.

Người góp công sức cho báo

Đầu năm 1955, từ một khu rừng trên đất miền Tây của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, với những trang bị thô sơ, một cơ sở in đã được ra đời, in được nhiều trang tài liệu, nhiều bài thơ, vè, truyền đơn đưa về đồng bằng, chuyền tay nhau kêu gọi nhân dân giữ vững niềm tin với Đảng. Một trong những người có công với sự nghiệp báo chí trong thời gian này là Nguyễn Trung. Ông còn có tên là Nguyễn Phúc Thành, sinh ngày 10-7-1931, tại phường Hải Châu, quận Nhất - Đà Nẵng.

Nguyên là một thiếu sinh quân của Trung đoàn 93, năm 1948, Nguyễn Trung giải ngũ về làm công nhân viên cơ quan Tín phiếu thuộc Liên khu V. Ngày 20-7-1950, Nguyễn Trung được chi bộ Huỳnh Ngọc Huệ, thuộc cơ quan Ty Thông tin Đà Nẵng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam qua sự giới thiệu của ông Trương Văn Kiều, Trưởng Ban Văn thư Ty thông tin Đà Nẵng và ông Mai Thúc Loan, Trưởng Ban Báo chí Thông tin Đà Nẵng. Tháng 2-1954, Nguyễn Trung làm nhân viên ấn loát thạch bản của cơ quan Thông tin Đà Nẵng. Thời gian cơ quan Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đóng ở Trung Lương, Lỗ Giáng thuộc xã Hòa Đa, Nguyễn Trung tham gia với cán bộ văn phòng làm căn cước, giấy thông hành giả, cấp cho anh em ta đi lại trong vùng địch tạm chiếm.

Từ tháng 8-1954, tình hình ở Đà Nẵng bắt đầu khó khăn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Long giao cho Nguyễn Trung làm giao liên cho Thành ủy Đà Nẵng. Đầu năm 1955, Tỉnh ủy chủ trương xây dựng cơ sở in, điều Nguyễn Trung về làm công tác in ấn báo chí, lo giải quyết vật liệu để thực hiện việc in ấn. Tỉnh cử người xuống Hòa Quý mua 2 bản đá Non Nước, giấy vở học sinh và nguyên liệu để chế thành mực như dầu rái, xà phòng, nhựa thông, sáp ong đưa lên xã Ba, huyện Hiên (Đông Giang). Nguyễn Trung nghiên cứu nấu thành công hai loại mực viết và mực in. Có bàn đá, mực in nhưng chưa tìm được ru-lô, nên lúc đầu phải dùng tạm ống tre lồ ô, một thời gian thì nhờ mua được một trục máy đánh chữ cũ, anh em lồng vào lớp cao su ruột xe để lăn cho đều khi in.

Cuối năm 1955, do yêu cầu phải tổ chức những cuộc vận động lớn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh chủ trương ra tờ báo “Quyết Tiến”. Trụ sở của báo ban đầu đặt tại một khu rừng ở Mang Mai (Hòa Vang), sau chuyển về rừng núi Đại Lộc. Bí thư Tỉnh ủy Phan Tốn chỉ đạo việc ra báo, bộ phận biên tập gồm ông Phan Đấu và ông Trần Hưng Thừa. Nguyễn Trung lo việc ấn loát. Khi in báo bằng bảng đá in li-tô thì cũng do ông lo việc in ấn.

Tháng 6-1959, thời kỳ ông Phan Tốn làm Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Trung đã là một cán bộ của Văn phòng Tỉnh ủy, từng tham gia với anh em ở trạm giao liên trên vùng cao Ba Liên, được Bí thư Tỉnh ủy phân công đi đón đoàn cán bộ ở miền Bắc vào do ông Hồ Nghinh làm trưởng đoàn. Tháng 9-1960, Nguyễn Trung tham gia đoàn công tác vũ trang của tỉnh, làm Bí thư chi bộ một đội công tác đi phía trước, từng theo đội công tác bám theo ông Mười Khôi chỉ đạo đánh đồn ở Tiên Ngọc-Tiên Phước.

Năm 1961, cơ quan Tỉnh ủy dời xuống đóng ở Bồ Lô Bền - vùng Trung của huyện Hiên, rồi xuống vùng thấp Bến Hiên, ở cách đồn Phú Mưa nửa ngày đường đi bộ đường núi. Lúc bấy giờ, cả cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy có vỏn vẹn 25 người, đến đâu thì các chàng trai làm trại bằng ni lông để ở, di chuyển thì dỡ trại đi, xóa dấu vết. Anh em nào câu được con cá chình về thì tổ chức ngâm gạo, lấy đá nghiền làm mì - gọi là mì cào liên hoan. Nguyễn Trung là dân thành phố nhưng sớm thích nghi với gian khổ, sống rất hiền lành, hòa mình với anh em trong cơ quan, đơn vị và đã chịu đựng được những ngày khó khăn, gian khổ nhất của tỉnh nhà.

Ở Bồ Lô Bền được một tháng rưỡi thì địch phát hiện, đổ quân càn, thế là phải chạy lên vùng cao hơn. Hồi đó mà dự trữ được 50 ang muối là quý lắm. Đích thân ông Mười Khôi tìm chỗ để giấu muối. Địch lên đóng chốt ở sông Voi, lùng sục mấy ngày mới phát hiện ra kho muối, chúng xúc đổ hết xuống sông. Trận càn sau đó, địch đưa một tiểu đoàn biệt động quân phối hợp với quân ở đồn Phú Mưa càn quét khu vực sông Côn, anh em cơ quan chạy ngược lên. Nguyễn Trung luôn cẩn thận nhưng quá chậm, chạy sau, lạc anh em, bị địch truy theo bắn gãy chân.

Sau khi địch rút xuống đồn Phú Mưa, anh em chạy mỗi người mỗi ngả lần lượt về đến làng Bền, chỉ thiếu Nguyễn Trung. Ai cũng nghĩ, chắc Nguyễn Trung đã bị trúng đạn hy sinh. Anh em chia nhau đi tìm suốt 2 ngày, xuống giáp ranh gặp dân hỏi, dân nói khi địch rút không thấy chúng bắt được ai cả. Như vậy, khả năng Nguyễn Trung bị địch bắt được loại trừ, còn lại thì một chết, hai thì bị thương nặng.

Ông Mười Khôi ra lệnh phải tìm cho được Nguyễn Trung, nếu bị thương thì hy vọng còn cứu được, còn hy sinh thì đưa về chôn cất đàng hoàng. Ông quyết định chia làm 2 mũi đi tìm cho ra Nguyễn Trung. Một mũi giao cho ông Nguyễn Hữu Đức (sau nầy là Tỉnh đội trưởng, Phó Tư lệnh Mặt trận 4, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân-1968) chỉ huy. Mũi thứ hai giao cho trung úy Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng Anh hùng Nguyễn Chơn) chỉ huy.

Lúc đầu, anh em cứ bám theo khe nước tìm vì nghĩ có thể Nguyễn Trung bị thương, bám xuống khe uống nước. Tìm đến ngày thứ 3 thì mũi quân của ông Nguyễn Hữu Đức nghe tiếng ruồi xanh bay vù vù. Thế là ông Đức dẫn anh em bám theo hướng ruồi xanh bay. Thì ra, Nguyễn Trung không bò đến khe có nước mà bò đến một con khe khô. Thấy máu chảy nhiều, sợ địch phát hiện, bám theo, Nguyễn Trung cố chịu đau, lấy một chân đùa lấp lá lên vết máu, bò vào nấp trong hốc đá có một hục nước nhỏ. Nguyễn Trung bị thương nặng, rất khát nước, nhưng không dám uống nhiều, nằm mê man đến khi vết thương và máu có mùi, ruồi xanh đánh hơi bu tới đông như ong. Anh em xúm nhau đưa Nguyễn Trung về quân y tỉnh cứu chữa.

Trong chiến dịch Tết Mậu Thân-1968, Nguyễn Trung được phân công làm mũi trưởng một mũi quân đấu tranh chính trị đi khởi nghĩa tấn công vào Đà Nẵng. Mũi quân hàng ngàn người bị quân lính ngụy nổ súng ngay khi tràn vào cửa ngõ thị trấn Vĩnh Điện, nhiều người đi khởi nghĩa bị bắn chết, nhiều người bị thương, Nguyễn Trung bị địch bắt bỏ tù ở nhà giam Vĩnh Điện. Bị địch tra hỏi, Nguyễn Trung chỉ khai là dân đi khởi nghĩa, chúng giam một thời gian thì đưa vào lính ngụy đẩy ra chiến trường. Đến tháng 12 năm 1968, Nguyễn Trung mới có cơ hội đào ngũ ra vùng giải phóng tiếp tục công tác Đoàn.

Tháng 10-1976, Nguyễn Trung là Phó Ban Tuyên giáo phụ trách Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Là một cán bộ có nhiều năm tập trung nghiên cứu công tác lịch sử Đảng, Nguyễn Trung đã cùng cán bộ trong Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng đi thực tế, điều tra, ghi chép khá cẩn thận và để lại hàng ngàn trang tài liệu có giá trị lịch sử làm cơ sở tin cậy để viết nên bộ Lịch sử của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thời kỳ 1930-1975.

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.