.

Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng ở vùng hạ lưu sông Vu Gia

.

(ĐNĐT) - “Nếu trong quá trình xây dựng Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4, nước sông Đăk Mi được chuyển về sông Thu Bồn mà không đổ thẳng về sông Vu Gia như trước thì tình tình ở khu vực hạ lưu sông Vu Gia sẽ hết sức phức tạp. Cả một vùng rộng lớn gồm Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn… sẽ bị thiếu nước uống trầm trọng”, ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cấp nước Đà Nẵng, cảnh báo.

Việc chặn dòng để tích nước vào hồ thuỷ điện A Vương 1 đã gây ra đợt thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia vào tháng 7-2008.

Ông cho hay, vào tháng 7-2008, khi người ta tiến hành chặn dòng để tích nước vào hồ thuỷ điện A Vương 1 đã gây ra đợt thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia khiến khoảng 10.000ha đất nông nghiệp bị hạn hán. Riêng Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải huy động trạm bơm dự phòng ở An Trạch để chống nhiễm mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ nhưng vẫn không khắc phục nổi.

“Trong khi đó, dòng cơ bản của thủy điện A Vương mới chỉ bằng 1/3 dòng cơ bản của thuỷ điện Đăk Mi 4. Cho nên, nếu chuyển toàn bộ nước sông Đăk Mi về sông Thu Bồn mà không đổ thẳng về sông Vu Gia như trước thì tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn nữa”, ông Bùi Thọ Ninh nói.

Được biết, nNhà máy thủy điện Đak Mi 4 có công suất 190MW, tổng mức đầu tư 4.600 tỉ đồng, được Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam khởi công cuối tháng 4-2007 tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Tuy nhiên, đơn vị tư vấn Dự án Thủy điện Đăk Mi 4 đã nhầm lẫn tệ hại khi thực hiện nguyên tắc “trả nước về sông cũ” trong việc thiết kế xây dựng, vận hành nhà máy. Theo đó, dòng nước cơ bản sông Đăk Mi được tính toán chuyển về sông Thu Bồn để phát điện, sau đó chảy về sông Vu Gia.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn và Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng, đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Bởi trên thực tế, tuy có một lượng nhỏ nước sông Thu Bồn chảy về sông Hàn (Đà Nẵng) qua sông Vĩnh Điện (Quảng Nam) nhưng nguồn nước này không sử dụng được do sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn quanh năm.

Trước tình hình này, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có báo cáo gửi các Bộ Công Thương, Tài nguyên – Môi trường… nhấn mạnh đến nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng đối với khu vực này nếu Nhà máy thủy điện Đak Mi 4 vận hành như thiết kế ban đầu. Không dưới 40.000 dân, hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu sẽ thiếu nước. Đặc biệt, Nhà máy nước Cầu Đỏ, nguồn cung cấp nước chính cho Đà Nẵng sẽ phải ngừng hoạt động vì bị nhiễm mặn...

Theo ông Bùi Thọ Ninh, tổng lượng nước sạch các nhà máy trên địa bàn cung cấp cho TP Đà Nẵng hiện vào khoảng 155.000m3/ngày. Trong đó, riêng Nhà máy nước Cầu Đỏ đã cung cấp 120.000m3/ngày (sắp tới sẽ nâng lên 170.000m3/ngày), đồng thời cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Sân bay với công suất 30.000m3/ngày. Có nghĩa, nếu Nhà máy nước Cầu Đỏ ngừng hoạt động thì hầu như cả Đà Nẵng sẽ “chết khát”.

Ông nhấn mạnh, việc chuyển dòng cơ bản của sông Đăk Mi ra khỏi lưu vực sông Vu Gia để chảy về sông Thu Bồn, gây hậu quả cho các địa phương ở hạ lưu sông Vu Gia là vi phạm điều 24 Luật Tài nguyên nước. Đó là: “Việc xây dựng dự án chuyển nước từ lưu vực sông này sang sông khác phải căn cứ vào chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong lưu vực sông có liên quan, và phải tính toán đầy đủ khả năng các nguồn nước, nhu cầu dùng nước và tác động môi trường”.

Theo đề nghị của UBND TP.Đà Nẵng, Bộ Công Thương cần chỉ đạo chủ đầu tư Dự án thủy điện Đak Mi 4 là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam phải bổ sung thiết kế cống điều tiết qua thân đập của thủy điện Đak Mi 4, để chuyển trả dòng nước cơ bản sông Đăk Mi về lại Vu Gia thay vì đổ về sông Thu Bồn như thiết kế ban đầu.

Được biết, Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến đến tháng 6-2011 sẽ đưa vào vận hành. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành hữu quan cần có sự can thiệp cần thiết để điều chỉnh thiết kế để tránh xảy ra nguy cơ đáng tiếc.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.