.

Những nhân vật làm tôi khóc

.

Tháng 4 và tháng 5-2009, cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Những cán bộ đầu tiên trở lại miền Nam hoạt động sau Hiệp định Giơnevơ và ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại. Thực hiện những chuyên đề kỷ niệm này, chúng tôi tìm đến những người đều đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” để lấy tư liệu. Quá khứ đã lùi xa và khi nhắc lại, những giọt nước mắt vẫn còn khóc cho đồng đội bởi có thể 35-40 năm trước, họ nén tiếng khóc để sống và chiến đấu cho cả người nằm xuống.

 

Đi lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh của thời đại công nghiệp hóa, xưa là đường Trường Sơn - đường 559, đâu đâu cũng bắt gặp di tích, bia chứng tích ghi lại các trận đánh, những hy sinh mất mát của hàng vạn người mở đường năm xưa. Nhưng có một địa chỉ mà bất cứ ai cũng muốn một lần ghé tới, đó là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10.300 linh hồn bất tử, những người đã ngã xuống khi đang trên đường hành quân vào Nam hay ra Bắc, những người ngày đêm mở đường, thông đường cho xe qua...

Các cô, các chú của hơn 34 năm về trước từng gắn bó với đường Trường Sơn đều mong được một lần trở lại, thắp cho đồng đội một nén nhang. Cô Nguyễn Thị Dành thuộc lực lượng nữ thanh niên xung phong (TNXP) đóng quân ở một trọng điểm trên đường 9 nối Tây Trường Sơn kể ra rất nhiều cái tên của đồng đội. Những liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc khi ở giữa tuổi xuân đẹp nhất. Giọng cô ngậm ngùi: “Thời đó cái gì cũng thiếu, đến nước cũng phải đi đến suối cách xa vài cây số mới có, nhưng ai cũng vui vẻ chẳng nề hà điều gì. Mấy chị em lúc nào cũng hát.

Hát cho mình có thêm nghị lực”. Với những chiến sĩ TNXP, ngày cũng như đêm, lúc nào cũng sẵn sàng làm việc, nhất là sau những trận dội bom, phải sửa đường, thông đường một cách nhanh nhất cho xe qua; rồi phải dẫn đường cho bộ đội hành quân vào Nam chiến đấu, cho thương binh trở về Bắc và phải bảo đảm lực lượng an toàn dù đi giữa con đường đầy hiểm nguy do bom mìn còn sót lại. Ngày làm việc, ban đêm mỗi người ngủ trong một chiếc hầm cá nhân mà theo cô Đỗ Thị Minh Duyên, TNXP đóng quân ở đường 20 Quyết thắng là, chui đầu vào trước thì ở ngoài nhìn vào thấy đôi chân, làm ngược lại thì đưa mặt nhìn ra ngoài.

Nhưng có lẽ thời gian 5-10 năm đóng quân ở từng binh trạm với nhiều TNXP nữ, dù gian khổ là thế nhưng chúng tôi chưa từng nghe các cô kể là mình đã từng nản lòng. Ở giữa núi rừng, giữa đạn bom, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội mà theo cô Dành là “đôi khi chị em ngồi với nhau, ăn với nhau bữa cơm, nhưng đó có thể cũng là lần cuối cùng còn nhìn thấy nhau.

Cái chết đến trong gang tấc, đôi khi vì may mắn mà mình thoát được, nên chị em ai cũng thương yêu nhau, như người một nhà. Bức thư cùng đọc chung, vui, buồn gì cũng sẻ chia. Những khi bị cơn sốt rét quật ngã, người này lại gánh phần việc của người kia. Chị em động viên nhau mà sống, chiến đấu. Đến ngày hòa bình, giải ngũ, hàng chục năm không gặp nhau, chẳng biết ai còn, ai mất”.

Những giọt nước mắt khóc cho đồng đội đã ngã xuống có cả nước mắt cho những người còn sống, bởi theo cô Minh Duyên, người Tiểu đội trưởng năm xưa, thì có nhiều cô từ thời còn ở rừng đã mất khả năng làm mẹ; rồi nhiều cô về quê sống một mình mòn mỏi, cô đơn khi đã quá tuổi lập gia đình.

Nhiều cô từ trong cuộc chiến khốc liệt đã tìm được tình yêu cho mình, mà như cô Tạ Thị Quế thì có người yêu ở cùng binh trạm, nhưng đóng quân xa nhau hàng cây số, có khi cả tháng chỉ gặp nhau một, hai lần, gặp chỉ để biết người thương của mình còn sống, còn khỏe mạnh. Và đến khi chúng tôi tiếp xúc với các cô, mới nhận thấy rằng hạnh phúc của họ thật bình dị, khi người bạn đời hiểu rất rõ những gì họ đã cùng trải qua, càng trân trọng giây phút hiện tại.

Trước khi con đường Trường Sơn huyền thoại nên vóc, nên hình, những cán bộ người miền Nam trở lại quê sau thời gian tập kết để gây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Những người đi đầu “nếm mật nằm gai” đã phải cưa răng, đóng khố, đổi tên ở cùng đồng bào dân tộc để hoạt động.
 
Và các chú, các bác giờ đều xấp xỉ 80 tuổi đời, vẫn hào hứng khi kể lại những chuyện hoạt động, ghi lại chiến công của 50 năm trước. Và câu chuyện đánh đồn của những người lính đặc công đã ngừng lại khi ông Trần Kim Hùng, Anh hùng LLVT không kể chuyện mình, mà kể về ông Tám Rìu, người còn lại duy nhất trong 7 dũng sĩ Điện Ngọc còn sống. Những người dũng sĩ được văn học, lịch sử ghi tên, đã đi báo cáo chiến công ở khắp Khu 5 nhưng chưa bao giờ được tuyên dương công trạng ở cấp Nhà nước...

Những cựu chiến binh nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm gặp nhau trong dịp kỷ niệm 50 năm đoàn cán bộ đầu tiên vào Nam năm 1959.

Bến phà Xuân Sơn ở Phong Nha; những địa danh A Sờ, A Tép; những trọng điểm trên đường 12, đường 20; những cụm từ như Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn... rồi cũng sẽ lùi xa trong miền ký ức của những người còn sống hôm nay. Trong tiềm thức của những người đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, những cảnh vật, con đường đều mang nặng kỷ niệm để họ có thể ngồi hàng giờ ôn lại chuyện cũ.

Và chúng tôi, những thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình, bật khóc khi nghe chuyện của các cô, các bác, nhưng để học được tính chịu đựng, vượt qua khó khăn như các lớp tiền bối đã làm, sao vẫn thấy khó học cho trọn vẹn. Trước đây, lúc mới 16, 17 tuổi nhiều người đã có thể hy sinh thân mình cho Tổ quốc; họ làm được nhiều việc lớn; nay những thanh niên cũng trong lứa tuổi ấy có biết bao cơ hội để học tập, làm việc nhưng rất ít người làm được một cách xuất sắc.

Chúng tôi, những người cầm bút, không quản ngại mưa hay nắng, vùng sâu vùng xa hay hải đảo đều có thể đặt chân đến, nhưng đôi khi gặp một vài chuyện khó khăn đã dễ nản lòng. Và ngồi nhớ lại những giọt nước mắt của các cô TNXP khóc vì đồng đội, những việc các cô làm giữa mong manh sự sống và cái chết, mới thấy những vấn đề mình gặp phải trong quá trình tác nghiệp không phải là chuyện lớn, để tiếp tục đứng dậy, vượt qua...

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.