.

Nhật ký đường Trường Sơn

.

Ngày 4 tháng 5 năm 2009

Mới tờ mờ sáng, nhận được tin nhắn của nhà báo Thanh Lộc nhắc nhở "Đến điểm tập kết ăn sáng để lấy sức mà đi, đường xa và ngoằn ngoèo lắm". Gần 7 giờ sáng, đoàn xe lăn bánh đưa chúng tôi rời Đà Nẵng đến với Trường Sơn, xuôi theo vách cao, vực sâu để tìm về quá khứ và ghi nhận sự đổi mới của những bản làng bên con đường huyền thoại. Giờ đây, không khó khăn để đặt chân tới mọi miền Tổ quốc nhưng lòng người vẫn yêu lắm từng tấc đất mình đã và sắp đặt chân đến, nghe dập dìu những nỗi niềm tháng 5. Tháng 5 về để nghe niềm tự hào dân tộc, ngả mũ cúi đầu tưởng nhớ những con người đã hy sinh vì non nước này.

Sau bữa cơm thân mật, đoàn chụp hình lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 645.

Đường đến Trường Sơn dài hun hút và thẳm xanh khiến lòng người rộn ràng nghĩ về mảnh đất vùng cao lành lạnh trong sương, quấn quýt lấy chân người. Lần đầu đặt chân đến Trường Sơn, tôi bị cuốn hút trước vẻ đẹp ẩn sau đôi mắt hoang dã nhưng có sức quyến rũ lạ lùng của những cô gái miền sơn cước. Mỗi người một góc nhìn, một cách cảm trước vẻ đẹp núi rừng. Xe dừng mỗi khi qua một đoạn đèo đẹp, một bản làng ven đường, cánh nhà báo chúng tôi tỏa đi các nơi, tranh thủ hỏi han bất kỳ người nào mình gặp trên đường, từ người gùi củi trên lưng đến em bé bắt cá bên suối.

Những đứa trẻ miền núi bao giờ cũng đáng yêu và đẹp hồn nhiên. Đi chân đất, quần quấn quýt cỏ may, những đứa trẻ ánh mắt đen như đêm rừng, ươn ướt như mưa. Những em bé sáng đến trường, chiều lên rẫy, một đời nhọc nhằn từ buổi mới sinh. Không biết rồi đây, các em có còn bám trường, bám lớp? Nhìn dáng em đi trên đường, tình người mênh mông, lòng người trải rộng, hình như bất cứ người miền xuôi nào lên đây cũng dễ xúc động giữa cuộc sống còn nhiều khốn khó.

Dừng chân ăn trưa tại thị trấn Đông Giang (Quảng Nam) với bắp chuối rừng, nhấm nháp món rau dớn rừng xào tỏi, cá liên suối hay tê đầu lưỡi vì vị đăng đắng của măng điền trúc. Nghỉ ngơi một lát, xe lại tiếp tục lên đường, Tây Giang đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt. Mưa đổ mạnh một lát, rồi nhường phần cho ánh dương hừng sáng phía đầu núi.

Phần lớn cán bộ nòng cốt ở Tây Giang là người miền xuôi. Họ thân thiện và nhiệt tình với người mới đến. Tôi lần đầu tiên đến với vùng cao không khỏi ngỡ ngàng và tha hồ nhìn ngắm cái mênh mông vĩ đại của núi rừng. Đoàn dừng tại Tây Giang, chúng tôi lại đi nắm tình hình để thực hiện mục đích chính của chuyến đi, ghi nhận sự đổi mới trên tuyến đường Hồ Chí Minh, cảm nhận được hơi lạnh đang rộn ràng trong từng thớ thịt khi cái áo mặc từ Đà Nẵng lên không đủ ấm ở mảnh đất cao nguyên này. Đêm lạnh nhưng tình người thật ấm áp. Giấc ngủ đến mau sau một ngày vất vả.

Ngày 5 tháng 5 năm 2009

Chưa đến 5 giờ sáng, ánh mặt trời đã rọi vào phòng. Xe rời huyện lỵ đến địa đạo A Xoò nằm trong lòng núi Tây Giang. Chiếc U-oát chao nghiêng cùng đôi bàn tay điêu luyện của bác tài mà lòng thấy sống dậy những câu hát “Những đêm Trường Sơn, ta đã đi qua bao chặng đường vất vả. Đạn xé bom rơi, mưa rừng xối xả… Vỡ kính rồi trăng tràn cả vào xe. Tay lái thân yêu đã cùng ta bao chuyến đi về, thuộc từng hố bom, từng ngọn cây vách đá...” của nhạc sĩ Tân Huyền. Cẩn thận từng bước chân bởi chỉ một chút lơ là, mình trở thành miếng mồi ngon của vắt rừng, vách núi.

Đường vẫn còn trơn sau trận mưa chiều hôm trước. Cái nắng ban ngày bị che khuất dưới những tán cây cổ thụ. Chuyến băng rừng không cho phép chúng tôi mang theo nhiều hành lý, mỗi người chỉ “thủ” sẵn một máy ảnh, một cuốn sổ, chai nước lọc và cây bút để ghi chép. Từ đây, xe lại xuôi theo con đường Đông Trường Sơn để đến cột mốc T2, ranh giới giữa Việt-Lào, nghỉ lại ăn trưa với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 645. Cảm giác đầu tiên là nhớ, rất nhớ một điều gì đó. Hình như ai cũng muốn quyện vào cái sắt se của núi rừng.

Chiều, đoàn lại quay về đường Hồ Chí Minh, tiếp tục cuộc hành trình. Những bản làng nằm gọn bên chập chùng đồi núi. Những khu rừng nguyên sinh xanh thẫm, những đồi thông vi vu bạt ngàn gió. Thoáng chốc, đoàn đã có mặt tại cầu Dakrong lịch sử khi mặt trời dần khuất sau đỉnh núi. Về đến Đông Hà đã 8 giờ tối. Thấm mệt, nhưng nụ cười rõ trên từng nét mặt.

Ngày 6 tháng 5 năm 2009

Hình ảnh người phụ nữ vùng cao gợi cho chúng tôi tình yêu những bản làng ven núi.

Dưới cái nắng chói chang của miền Trung, Nghĩa trang Trường Sơn, với hàng ngàn ngôi mộ nằm san sát nhau tạo thành nơi linh thiêng che chở cho những người chiến sĩ đã mãi nằm xuống với đất lành quê hương. Vang vang đâu đó tiếng chổi quét rác từ xa vọng lại. Một ngày cuối năm 1979, chị Nguyễn Thị Bé gửi đơn tình nguyện lên chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ và ở lại đó từ ngày ấy. Đã ba mươi năm rồi kể từ ngày ấy, chị Bé đã gắn bó tuổi thanh xuân của mình với Trường Sơn.
 
Chị là một trong ít người đầu tiên có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn từ khi công việc xây dựng vừa hoàn thành với công việc dọn dẹp vệ sinh, hương khói cho phần mồ các liệt sĩ. Sự hiện diện của người con gái giữa núi rừng heo hút, hoang vu làm không ít người cảm phục. Dáng chị như lọt thỏm giữa hàng ngàn ngôi mộ lặng lẽ nằm cạnh nhau. Ấn tượng của tôi về chị thật mạnh mẽ. Hình ảnh người bộ đội cụ Hồ trở nên thật gần gụi và thân yêu. Đường ra Quảng Bình còn xa khiến chúng tôi chỉ ở bên các anh, các chị trong thoáng chốc nhưng tấm lòng đã nằm cả trong từng nén nhang đang âm ỉ cháy.

Cuộc hành trình ngắn ngủi đã cho chúng tôi gặp và yêu mến bao con người đã đến và ở lại với rừng xa. Chuyến đi như truyền ngọn lửa vào lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, để thấy tình người xích lại gần nhau, trải rộng, mênh mông và sâu thẳm.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.