Từ ngày này sang ngày khác, bất chấp khó khăn, vất vả, những người cầm bút miệt mài đi, khám phá và phát hiện các điển hình làm ăn giỏi ở nông thôn, miền núi, sự bất cập trong sản xuất... chuyển tải kịp thời đến nông dân, đến cơ quan chức năng và bạn đọc. Chính họ không chỉ làm dịu cơn khát thông tin mà còn giúp nhà nông tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, mở ra hướng sản xuất hiệu quả.
Trao đổi về kỹ thuật trồng rau mầm. |
Cho đến nay, ở Đà Nẵng không ai nhắc đến chuyện trồng cây ăn quả nữa. Còn nhớ, đầu những năm 2000, tại các xã trung du, miền núi rộ lên phong trào trồng cây ăn quả từ khuyến cáo và chuyển giao cây giống của cơ quan chuyên môn. Thành phố hỗ trợ 4 xã miền núi và xã Hòa Sơn của huyện Hòa Vang tiền mua cây giống hỗ trợ nông dân. Đang trên đà mở rộng, những người cầm bút đã sớm nhận ra hoạt động này không hiệu quả. Bằng sự phân tích thuyết phục, họ đã cho thấy việc trồng cây ăn quả không tính đến các yếu tố thổ nhưỡng, thời tiết, thị trường... dẫn đến chương trình không đạt mục tiêu đề ra. Từ bài viết “Nỗi buồn cây ăn quả” đăng trên Báo Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đã nhận ra.
Tiếp theo đó là chương trình nuôi bò sữa. Bằng sự phân tích hợp tình hợp lý, những người cầm bút đã mạnh dạn nêu sự bất cập, ít tính khả thi của chương trình này. Nhờ vậy, dự án chỉ triển khai ở phạm vi hẹp, sự thiệt hại do thất bại của chương trình nuôi bò sữa chưa lớn. Hoặc như khi triển khai dự án rau an toàn, báo chí đề cập nhiều về sự không cần thiết đầu tư nhà lưới. Tuy vậy, cơ quan chức năng vẫn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hàng chục nhà lưới. Chẳng bao lâu sau, đúng như báo chí đã cảnh báo, nhà lưới biến mất trên các vùng rau.
Không ít nông dân cho rằng, không có báo chí chuyển tải thông tin, các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao mãi chỉ là mô hình. Nếu việc sản xuất rau mầm, hoa ly ly... không được báo chí đề cập, có lẽ khó phát triển ra diện rộng như hiện nay. Hoặc như nuôi heo rừng sẽ chỉ dừng lại ở một vài cơ sở nếu báo chí đứng ngoài cuộc.
Đơn cử từ bài viết “Đại gia rau mầm” đăng trên Báo Đà Nẵng, anh Vũ Xuân Tứ, Phó Giám đốc một doanh nghiệp ở Đắc Lắc đã xuống Đà Nẵng tìm đến cơ sở sản xuất rau mầm ở quận Hải Châu. Và nay, cơ sở của anh đang ăn nên làm ra với thương hiệu khá ấn tượng “Mầm xanh Ban Mê”. Anh Trần Đức Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Nhất Trung Sơn chuyên nuôi heo rừng ở xã Hòa Ninh (Hòa Vang) ghi nhận sự đóng góp quý báu của báo chí trong việc quảng bá về nuôi heo rừng.
Từ sự quảng bá đó đã tạo đà cho cơ sở phát triển quy mô lớn như hiện nay. Anh tâm sự: Thời gian đầu đưa heo rừng về nuôi, sinh sản nhiều nhưng không ai biết tới, khâu tiêu thụ rất khó khăn. Khi hoạt động này được đăng tải trên mặt báo, khách từ trong Nam ngoài Bắc tìm đến mua con giống. Khách hàng ở xa cần con giống chỉ cần trao đổi qua mạng, thống nhất việc mua bán, chuyển tiền qua tài khoản, cơ sở chuyển hàng đến tận nơi. Tiêu thụ thuận lợi, được giá, cơ sở có điều kiện tái đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, mua thêm con giống.
Khu du lịch sinh thái Suối Hoa là cơ sở gắn bó với báo chí. Chính các nhà báo đã quảng bá hình ảnh về điểm du lịch này hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Phước Hùng, chủ khu du lịch Suối Hoa cho rằng: Nếu không có báo chí chuyển tải thông tin, khu du lịch khó phát triển được như hiện nay.
Nhà báo là những người đồng hành tận tụy với nhà nông. Họ cùng trăn trở với nông dân mỗi khi thiên tai, thất bát và vui niềm vui mỗi khi mùa vụ bội thu. Trong sự phát triển và hội nhập hiện nay, đôi bạn Nhà nông - Nhà báo sẽ còn thân thiết, tri kỷ hơn.
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu