.

Ô nhiễm từ những thói quen

.

Đổ nước thải và xả rác một cách tùy tiện ở nơi mưu sinh trên vỉa hè, cũng như ở những chung cư lao động nghèo đang là một thói quen tạo nên những điểm môi trường bị ô nhiễm nặng. Ở đó, mọi thứ dịch bệnh có nguy cơ phát sinh...

Sinh hoạt bề bộn trước sân chung cư Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê)

Chẳng có gì ngạc nhiên nếu chẳng may từ trong vỉa hè ở nơi có một gánh bún hay một quán cơm bình dân, một chậu nước bẩn được hắt toẹt ra đường ngay giữa không gian nắng bụi, mặt đường vằn vện cặn thải, nước chảy lênh láng và bốc hơi dậy mùi tanh tưởi. Khó chịu ư? Tất nhiên rồi, người đâu mà vô ý vô tứ! Nhưng rồi ai cũng chặc lưỡi cho qua mà thôi, chuyện thường ngày ấy mà. Ai cũng biết, đã nương nhờ vỉa hè bán buôn, lấy đâu ra bếp núc để nấu nướng, dọn rửa; tất tật bún cháo cứ cho lên cái bếp than đá, đĩa dơ chén bẩn cứ cho hết vào một cái chậu nước to, nhiều hơn cũng chỉ thêm một thùng nước sạch ở cạnh để chao lại đũa thìa cho khách ăn đến sau dùng tạm.

Cơm thừa, canh cặn cho hết vào một cái xô mang về để chăn nuôi, còn nước rửa chén bát có đọng tí vảy cá, mẩu xương hay cọng rau thì cứ đổ hết ra lòng đường - “nhất cử lưỡng tiện” vừa đỡ bụi bặm, vừa đỡ phải gánh về nhà hoặc đưa nước thải đến nơi cần đổ. Nếu đường phố đông người qua lại thì cứ lén đem đổ hết vào cái thùng rác công cộng dựng ở bên cạnh. Đã là thùng chứa rác thì cái gì mà chẳng là rác, xử lý rác đã có người khác, ít ra mình cũng đã đóng tiền dọn rác hằng tháng rồi, lo gì. Cứ theo cách nghĩ thế, nước thải nghiễm nhiên được đổ ra lòng đường như một lẽ thường tình.

Đâu chỉ có nước thải, nhiều nơi hè phố đang trở thành những điểm để chậu, đặt xô cùng nồi chảo, gồng gánh ngay bên cạnh gốc cây, cột điện; nhiều nơi còn để nguyên cả một chậu chén bát nằm chỏng chơ bên vỉa hè vì chưa kịp rửa. Cạnh đó, còn ngổn ngang những đống vỏ dừa, bã mía của mấy tủ bán giải khát ngày hè. Ruồi nhặng kéo đến, chuột bọ kéo về mang theo cả mầm dịch len lỏi tận bờ mương, miệng cống.

Không cơ động như ở vỉa hè, chung cư là nơi ăn ở, sinh hoạt gia đình, nhưng những thói quen từ việc xả nước thải, rác thải vô tư như hồi còn ở thôn đồng, xóm biển vẫn chưa bỏ được. Vì thế, khi nhà ở tầng dưới che lều, đặt bếp trước sân làm khói xông lên tầng trên, thì nhà ở tầng trên tiện tay cho rác thải chui qua cửa sổ tạt xuống nhà ở tầng dưới. Khó chịu thật đấy nhưng thôi “một điều nhịn chín điều lành” và mọi chuyện đều được lặng im nhẫn chịu.

Nhà trên phơi quần áo trước lan can, nhà dưới giăng lưới trên cầu thang, ban công, và gầm cầu thang cũng trở thành một cái kho chung chứa đầy thúng mủng, rổ rá cùng vảy cá, vỏ cua nồng tanh bức bối. Rác tích đọng lâu ngày, ngập ngụa khắp hồi nhà cổng ngõ, có khi còn lên cả sân thượng. Nước thải từ đường ống hỏng đổ xuống, nước ngầm từ bể hư tràn ra gây nên ẩm mốc bốn bề, nhưng xem ra sàn trên, sân dưới đều là của chung nên cũng chẳng có ai nhìn đến.

và chén bát ở quán phở đường Dũng Sĩ Thanh Khê để ngổn ngang làm mất vẻ mỹ quan đường phố.

Có thể nói, các thói quen, nếp nghĩ cộng với lối sinh hoạt bộn bề của những người dân lao động từ nghề biển, nghề nông nay buộc phải vào ở chung cư nhưng vẫn theo thuyền đi biển hoặc mượn chốn vỉa hè bán cơm bán cháo, trong cuộc sống thường giản đơn coi vỉa hè như nhà và xem nhà chung cư như một chốn sinh hoạt cộng đồng, buộc mọi người phải chấp nhận theo thói quen nếp cũ, như một mảng của cái gọi là “văn hóa bình dân”.

Nước thải, rác thải tiện đâu xả đó ở không ít tuyến đường và các khu chung cư trong thành phố, đang tạo nên những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Phát động chiến dịch đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh ở hè phố và các khu chung cư, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh những vi phạm về mỹ quan môi trường đô thị là việc làm cần thiết để xây dựng khu dân cư thực sự văn hóa và dập tắt những nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong ngày hè.

Bài và ảnh: Lê Gia Thụy

;
.
.
.
.
.