.
NHẬT KÝ TÌNH NGUYỆN HÈ

Đi: Để nghe, thấy, thông cảm và sẻ chia

.

Hè về - Mùa tình nguyện đã đến, nhiều đoàn viên, thanh niên của thành phố đã tham gia những hoạt động tình nguyện đầu tiên trong năm để cùng chung tay, góp sức giải quyết những yêu cầu của cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng, địa bàn còn nhiều khó khăn. Trong không khí sôi nổi ấy, chúng tôi theo chân 25 chiến sĩ tình nguyện là hội viên Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ thành phố hành quân lên thôn Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, nơi đời sống của đồng bào Cơtu còn nhiều thiếu thốn, vất vả.

Càng mệt, càng quyết tâm

Bác sĩ, hội viên Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ thành phố đang khám bệnh cho bà con tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Gần 1 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, trải qua một đoạn đường dài với những khúc quanh uốn lượn dưới chân núi, cuối cùng chúng tôi đã tới được thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc. Nhìn cô bạn bên cạnh khuôn mặt xanh lét vì say xe, tôi không khỏi ái ngại tự nghĩ: “Mệt thế biết có làm việc được nữa không?”.

Nhưng mọi sự “nghi ngờ” đều bị xua tan khi xe vừa dừng lại, cô bạn bật dậy, khoác vội ba lô lên vai, nhảy xuống cùng đồng nghiệp khiêng những thùng thuốc, thùng đựng y cụ tiến nhanh về phía trạm xá. Mọi người chung tay cùng kê bàn ghế, dẹp bớt giường bệnh đang bỏ trống để lấy chỗ cho bà con vào khám. Biết người dân trong thôn đợi mình từ sáng sớm nên trong mỗi động tác bạn nào cũng cố gắng để nhanh hơn, gọn gàng hơn. Chỉ 10 phút sau, những bệnh nhân đầu tiên đã được tiếp nhận tại các phòng khám di động này.

Để tổ chức được một ngày đi khám chữa bệnh miễn phí, các bạn trong Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ phải phối hợp cùng Hội LHTN thành phố huy động mọi “nội lực” mà mình có: từ vận động xin tài trợ thuốc cho buổi khám, tiền thuê xe, chuẩn bị nước uống, và nhất là lên dây cót cho bản thân để chấp nhận mọi vất vả... Có lẽ vì vậy, ngồi trong phòng khám không điện, không quạt giữa cái nắng gắt như táp vào mặt, các bạn  vẫn tận tụy giải đáp mọi thắc mắc của bà con dù mồ hôi đã ướt đẫm cả lưng áo.

Đến từ khoa Điều dưỡng ở Bệnh viện C Đà Nẵng, bạn Phạm Thị Thúy Lài chia sẻ:  “Mình đi tình nguyện đã 4, 5 lần rồi, nhưng Hòa Bắc là xã miền núi đầu tiên của thành phố mà mình đến. Mình thấy người dân ở đây cuộc sống còn nghèo quá, lại không có kiến thức về sức khỏe. Vì thế mình nghĩ, cần phải chữa căn bệnh thiếu kiến thức về sức khỏe trước khi chữa bệnh về thể xác cho bà con”.

Trăn trở cùng bà con

Với những chiến sĩ tình nguyện, mỗi chuyến đi là một lần được mở rộng tầm mắt về cuộc sống, được mắt thấy, tai nghe những điều người dân đang thiếu, đang cần. Bạn Đoàn Thị Kim Nghĩ, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Y tế Trung ương 2 nói: “Phần lớn phụ nữ ở đây đều mắc bệnh phụ khoa. Mình đã tư vấn và giới thiệu chị em lên tuyến trên để mua thuốc, chữa bệnh nhưng ai cũng ngại đi vì sợ tốn kém”. Được biết, từ đây đến trạm xá xã Hòa Bắc bà con phải mất ít nhất 30 nghìn đồng tiền xe thồ, rồi tiền thuốc, tiền khám, tiền ăn ở. Bao nhiêu thứ tiền phải chi cho một lần khám chữa bệnh khiến nhiều bà con đành “sống chung với bệnh”.

Biết được cái khổ của bà con, nên dù hơn 14 giờ, bụng đang sôi lên vì đói, nhưng chưa bạn nào chịu rời phòng khám. Nhiều người dân thấy bác sĩ làm việc nhiệt tình quá đã lên tiếng giục người khác “vô khám nhanh lên để bác sĩ về ăn cơm”. Trong cái khó, cái thiếu thốn con người trở nên gần gũi, thân thiết hơn. 

Bạn Thúy Lài bộc bạch: “Mặc dù đã hết thuốc nhưng tụi mình vẫn cố gắng nán lại một chút để tư vấn, cảnh báo về sức khỏe cho những người đến muộn. Ngay trong lúc khám, mình biết nhiều người không có bệnh nhưng vẫn khai ra bệnh chỉ vì họ cần có thuốc “dự trữ”. Tụi mình rất thông cảm vì ở nơi hẻo lánh thế này nhiều lúc một liều thuốc cảm còn quý hơn cả vàng”.

Buổi khám bệnh kết thúc trong sự tiếc nuối của bà con, còn các chiến sĩ mang màu áo trắng tình nguyện khi trở về thành phố, nhiều bạn vẫn mang trong mình nỗi day dứt: “Giá như trước chuyến đi mình bỏ thêm vào túi một ít thuốc lên giúp bà con”.
  
Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.