.

Quá đà thành vô cảm

Nói về nhân cách, dường như không có bất cứ nghề lương thiện nào lại không cần có nhân cách. Nhưng khi người làm nghề thiếu nhân cách thì mỗi nghề có tác hại, ảnh hưởng đến xã hội khác nhau. Người chữa ống nước làm dối, chỉ ảnh hưởng đến một cụm dân cư, một gia đình nhất định. Người bác sĩ khám và chữa bệnh tắc trách có thể dẫn đến tử vong cho một vài người… ấy cũng là nghiêm trọng lắm rồi.

Nhưng nghề làm báo mà thiếu đi nhân cách nghề nghiệp thì tác động đến một bộ phận xã hội, một cộng đồng dân chúng, có khi là toàn xã hội. Đó chính là tính đặc thù của nghề báo. Bởi thế, trước khi vỡ lòng viết tin, chụp ảnh, quay phim… điều quan tâm lớn nhất của người làm nghề là ảnh hưởng, tác động của sản phẩm mình đối với số phận một con người cụ thể, tác động đối với công chúng và rộng ra là với xu hướng xã hội. Nhưng rất tiếc, không ít nhà báo vì lý do này khác, đôi khi đã quên đi điều ấy.

Trong nhiều năm trở lại đây, bên cạnh lực lượng an ninh xã hội, đội ngũ báo giới thực sự đã đóng vai trò là những người lính xung kích đáng tin cậy trên mặt trận chống tệ nạn xã hội. Nhưng các bài báo cụ thể, có nhất thiết lấy đầy đủ tên họ, năm sinh, quê quán, mặt mũi của những cô gái giang hồ đó không. Có những bức ảnh chụp trực diện, dẫu họ đã cố che mặt đi. Xét cho cùng, những con người đó là ai? Họ như anh, như tôi. Họ là con em chúng ta cả mà.

Vì một lỗi lầm, nông nổi, vì hoàn cảnh hay tuổi đời quá non trẻ mà sa ngã… nhưng điều quan trọng không phải phơi bày họ trước dư luận mà hướng họ vào cuộc đời mới, lành mạnh, có ích cho cuộc sống. Nhưng những tấm ảnh đó, những dòng địa chỉ ấy trên mặt báo là vô tình đẩy những số phận đáng thương vào sâu thêm một khoảng tối trước gia đình, làng xóm, bạn bè. Nhiều trường hợp thực tế phủ phàng đã giết chết họ.

Những năm gần đây, nhiều công trình bị rút ruột tàn bạo, lừa đảo trong kinh doanh, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… Báo chí đã đồng thanh, vào cuộc cùng các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật. Báo chí ngày càng có uy tín trước công chúng. Đường dây nóng của nhiều tờ báo hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Có thể nói báo chí Việt Nam những năm đổi mới đã có diện mạo mới, góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước, giữ gìn sự trong sạch của xã hội, ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp, tha hóa đạo đức của một bộ phận cán bộ, quan chức, v.v… Nhưng cũng trong lĩnh vực sôi động này, không ít nhà báo sa đà, nhiều khi lẫn lộn, vì lẽ nào đó đã không làm chủ được ngòi bút mình.

Chúng ta có thể đưa ra ánh sáng tội danh để xã hội biết và lên án, để phép nước xử lý đúng người đúng tội. Nhưng có cần thiết đi quá sâu vào đời tư, có cần săn lùng những kẻ bị truy tố ở mọi lúc, mọi nơi. Tôi còn nhớ, trong một vụ án kinh tế lớn diễn biến phức tạp, có bị can được điều chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, hoàn tất hồ sơ.
 
Một bị can nguyên là cán bộ cao cấp đã bị một vài phóng viên săn đuổi, đến nỗi người thân trong gia đình không còn bình tĩnh, xô xát chống đỡ với người cầm máy. Liệu những bức ảnh ấy có góp thêm điều gì làm sáng tỏ tội danh, hay chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ nông nổi, tăng lượng phát hành nhất thời cho một vài số báo. Những bị can đó, vì những phút giây sa ngã mà rơi vào vòng lao lý. Họ cũng có ăn năn, đau khổ, suy ngẫm, xót xa…
 
Họ cần sự yên tĩnh, cần sự bao dung và tha thứ. Những hành vi quá khích ấy đã làm thương tổn không nhỏ vào cuộc sống cá nhân. Liệu nay mai mãn hạn tù, họ có yên tâm làm lại cuộc đời, vơi đi đau khổ, mặc cảm mà hòa nhập vào cộng đồng. Những người cầm máy nhiệt tình trên mức bình thường ấy có khi nào biết dừng lại và ít nhiều suy ngẫm về những việc làm của mình không, có quan tâm đến số phận những con người đã phải trải qua quá nhiều chịu đựng.

Tôi còn nhớ, ngày ấy, chưa xa lắm, cơ quan điều tra có lệnh bắt một TGĐ với một tội danh trong lĩnh vực kinh tế. Vậy mà một đôi tờ báo cứ phải kèm theo thông tin: Ông TGĐ nọ là em ruột của… (một quan chức cao cấp mà tôi không tiện nói rõ hơn). Thêm một chút chi tiết ấy, liệu có ích gì. Tôi nghĩ, sự sa đà thiếu suy nghĩ ấy chính là một sự xúc phạm. Thời một bộ trưởng có liên đới chịu trách nhiệm về một bê bối trong bộ và có nguy cơ bị cho bãi nhiệm.
 
Vào thời gian đó, một tờ báo lớn đã đăng bức ảnh ông với nét mặt đau khổ. Tôi nhìn ông trên ảnh, không khỏi ái ngại và tự hỏi, có thật ông đau khổ đến thế không? Có thể ông buồn, nuối tiếc vì những lơi lỏng trong quản lý và tâm trạng này có lẽ còn phải một thời gian dài nữa mới gọi là nguôi ngoai.

Là nhà báo có trách nhiệm không nên dùng ngòi bút của mình khoét sâu thêm nữa nỗi đau như một vết thương đang nhức nhối, âm ỷ trong lòng một con người. Nhân cách ấy nằm ở chỗ ngòi bút của mình có chứa đựng trong đó một trái tim nhân hậu trước số phận mỗi con người, dẫu con người đó đang lâm vào vòng lao lý.

Chính Ngôn

;
.
.
.
.
.