.

Ngược xuôi xe thồ - Bài 5: Xe thồ kiêm đủ nghề

.

Chạy xe thồ một thời gian, các bác tài trở thành nhân viên y tế, cứu người gặp nạn trên đường, bắt cướp, nhân viên phòng cháy, chữa cháy hồi nào không hay.

Từ sơ cấp cứu nạn nhân

Đội xe thồ tự quản đồng thời là lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chợ Cồn.

Mỗi ngày đi làm, anh Lê Văn Hòa (42 tuổi, trú tại quận Sơn Trà) không quên mang theo túi xách sơ cấp cứu với bông băng, thuốc đỏ, oxy già. Là thành viên của đội xe thồ an toàn thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố, anh Hòa đã cùng nhiều anh em được học về Luật Giao thông và cách sơ cấp cứu người gặp nạn trên đường. “Trụ sở” làm việc của anh nằm ngay thảm cỏ phía đông chân cầu Sông Hàn, nơi có nhiều tuyến đường giao nhau.

Vì thế, việc anh “nhúng tay” vào những vụ liên quan tới tai nạn giao thông diễn ra như cơm bữa. Tai nạn nhè nhẹ thì bông gòn, oxy già còn dùng tới, lúc nạn nhân bị chảy máu nhiều hoặc ngất, công việc của anh là gọi 115 (xe cấp cứu). “Có khi sợ đợi xe tới không kịp, tôi cho người ta lên xe mình chở thẳng tới bệnh viện luôn”, anh Hòa kể. Cũng vì lo cứu người, anh mất vài cuốc xe là chuyện thường. Bà xã biết vậy nhưng không tiếc vì những ngày lễ, chị tranh thủ ra chỗ chồng hay ngồi để bán bong bóng dạo nên ít nhiều hiểu hành động của anh.

Không ít lần anh Hòa phải làm “mặt ngầu” khi thấy chuyện bất bình. “Có người tông rồi còn giả danh này nọ hoặc hù dọa để bỏ trốn. Gặp rứa là tui quậu liền, áp xe xuống, vẽ cái xẹt hiện trường rồi rút điện thoại gọi công an quận. Làm đúng thì sợ chi ai. Mình là dân “giang nắng chứ đâu phải giang hồ”, người dân xung quanh, pháp luật sẽ bảo vệ mình”, anh Hòa nói.

Chuyện các anh xe thồ làm nhân chứng viết báo cáo với công an cũng không hiếm lần xảy ra. Ở ngoài đường nhiều, thành ra các anh chứng kiến từ đầu đến cuối những vụ chết người vì tông xe… Gặp việc thì giúp, không nghĩ đến ơn nghĩa, nhưng anh Hòa cũng lấy làm lạ là từ xưa tới nay, đã bao nhiêu vụ xảy ra mà chưa có bất cứ ai quay trở lại nói một tiếng cảm ơn hay cho anh biết họ đã bình phục.

Đến phòng chống cháy nổ

Mỗi ngày đi làm, anh Lê Văn Hòa đều chở theo túi sơ cấp cứu.

.

Ông Phan Quang Cả, Phó Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Cồn cho biết: “Hiện có gần 200 người (xích lô, xe thồ) chia làm 7 tổ tự quản, nhiều năm nay đã giúp đỡ Ban Quản lý rất nhiều trong việc bảo đảm an ninh trật tư, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, phòng chống tội phạm. Với lợi thế thường xuyên vào ra các ngõ ngách trong chợ để bốc xếp, giao nhận hàng, các bác xe thồ dễ dàng phát hiện các vụ trộm cắp, móc túi, có khi tố giác những tội phạm vào hàng “tay tổ”.

Thường xuyên để mắt cảnh giác, nhiều vụ cướp giật tại chợ đã được đội ngũ xe thồ bắt giữ. Theo ông Cả, gần đây nhất có một cháu bé dựng xe đạp phía ngoài chợ để mang cơm vào cho mẹ,  hai thanh niên thấy vậy lao tới lấy xe rồi “tẩu”. May nhờ đội xe thồ truy đuổi, buộc chúng phải phải bỏ của chạy lấy người. Một lần, bọn cướp giật hàng của một bác xe thồ, các đồng nghiệp của bác đã chia làm nhiều ngả Hùng Vương, Ông Ích Khiêm và tóm gọn kẻ gian.

Công tác phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ mà đội xe thồ ở chợ Cồn tập huấn định kỳ. Nếu có sự cố cháy, các bác vừa làm nhiệm vụ không cho bất kỳ người bên ngoài chạy vào “hôi” của, nhằm bảo vệ tài sản, hướng dẫn người dân và tiểu thương thoát cháy, vừa tham gia dập lửa bằng cách dùng 300 bình chữa cháy được đặt khắp chợ.

Khách lạ đến Đà Nẵng, muốn ăn món ngon cứ hỏi đội ngũ xe thồ

Theo lời mấy bác xe thồ, làm nghề này một thời gian, tự nhiên các bác trở thành những hướng dẫn viên rất sành chỗ ăn, chỗ chơi trong thành phố. Đặc biệt, chỗ nào ngon và gần nhất thì chỉ cho khách đến.

Chẳng phải vì khách lạ nước lạ cái mà dẫn tới chỗ cho thiệt xa để kiếm tiền. Đến quán ăn, dù bụng đang đói meo nhưng có người nhất quyết ngồi bên ngoài đợi chứ không bao giờ ăn theo khách, mặc khách mời nhiệt tình như thế nào”.


Bài và ảnh: HẰNG VANG-THU HOA

;
.
.
.
.
.