(ĐNĐT) - Chúng tôi đến Cơ sở 1 của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân Chất độc da cam ở số 119 Nguyễn Như Hạnh (thành phố Đà Nẵng) vào những ngày cuối tháng 5. Thời điểm những đợt nóng rát của miền Trung đã bắt đầu, nhưng ở nơi ấy, ngoài cái nóng của thời tiết, một cái nóng khác khi chúng tôi chạm đến, khiến lòng cũng “rát bỏng” – cái “rát bỏng” đó được cảm nhận từ chính nỗi đau của những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Nụ cười hồn nhiên của những đưa trẻ bị nhiễm chất độc da cam. |
Em không nhớ nổi tên mình
Những gương-mặt-da-cam ngô nghê, ngơ ngác trong một lớp học yên tĩnh kỳ lạ. 12 đứa trẻ, không đủ che khuất đi phần diện tích còn lại của lớp học rộng thênh. Phân nửa các em chăm chú lên từng trang viết, viết theo những con chữ có sẵn trên mặt giấy, một số lại trầm tư nhìn vào khoảng không mông lung, vô định như đang suy nghĩ điều gì. Lại có em không chịu ngồi yên, quay tứ phía dù chẳng biết để làm gì, tất cả đều diễn ra trong yên lặng, trật tự và bình yên - cái bình yên đến nao lòng.
Ở Trung tâm này, dường như không ai nhớ chính xác tuổi của lũ trẻ, lũ trẻ lại càng không nhớ, bởi nhớ cũng chẳng để làm gì, vì chúng chẳng bao giờ lớn nổi, chỉ có già đi, teo tóp và quay quắt như những hình dấu hỏi. Chất độc da cam bắt chúng mãi mãi chỉ là những đứa trẻ lên 2, lên 3.
Em Mỹ bé nhất lớp hồn nhiên ôm lấy tôi, dẫn đi chung quanh lớp để giới thiệu các bạn, giọng nói ngọng nghịu, khó khăn lắm mới phát âm được và giới thiệu tên… bạn, còn tên mình thì phải nhờ đến bạn nhắc mới nhớ. Em Dương chìa cho chúng tôi xem trang viết gần kín hết chữ, tôi hỏi “ai viết đây?”, em cười vỗ tay vào ngực, rồi chỉ chỗ trang giấy bị xé rách “xé, xé”. “Ai xé của em vậy?”, lại cười và vỗ tay vào ngực. “Tại sao em lại xé vở?”, lại cười. “Em viết chữ gì vậy?”, Dương lật vội ra trang vở nhàu nát phía trước, “chích choè”, còn chữ đang viết thì… chịu.
Cô Thành, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, bọn trẻ ở đây được các cô dạy cho nhiều thứ, đứa học chữ, đứa học thêu, đứa học may, cả được học về sửa chữa điện dân dụng nữa. Nhưng việc học này cũng giống như những trò chơi, chỉ để cho chúng vui hơn, cân bằng hơn, hòa đồng hơn với mọi người, với cuộc sống.
Nghe cô nói, lòng chúng tôi chợt nhói lên những câu hỏi: “Những trang giấy bị chính các em xé toạc, còn cuộc đời các em, bị chính thứ chất độc khủng khiếp mang màu da cam trong những năm chiến tranh “xé” nát. Giấy xé đi, còn có thể dán lại, hay tìm một sự thay thế khác, nhưng cuộc đời các em đã bị “xé”, lấy gì đền đáp, và đền đáp bao nhiêu mới có thể bù đắp được?! Câu hỏi ấy cứ nhói đau trong lòng chúng tôi khi rời Trung tâm.
Đến với các em bằng tình thương
Viết chữ là một trò chơi để các em tìm được niềm vui. |
Trung tâm cũng chẳng khá giả gì, tất cả đều dựa vào sự đóng góp, viện trợ từ các tổ chức, các nhà hảo tâm nên mọi thứ đều phải tằn tiện, chỉ đủ để trang trải các chi phí thiết yếu nhất. Nhiều lúc kinh phí gần hết, cả Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố và các thành viên trong Ban Giám đốc lại chạy đôn chạy đáo vận động tài trợ.
Các cô nuôi dưỡng và dạy trẻ ở đây, người được trả lương cao nhất cũng chỉ xấp xỉ 1 triệu đồng, còn lại thì khoảng 500.000đ mỗi tháng. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhà ở gần Trường THPT Ngũ Hành Sơn, chồng là bộ đội, đóng quân xa nhà, con mới chỉ 20 tháng tuổi gửi bà ngoại, chị lại bị tật ở chân, vậy mà đều đặn mỗi ngày, di chuyển cả chục km trên chiếc xe máy ba bánh đến với lũ trẻ. Mỗi tháng chị nhận 500.000đ, vừa đủ số tiền đổ xăng.
Chị tâm sự: “Thấy hoàn cảnh các em vậy, thương mà đến với các em thôi”. Gắn bó lâu năm với Trung tâm nhất là chị Châu Thị Thuận, chị vào đây từ năm 2005, khi Trung tâm được thành lập. Chị kể, hồi đầu vào làm nản lắm. Bọn trẻ cũng mới được tập trung, lần đầu tiếp xúc với nhiều người nên không biết nghe lời, chúng cứ thích gì làm nấy. Nhiều lúc đau đầu, chán nản, chỉ muốn bỏ việc. Nhưng rồi thương bọn trẻ, chị không nỡ.
Bây giờ, điều kiện gia đình cũng tạm ổn, cô con gái lớn ra trường, làm ở Dung Quất, lương tháng cũng đủ chăm lo cho bố mẹ. Nhưng chị vẫn không chịu nghỉ, lại rủ cả chồng vào làm bảo vệ Trung tâm buổi tối, lương cả 2 người cộng lại, chưa đầy 1,6 triệu đồng/tháng.
Dường như những đứa trẻ bị khiếm khuyết ấy hiểu được tấm lòng của các cô, các mẹ, nên ngoan hơn rất nhiều, chúng biết tự chăm sóc mình, phụ giúp dọn ăn, xếp bàn ghế, biết nghe lời. Nhưng đôi khi các chị cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
Đến với Trung tâm nuôi dưỡng trẻ da cam, chúng tôi có cảm giác như đang đứng ở bên bồi của một dòng sông chở nặng phù sa. Cái trung tâm bé nhỏ lọt thỏm giữa đông đúc phố xá với phòng học, phòng nghỉ, nhà ăn, nhà vệ sinh, kiốt, sân chơi, mái che… Mỗi công trình là một sự bồi đắp của tình thương, sự sẻ chia của cộng đồng. Và chính tình yêu thương của chị Thành, chị Thuận, chị Hiền… là những hạt phù sa quý giá, nâng niu, nuôi dưỡng tâm hồn của những mầm sống không lành lặn, dù chúng đã được gieo khi mùa chiến tranh khốc liệt đã qua lâu rồi. Để phía sau cánh cổng xanh của Trung tâm, những nỗi đau da cam vẫn nở những nụ cười hồn nhiên, bình yên sống giữa cuộc đời.
Ngọc Thủy - Quỳnh Đan