.

Nước máy đục như... nước cơm

.

Không định kỳ, nhưng chừng 1-2 tháng, nước máy ở nhiều hộ dân phường Chính Gián, quận Thanh Khê lại có màu vàng như màu phù sa, hoặc đục như nước cơm. Từ đầu năm đến nay, có hộ đã tính được 4-5 lần nước đục.

Phải nửa ngày nước mới hết đục

Kỹ sư Tôn Thất Du nói: “Hiện tượng nước đục không phải do nước đầu nguồn nhiễm bẩn, vì chất lượng nước cấp được theo dõi sít sao 24/24 giờ”.

Qua khảo sát ý kiến của nhiều hộ từ tổ 32 đến 39 phường Chính Gián, chúng tôi nhận thấy: nước đục không theo thời gian nhất định nào, có khi chiều hoặc sáng. Chị Lê Thị Chim, tổ 33 phường này tính: Từ đầu năm đến nay, nước máy nhà chị bị đục đến 4-5 lần, lúc màu vàng, khi nhờ nhờ màu nước cơm.

Ông Trần Kheo, tổ 33 thêm vào: “Cách đây 10 ngày, nước quanh xóm ni đục màu vàng phèn, để lắng một chặp thấy đóng lớp như phù sa”. Hầu hết những gia đình trên đều xài nước trực tiếp từ vòi. Nhiều người cho rằng, nếu nhà có bồn chứa nước, sẽ khó nhận thấy nước đục, vì khi đó, lớp cặn đã “lặn” hết dưới đáy bồn. Ông Trần Kheo phải xả hết thùng 100 lít cho nước trong trở lại. Còn theo chị Chim, có khi vài tiếng, hoặc cả nửa ngày trời nước mới hết đục. Cá biệt là trường hợp hộ chị Huỳnh Thị Phương, tổ 32, cách đây một tháng, nước nhà chị vàng đến ba ngày liên tiếp.

Vì nước ở nhà thường bị đục sau mỗi lần cúp nước, nên một người dân ở tổ 36 (đề nghị không nêu tên) thử giải thích: “Có thể khi cúp nước, người ta súc hồ nên nước trong đường ống bị bẩn”. Đầy “kinh nghiệm” bởi nước hay bị đục từ 1-2 tháng/lần, người này thường trữ sẵn đôi thùng nước sạch để dùng khi nước đục.
 
“Khi nước đục, tôi thường cắt nước máy và dùng nước giếng bơm”, một người khác ở tổ 34 cho biết. Hầu hết các hộ còn lại đều không dám dùng nước đục, và cố xả cho đến hết màu vàng mới thôi. Bất đắc dĩ, họ dùng nước đục để tắm rửa, giặt quần áo. Để nấu ăn, nấu nước uống, họ phải mua nước bình (loại 20 lít) hoặc mang thùng đi quanh khu dân cư xin ít nước sạch ở những nhà không bị đục nước. Tuy nhiên, như nhà chị Phương, vì nước đục đến ba ngày liên tiếp, nên bí quá, chị đành dùng đại bằng cách chờ lớp cặn lắng xuống rồi lấy lớp nước bên trên.

Đề nghị ngành cấp nước kiểm tra

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, kỹ sư Tôn Thất Du, Phó Quản đốc kiêm Trưởng phòng xét nghiệm của Nhà máy nước Cầu Đỏ chắc chắn: “Nước không thể bẩn từ đầu  nguồn được, vì tại đây chúng tôi theo dõi chất lượng của nước cấp 24/24 giờ. Nước hay bị đục như vậy là một hiện tượng khá lạ, thông thường nước chỉ đục đột xuất vào một thời điểm nào đó thôi”.

Theo ông, có hai khả năng khiến nước chảy vào nhà dân bị đục: nhiều đường ống dẫn vào khu dân cư bị bẩn; hoặc các hộ dân dùng bồn để sử dụng hai loại nước giếng và nước máy, khi đó nước giếng sẽ phá vỡ nước máy gây hiện tượng đục. Ông cũng cho biết, hiện đơn vị chưa nắm được tình hình ở khu vực Chính Gián, nhưng khuyến cáo người dân: khi nước có bất kỳ vấn đề gì khác lạ, phải báo ngay cho Chi nhánh cấp nước tại địa phương để nơi này cử người xuống tận nơi lấy mẫu và tiến hành súc xả đường ống trong khu vực đó.

Cũng cùng ý kiến với ông Du, ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho rằng, có thể do đường ống cũ nên chất bẩn lâu ngày tích đọng lại, gây đục nước. Ông Ninh khẳng định: “Sẽ cho người đến khắc phục ngay”. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân ở phường Chính Gián, mấy tháng nay, nước cứ đục, nhưng vẫn chưa thấy ai đến kiểm tra, xử lý.

Vì hiện tượng nước đục xảy ra nhiều lần, người dân rất lo sợ ngay cả khi nước trong, đề nghị nhà cung cấp nước phải giải thích, can thiệp kịp thời để chấm dứt tình trạng trên, bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng nước.

 
Kỹ sư Tôn Thất Du, Phó Quản đốc kiêm Trưởng phòng xét nghiệm của Nhà máy nước Cầu Đỏ khuyến cáo người dân:

“Khi nước có bất kỳ vấn đề gì khác lạ, phải báo ngay cho Chi nhánh cấp nước tại địa phương để nơi này cử người xuống tận nơi lấy mẫu và tiến hành súc xả đường ống trong khu vực đó”.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.