.
NƯỚC SẠCH

Nơi cần không có, nơi có không dùng

Trong khi nhiều khu dân cư đang mong mỏi từng ngày có nước máy để dùng, thế nhưng ở một số nơi, nước máy được lắp đặt đến tận nhà nhưng người dân lại không xài. Nghịch lý này đã và đang xảy ra tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố. Xem ra bài toán về nước sạch cho người dân vẫn còn nhiều bất cập.

Dài cổ chờ nước máy

Hơn 6 năm nay, gần 100 hộ dân tại tổ 32 phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) vẫn chưa biết đến nước máy là gì. Bà Nguyễn Thị Hằng than vãn: “Hầu hết ở đây gia đình nào cũng sử dụng nước giếng khoan, chứ có nước máy đâu mà dùng. Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị với ngành cấp nước để có nước máy nhưng chờ hoài đến giờ vẫn chưa có”.

Bà kể: “Hầu hết các hộ dân tại đây đều khoan giếng khá sâu, tuy nhiên nước vẫn có mùi tanh nồng, để một lúc đã nổi váng bám kín trên mặt, nhiều lúc dùng thấy ghê ghê nhưng đành phải chấp nhận. Nhà nào kinh tế khá giả thì lấy nước giếng khoan để tắm táp, giặt giũ, còn nước dùng để nấu cơm, ăn uống phải bỏ tiền ra mua bình nước lọc về dùng”. Cùng hoàn cảnh như tổ 32 phường Hòa Xuân, gần 200 hộ dân ở thôn Thạch Sơn, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) cũng phải dùng nước giếng bị nhiễm bẩn để sinh hoạt và ăn uống trong nhiều năm nay.
 
Ông Hoàng (thôn Thạch Sơn) cho biết: Khi chưa có KCN Hòa Khánh thì nước giếng khoan ở đây trong và sạch lắm. Nhưng từ khi KCN này xuất hiện, nguồn nước đã dần bị nhiễm bẩn, chỉ vì chưa có nước máy nên người dân nơi đây buộc phải dùng tạm nguồn nước này, dẫu biết là không bảo đảm sức khỏe.
Giải thích về tình trạng một số khu dân cư “khát” nước sạch, ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho rằng:

Hiện công ty đã lập phương án khảo sát để đầu tư đưa nước sạch sớm đến với các khu dân cư, tuy nhiên đối với tổ 32 phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) do địa hình phức tạp nên việc lắp đặt hệ thống mạng lưới cung cấp nước rất tốn kém. Đơn vị đang tiến hành khảo sát tại khu vực này để tìm giải pháp đầu tư ít tốn kém nhằm sớm cung cấp nước sạch cho các hộ dân. Riêng đối với khu vực thôn Thạch Sơn, công ty đang triển khai lắp đặt đường ống dẫn nước đến từng nhà dân.

Sở dĩ tiến độ chậm là do nơi đây nằm trong diện quy hoạch để mở rộng KCN Hòa Khánh. “Do dự án mở rộng KCN Hòa Khánh chưa triển khai nên trước mắt, công ty sẽ đầu tư kéo đường ống nước đến cho người dân dùng và sau này khi dự án khởi động, chúng tôi sẽ thu hồi lại đường ống để tránh lãng phí”, ông Ảnh nói.

Nơi có không dùng

So với các phường, có lẽ Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) là phường có số hộ dân sử dụng nước máy ít nhất. Theo thống kê, trong tổng số 37 tổ dân phố mới có khoảng 10 tổ có nước sạch để dùng, những tổ còn lại đa số đang dùng nước giếng khơi hoặc giếng khoan. Ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho biết:

Ngay sau khi đơn vị được tiếp quản đầu tư KCN Liên Chiểu và quản lý Nhà máy nước Hải Vân có công suất 5.000m3/ngày đêm, công ty đã nhanh chóng triển khai việc lắp đặt đường ống cung cấp nước cho các DN đầu tư tại KCN Liên Chiểu; đồng thời tiếp tục đầu tư gần 400 triệu đồng lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước đến gần 10 tổ dân phố trên địa bàn phường (từ tổ 28 đến 35), thế nhưng khi lắp đặt xong đường ống dẫn nước đến nhà dân thì các hộ dân lại không “chịu” lắp đặt đồng hồ nước để dùng.
 
Trước khi lắp đặt đường ống tại 10 tổ trên, đơn vị đã lấy ý kiến của hầu hết các hộ dân và yêu cầu ký cam kết sẽ sử dụng nước máy sau khi đơn vị triển khai lắp đặt đường ống. Thế nhưng đến thời điểm này, mới có gần chục hộ đăng ký lắp đặt đồng hồ sử dụng nước máy.

Cũng theo ông Hải, mặc dù đơn vị đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân về việc sử dụng nước máy, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt đồng hồ nước, thế nhưng người dân nơi đây vẫn không chịu “xài” nước máy. “Để đấu nối đường ống dẫn nước bao phủ đến tất cả các hộ dân trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc là điều không khó, nhưng vấn đề đặt ra là đấu nối xong, người dân có chịu “xài” nước hay không?”, ông Hải nói.

Để nước sạch sớm đến với các khu dân cư, đặc biệt đối với các khu dân cư xa trung tâm thành phố, đơn vị cấp nước cần sớm khảo sát đánh giá cụ thể để có kế hoạch đầu tư đồng bộ về mạng lưới cung cấp nước cho nhân dân.

Bên cạnh đó, Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (đơn vị cung cấp nước sạch cho nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc) cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng nước sạch, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra các phương án hỗ trợ cho người dân trong việc lắp đặt đồng hồ nước và giá nước.

Theo Công ty Cấp nước Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố đã có hơn 120 nghìn hộ dân với 500 nghìn nhân khẩu được sử dụng nước sạch do công ty cung cấp; đồng thời đã có 46 xã, phường được sử dụng nước sạch với mức độ bao phủ gần 81%.

Nhằm tăng tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch và giảm tỷ lệ thất thoát nước trong thời gian tới, hiện công ty đã gửi hồ sơ đến Tổ chức ORIO (Hà Lan) kêu gọi tổ chức này tài trợ kinh phí 90 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng để xây dựng dự án giảm thất thoát nước.


TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.