng Nam ra Đà Nẵng và xe nào đến khu vực này cũng đều được “hộ tống” bằng một đoàn xe thồ. Do ít khách dừng xuống dọc đường nên đội xe thồ này luôn trong tình trạng 10 chọi 1, tức 10 xe thồ tranh giành 1 khách.

Nhanh, lì, liều...

Gần chục bác xe thồ xúm lại trước xe ô-tô khách chạy tuyến Huế-Đà Nẵng để kiếm khách...

 

Vì miếng cơm nên phải học cách liều, đó là lời biện hộ chung của cánh xe thồ về cách bắt khách. Một người đàn ông tên T, độ tuổi trung niên chạy xe thồ ở khu vực đường Trường Chinh tâm sự: “Muốn có khách, phải chạy theo để giành thôi! Xe thồ dạo này không còn ngon ăn như trước nữa. Người đi xe thì ít mà người hành nghề xe thồ lại nhiều. Để kiếm được hành khách, chúng tôi phải nhanh, lì, liều và đôi lúc còn đánh nhau vì bị người khác cướp mất khách của mình.

Ông T. nói thêm: “Ai mới vào nghề xe thồ, đầu tiên phải học môn liều, rồi thêm biết lì một chút. Ban đầu còn sờ sợ nhưng lâu dần thành quen hết. Chúng tôi có quy định bất thành văn là người khách nào tôi đã chỉ thì đó là của tôi, người khác không được giành, không được ra giá thấp hơn để chở và ngược lại”.

Tuy vậy, sau mỗi lần rượt khách vậy, nghĩ lại chính các bác xe thồ cũng phát “ớn”. Một mắt nhìn đường, một mắt ngước tìm khách, sao cho tránh nguy hiểm. Một bác xe thồ ở “trường đua” này giải thích lý do phóng nhanh là “nghề của chàng”: “Nghề xe thồ như chúng tôi thì có ai khá giả gì, ở nhà lại con cái nheo nhóc nên cố gắng kiếm càng nhiều khách càng tốt.

Ông Nguyễn Văn V. (50 tuổi, trú quận Thanh Khê) tâm sự: “Tôi hành nghề xe thồ trên 30 năm rồi. Những năm trước còn dễ làm ăn, bởi lúc đó ít người làm nghề này và cũng chưa có nhiều xe ta-xi như hiện nay. Va chạm nhiều nên trơ ra. Khi có khách thì tăng tốc để tranh thủ thời gian”.

Không ít người dân sống gần khu vực bến xe than vãn: “Mấy ổng chạy khiếp quá. Nhìn mấy ổng chạy, tôi chẳng dám ra đường nữa! Mỗi nghề có mỗi đặc thù, nhưng không thể viện cớ kiếm khách mưu sinh để biện hộ cho việc chạy xe rượt đuổi bu bám xe khách để gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như vậy. Với cái kiểu ấy, sớm muộn rồi cũng sinh nghề tử nghiệp mà thôi!”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.