.

Những “cái bẫy” trong nghề báo

.

Thời gian qua, chuyện nhà báo bị kỷ luật, thậm chí rơi vào vòng lao lý do bài viết thông tin sai sự thật xảy ra khá nhiều ở các tờ báo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện buồn trên, trong đó có nguyên nhân do nhà báo bị “mắc bẫy” vì nhân vật cung cấp thông tin sai sự thật, dẫn đến thông tin bài viết đăng trên báo sai lệch. Xin kể ra vài câu chuyện điển hình chung quanh chuyện nhà báo “mắc bẫy”, do chính nhân vật trong bài viết gây ra.

Phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh: N.THÀNH

Trong tháng 8 năm 2007, một tờ báo có trụ sở ở Hà Nội đăng bài điều tra hoành tráng với  tựa  đề: “Đà Nẵng: Chưa đền bù đã san ủi mộ liệt sĩ”, phản ánh tình trạng đơn vị thi công dự án Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cày ủi mồ mả, nhưng chưa được sự đồng ý của người dân cũng như chưa thực hiện đền bù giải tỏa; trong đó có trường hợp 2 ngôi mộ liệt sĩ Bùi Văn Giang và Lê Quang Hạ. 

Sau khi bài báo đăng, dư luận nhân dân phẫn nộ, chính quyền địa phương bức xúc vào cuộc điều tra. Thế nhưng, đến khi mọi chuyện được làm sáng tỏ, thì thông tin mà bài báo nêu là sai lệch, không có chuyện đơn vị thi công cày ủi mộ liệt sĩ! Ngày 28-8-2007, tờ báo này phải đăng thông tin đính chính một số chi tiết đã nêu trong bài viết trước đó. Nguyên nhân dẫn đến thông tin sai lệch trong bài viết được xác định là do ông Bùi Minh Kiểm, Phó Bí thư chi bộ khối phố Xuân Thiều (Hòa Hiệp Nam) cung cấp cho tác giả. Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Kiểm lý giải, sở dĩ ông “nhầm lẫn” khi phát ngôn với báo chí do ông là thương binh với vết thương vào đầu và do ảnh hưởng của chất độc da cam!

Đầu năm 2009, một tờ báo có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đăng phóng sự rất hay kể về câu chuyện cậu bé Lê Đình Thành (13 tuổi), một mình đạp xe từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào miền Nam tìm mẹ, trong túi chỉ có vỏn vẹn 19 nghìn đồng. Trong hành trình vào Nam của mình, em đã xin tá túc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng. Hoàn cảnh cơ cực, khốn khổ của cậu bé được nêu cụ thể trong bài viết, đã làm cho mọi người xúc động, quan tâm, muốn giúp đỡ. Thế nhưng, sau khi báo đăng, gia đình và người thân cậu bé đã đề nghị tòa soạn đính chính thông tin trong bài viết ngay trong số báo ngày hôm sau.

Để thực hiện bài viết đó, tác giả đã cẩn thận, nhiều lần đến làm việc với lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng, phỏng vấn cậu bé Lê Đình Thành. Thế nhưng, mọi nỗ lực, sự cẩn thận của tác giả cũng đã bị cậu bé láu cá 13 tuổi đánh lừa một cách “ngoạn mục”!

Hay như gần đây, chuyện hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) hầu tòa đã làm xôn xao dư luận cả nước. Vì hai nhà báo này đã viết bài có nhiều thông tin phản ánh sai lệch trong vụ án PMU 18. Đến khi cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự việc, thì mới hay rằng những thông tin đó do tướng Phạm Xuân Quắc (người có trách nhiệm trong Ban chuyên án PMU 18) cung cấp. Vậy là, do thông tin của nhân vật cung cấp cho tác giả không chính xác, dẫn đến thông tin đăng trên mặt báo sai lệch, và họ phải “rủ nhau” ra trước vành móng ngựa. 

Qua những chuyện vừa kể trên, có thể thấy rằng, nếu trong quá trình tác nghiệp, nhà báo tỉnh táo xâu chuỗi, kiểm chứng thật kỹ càng, thận trọng nguồn tin của nhân vật cung cấp thì sẽ hạn chế thấp nhất chuyện “mắc bẫy” và những hệ lụy về sau. Nắm thật chắc, hiểu thật sâu thông tin trước khi thực hiện bài viết là một đòi hỏi bắt buộc đối với mọi nhà báo có lương tâm và trách nhiệm. Có như vậy, báo chí mới có chỗ đứng và niềm tin trong độc giả.
 
P.V

;
.
.
.
.
.