.

Nhà báo với Trường Sa

.

Tháng 4 năm 2009, trên chuyến hành trình của tàu HQ 936, nhiều nhà báo từ các tỉnh, thành khác nhau đã có cơ hội đến với Trường Sa. Đây là vùng đất thiêng liêng mà nhiều người làm báo muốn đặt chân đến. Từ những gì cảm nhận và chứng kiến được ở Trường Sa, cánh nhà báo nói vui với nhau: “Bất đáo Trường Sa, phi nhà báo”.

Chuyện tác nghiệp ở Trường Sa

Các nhà báo tranh thủ phỏng vấn cán bộ Hải quân đang công tác trên đảo Nam Yết.

Những nhà báo lần đầu tiên đi Trường Sa thường băn khoăn về chuyện tìm đề tài để viết. Trường Sa là mảnh đất “màu mỡ” mà nhiều nhà báo từ các cơ quan thông tấn, báo chí khác nhau đã khai thác, vì thế, tìm ra một đề tài mới, hấp dẫn để giới thiệu với bạn đọc hoặc người xem, người nghe đài là một điều không dễ.

Nhà báo Hoài Nam, phóng viên Báo Gia đình và Xã hội lo lắng về chuyện viết thế nào cho hấp dẫn bạn đọc nhưng phải tránh những vấn đề “nhạy cảm” nếu không sợ ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của đơn vị mình. Gác lại những mệt mỏi, những trăn trở riêng tư, khi đã đặt chân đến các điểm đảo, cánh nhà báo từ các tỉnh, thành phố như: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Lào Cai, Đà Nẵng, Hải Phòng không bỏ lỡ chút thời gian nào để tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt, làm việc, tâm tư tình cảm của quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Mải mê chụp ảnh, say sưa hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo, ân cần thăm hỏi những người dân trên đảo Sinh Tồn hay Trường Sa Lớn… Hầu như cánh nhà báo không muốn bỏ sót bất cứ điều gì liên quan đến Trường Sa, từ con người đến cảnh vật thiên nhiên, vườn rau, đàn gà, đàn vịt…
 
Tất cả những gì ở Trường Sa đều trở thành đề tài hấp dẫn đối với những người làm báo. Trọng Hải, một tay săn ảnh của báo Lai Châu lúc nào cũng mang theo một balô nặng trĩu máy móc, không chỉ săn những ảnh độc về cuộc sống của lính đảo mà còn có hàng loạt những bức ảnh phong cảnh về Trường Sa rất đẹp.

Khi đến Trường Sa Đông, lúc thuyền mắc cạn phải nhờ các chiến sĩ hải quân lội nước đến ngang ngực để đẩy thuyền, anh đã không ngần ngại xuống xuồng, lội nước, chạy nhanh lên phía trước để chụp lại những khoảnh khắc ấn tượng không thể nào quên về tình cảm của chiến sĩ hải quân với cánh nhà báo. Trong khi đó, nhà báo Hoài Nam, mặc dù là nữ nhưng không ngại khó, lúc nào cũng thấy chị tất bật với việc thu thập thông tin, chụp ảnh. Khi đến khu nhà giàn DK1, dù không có tên trong danh sách đoàn công tác lên nhà giàn nhưng chị vẫn tìm cách “lẻn” xuống xuồng. Nhờ vậy, chị là một trong số ít nhà báo có những tấm ảnh quý giá về cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ hải quân trên nhà giàn DK1.

Điều khiến cho những người làm báo trên chuyến tàu HQ 936 cảm kích chính là sự quan tâm, hỗ trợ của Quân chủng Hải quân đối với cánh nhà báo. Bất cứ khi nào đến các điểm đảo, nhà báo đều được ưu tiên đi chuyến xuồng đầu tiên để có nhiều thời gian tác nghiệp.

Cán bộ của tàu còn chu đáo phát thêm những chiếc bao nilon màu xanh thẫm cất giữ máy quay phim, máy ảnh để tránh nước mỗi khi lên xuống xuồng chuyển tải. Những lúc vào đảo, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đều sẵn sàng hỗ trợ những người làm báo, cung cấp thông tin, chia sẻ tâm tư tình cảm. Và họ sẵn sàng “tạo dáng” để nhà báo chụp ảnh, quay phim. Chính sự hỗ trợ nhiệt tình này đã tiếp thêm sức cho nhà báo hoàn thành công việc của mình.

Nặng tình với Trường Sa

Các nhà báo say sưa hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Phóng viên Dương Anh Tú, Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng, một bậc lão làng trong nghề, tâm sự với chúng tôi: Đây là lần thứ 5 anh đến với Trường Sa, vậy mà mỗi lần đều có những tình cảm khác nhau, mỗi lần đều ngập tràn tình yêu dành cho Trường Sa. Phóng viên Trần Ngọc Lai, Ban Chuyên đề Văn hóa xã hội, Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Phòng trải lòng: “Mình xúc động nhất khi lần đầu tiên chứng kiến lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa, nhiều lúc nước mắt cứ chực trào ra khi nghe bài diễn văn ca ngợi sự hy sinh anh dũng của các anh”.

Cũng cùng tâm trạng như Ngọc Lai, phóng viên Lê Đình Thìn, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cứ ray rứt mãi khi nghĩ về hình ảnh của những người chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi, anh nói: Nhớ nhất là những gương mặt vô tư, hiền lành, lạc quan của những người lính đảo. Mình sống sung sướng, đầy đủ quá, trong khi các anh lại thiếu thốn và chịu nhiều gian khổ thế này.

Mặc dù trong đoàn công tác ra thăm huyện đảo Trường Sa có văn công phục vụ cán bộ, chiến sĩ nơi đây nhưng nhiều lúc, cánh nhà báo cũng ngẫu hứng tham gia, cũng hát hò, nhảy múa để góp vui. Nhiều người dành thời gian để tìm gặp đồng hương, thăm hỏi, chụp ảnh và chuyển giúp thư lính đảo gửi cho người thân ở quê nhà. Ngoài tình cảm với quân và dân Trường Sa, cánh nhà báo cũng rất đoàn kết, chan hòa, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn.
 
Không dễ gì nhiều nhà báo lại chung một hành trình dài cả ngàn hải lý, chính vì thế, họ tranh thủ trao đổi về công việc, về cuộc sống, về những điều cảm nhận được khi đến với Trường Sa. “Có tiền cũng không đi Trường Sa được” - nhà báo Kim Chi khẳng định. Tổng Biên tập báo Lâm Đồng, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm thì bộc bạch: Với tôi, chuyến đi này là hành trang quý giá trong cả cuộc đời làm báo. Đúng như vậy, đối với mỗi người làm báo, được đặt chân đến Trường Sa là một niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao. Đây là cơ hội thực tế để trau dồi khả năng tác nghiệp, rèn luyện sức chịu đựng trước sóng gió, hiểm nguy và là dịp để hiểu thêm về một vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Kết thúc chuyến hành trình đến với Trường Sa, mỗi nhà báo vinh dự nhận Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa. Đây là vật kỷ niệm ghi dấu những khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời của những người làm báo và mỗi khi nhìn ngắm vật kỷ niệm này, trong mỗi người lại dậy lên một tình cảm thiêng liêng hướng về Trường Sa thân yêu.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.