“Mối tình” giữa phóng viên và người phát ngôn báo chí đã từng diễn ra tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, đến mức nếu ai đó ca thán về điều này hẳn sẽ được nhận cái chặc lưỡi: “Có mới mẻ gì đâu”. Dù Quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ mấy năm trước, nhưng luật thì mặc luật, phóng viên phải ra sức “lùng” người phát ngôn, còn người phát ngôn ngày càng điệu nghệ hơn trong cuộc chơi trốn tìm.
Cãi tay đôi, khóc lóc có khi không lấy được tin
Sự thiếu thẳng thắn đối thoại trực tiếp giữa phóng viên và người phát ngôn báo chí đã gây nên những sai sót đáng tiếc. TRONG ẢNH: Phóng viên đang phỏng vấn Chủ tịch CLB diều TP. Hồ Chí Minh. (phải) |
Chuyện mấy cô phóng viên trẻ mới vào nghề “yếu bóng vía” khóc lóc khi cảm thấy bất lực trước việc khai thác nguồn tin là thường tình “ai chưa qua chưa phải là người”. Với những anh đã chai lỳ qua bao lần bầm dập thì cho rằng, khóc chẳng giải quyết được gì, mỗi tội hao mòn sức khỏe. Vậy là các anh dùng “chiêu” cãi tay đôi. Thật ra, một cuộc gặp gỡ được tiến hành bằng phần mở màn cãi vã thì chẳng sướng gì.
Nhưng trong vài tình huống, không làm cách đó mà cứ dịu hiền cam chịu thì đến bao giờ mới có được số liệu chính thống và chuẩn xác từ người có trách nhiệm. Cũng tại bệnh viện nọ, phóng viên sau khi bị Giám đốc từ chối đưa số liệu, anh đành “hù”: “Con số này chẳng có gì phải giấu giếm nhưng anh không hợp tác thì tôi sẽ gọi điện báo cáo Sở Y tế”. Nghe hơi căng, vị giám đốc xuống giọng: “Thôi có gì đâu, mời anh ngồi”.
Không từ chối thẳng thừng, nhiều vị lãnh đạo trốn khéo qua điện thoại: “Anh đang đi công tác Hà Nội”, “Anh đang dự hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh”… Dập máy, phóng viên chạy xe thẳng tới cơ quan của các vị này thì thấy người vừa nói đang công tác xa lại ngồi chành ành trong phòng. Nhẹ nhàng thì cười hề hề xuề xòa, bực quá phóng viên “lủi” cho rồi vì biết “cái màu không linh”.
Có giấy giới thiệu cũng không yên
Theo quy định, phóng viên phải có thâm niên nhất định mới được cấp thẻ Nhà báo. Những người mới vào nghề 1, 2 năm, tờ giấy giới thiệu do cơ quan báo chí đóng dấu được xem là “giấy hành nghề” hợp pháp. Vậy nhưng, rất nhiều nơi tôi từng đến làm việc, họ vừa nhìn giấy giới thiệu đã “mừng thầm” vì có cớ từ chối.
Nào là giấy gì không ghi cụ thể ngày gặp, không đề cụ thể tên nơi đến, chỉ ghi chung chung là “các cơ quan, đơn vị trong thành phố”; nào là giấy gì không có ngày hết hạn…Và sau một hồi xăm soi tờ giấy mỏng manh, họ chép miệng: “Ủa, mà thẻ Nhà báo của cô đâu?”. Thậm chí có một vị cán bộ còn “phán” một câu xanh rờn: “Chẳng lẽ cô từ trên trời rơi xuống!”, sau khi đã nghe tôi trình bày rằng do chưa đủ năm công tác để được cấp thẻ Nhà báo, nhưng vẫn có các giấy tờ khác hợp lệ.
Qua nhiều lần tiếp xúc với người phát ngôn báo chí, điều tôi nhận thấy rõ là cách cung cấp thông tin còn cảm tính và thiếu chuyên nghiệp. Vui vui thì nói, vấn đề tốt thì mời, chuyện nhạy cảm thì né cho yên thân hoặc chỉ trỏ đủ nơi làm phóng viên rối, nản. Đặc biệt, không ít người làm vai trò phát ngôn mà không biết Luật Báo chí.
Không có được thông tin chính thống (thông tin từ người phát ngôn - P.V), phóng viên phải khai thác từ những nguồn khác gây nên sự nhầm lẫn, lệch lạc. Sự sai lệch này lại khiến đơn vị liên quan tới thông tin trên bị ảnh hưởng nên mất niềm tin, thiếu thiện cảm đối với báo chí. Và cứ thế, cái vòng luẩn quẩn này cũng chỉ tại hai bên, phóng viên và người phát ngôn trước đó không thẳng thắn trực tiếp đối thoại vấn đề.
Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước (gọi là Người phát ngôn) là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người được người đứng đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. |
Bài và ảnh: Thu Hoa