Mệt mỏi vì đau ốm nhưng khi bước chân vào bệnh viện, không phải lúc nào bệnh nhân cũng nhận được sự tiếp đón niềm nở, thiện cảm của y, bác sĩ. Thực trạng này hiện vẫn còn tồn tại ở một số bệnh viện công trên địa bàn thành phố.
Bệnh nhân rất cần những lời động viên, đón tiếp niềm nở của nhân viên y tế. |
Những câu hỏi, câu nói của người y sĩ này đều cộc lốc, không chủ ngữ, không ngôn từ xưng hô, chỉ là: Khám gì? Ở đâu? Ai khám? Đặt giấy lên bàn! Đưa người bệnh lại đây!… Dù cho người đến khám có khi bằng tuổi cha mẹ, tuổi anh chị nhưng vẫn hiếm khi thấy người y sĩ này xưng hô có ngôi vị. Quan sát cả buổi nhưng không hề thấy người y sĩ này nở nụ cười khi tiếp đón bệnh nhân. Tuy nhiên, khi đồng nghiệp đến thì họ lại nói chuyện, cười đùa vô tư trước mặt người bệnh.
Đối với những người làm ở bộ phận thu viện phí cũng vậy, họ gần như không bao giờ niềm nở với bệnh nhân mà chỉ là những câu nói không biểu cảm, cộc lốc, có lúc còn cáu gắt, nạt nộ nếu người đến đóng tiền có làm điều gì sai. Điều này đặt câu hỏi: Tại sao họ lại tiết kiệm nụ cười với bệnh nhân đến vậy? Phải chăng bệnh nhân cần họ nên họ không nhất thiết phải tỏ ra thân thiện? Hay vì mỗi ngày phải tiếp đón quá nhiều người bệnh đến khám nên họ trở nên khó tính, dễ cáu gắt?
Không ít người bức xúc cho rằng: Nhiều khi bị bác sĩ la mắng như con vậy, nếu lỡ có thiếu giấy tờ lúc đến khám là lại bị cằn nhằn, khó chịu. Một số y, bác sĩ gương mặt lạnh lùng và không có biểu cảm khi tiếp xúc với người bệnh. Thậm chí, có trường hợp, bác sĩ vừa nhai kẹo cao su, vừa đọc báo trước mặt bệnh nhân.
Điều này là hoàn toàn có thật và cho thấy, một số ít lương y vẫn còn xem thường bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có làm sai chỉ dẫn hay có hành vi gì chưa đúng thì sẽ nhận được những lời nói cáu gắt, rất thiếu thân thiện của những người được xem là lương y. Có lẽ với người bệnh, họ có một quyền lực nhất định nên nhiều khi cử xử theo kiểu ban ơn chăng?!.
Người bệnh là những người dễ bị tổn thương. Họ đã mệt mỏi về thể xác, tinh thần, có khi chịu nhiều nỗi đau khác khi phải chữa trị tại bệnh viện. Chính vì vậy, những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và cả người thân của họ gồm các bác sĩ, y tá, hộ lý… cần phải ân cần, niềm nở, phải vui vẻ để bệnh nhân vơi đi những cơn đau đang phải chịu đựng.
Cho dù áp lực công việc đối với đội ngũ y, bác sĩ là có và hằng ngày họ phải tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm bệnh nhân khác nhau, thái độ và cách cư xử của nhiều người bệnh cũng như người thân của họ cũng có lúc thế này thế khác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những bậc lương y tỏ thái độ thiếu thân thiện, lãnh đạm, lạnh lùng.
Bộ Y tế đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức ngành Y tế. Trong đó nêu rõ: Quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh, những việc cán bộ, viên chức y tế phải làm như: Thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ giao tiếp trong cơ sở khám, chữa bệnh; tìm hiểu, nắm bắt diễn biến tâm lý người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh; thương yêu người bệnh, coi người bệnh như người nhà của mình; lịch sự, hòa nhã, động viên, an ủi, tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh…
Rõ ràng quy định đã có nhưng việc áp dụng trên thực tế lại chưa đáp ứng được những yêu cầu đề ra. Việc chữa lành bệnh cho bệnh nhân là trách nhiệm cao cả của đội ngũ y, bác sĩ. Có thể một số công chức, viên chức ngành Y tế chỉ quan tâm đến điều này chứ chưa chú trọng nhiều đến cách ứng xử với người bệnh và thân nhân của họ.
“Lời nói không mất tiền mua” và nụ cười cũng chẳng mất tiền mua. Cho nụ cười đúng nơi, đúng lúc sẽ như một liều thuốc bổ đối với người bệnh và khiến cho họ cảm nhận về cuộc sống một cách tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh: Hà An