Tại Hội nghị đánh giá 2 năm công tác quản lý Nhà nước (QLNN) về báo chí vừa mới được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức tại Đà Nẵng, có một phần của báo cáo dường như không nằm trong mong đợi của cả nhà quản lý cũng như từ phía cơ quan báo chí. Đó là tổng số tiền phạt vi phạm hành chính của các cơ quan báo chí năm 2008 tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó.
Nếu như năm 2007, có 24 trường hợp bị xử phạt, với 11 trường hợp thông tin sai sự thật, mức phạt bằng tiền là 230 triệu đồng, thì đến năm 2008, có đến 65 trường hợp bị phạt, trong đó thông tin sai sự thật là 34 trường hợp, tổng mức phạt tiền lên đến 561 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2008, theo nhận định của Bộ TT-TT “là năm hoạt động và thông tin báo chí có nhiều biểu hiện phức tạp”, có đến 15 cán bộ, phóng viên bị thu hồi Thẻ Nhà báo, trong đó có đến 6 người là lãnh đạo cơ quan báo chí.
Khi nói về những vi phạm này, bên cạnh lý do về nhận thức, tầm nhìn của lãnh đạo cơ quan báo chí và nhà báo, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ tổng biên tập..., Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp thừa nhận có trách nhiệm của cơ quan QLNN về báo chí. “Trong khuyết điểm của báo chí có trách nhiệm của người làm công tác QLNN, với tư cách người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm này” - Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thẳng thắn.
Ông cũng bày tỏ sự đau xót khi phải xử lý mạnh tay những vi phạm của báo chí trong thời gian qua, mặc dù ông thừa nhận rằng, việc xử phạt này đã được cân nhắc rất nhiều lần trước khi thực hiện, nhằm thể hiện thái độ nghiêm túc, xử lý nghiêm minh, vừa đủ sức răn đe, vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển. “Trong bóng đá, chỉ cần phạm 2 thẻ vàng là thành 1 thẻ đỏ. Nhưng trong xử lý vi phạm của báo chí, chúng tôi cân nhắc 3 thẻ vàng, có khi 4 thẻ vàng mới quy thành 1 thẻ đỏ” - Bộ trưởng ví von.
Còn trên cương vị của người lãnh đạo công tác báo chí, ông Nguyễn Bắc Son, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng thừa nhận, trong những năm qua, cùng với việc làm tốt công tác phối hợp cơ quan QLNN, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam... thì việc kịp thời dự báo tình hình và định hướng thông tin cho báo chí vẫn còn hạn chế.
“Trong giao ban báo chí, còn trùng lắp thông tin báo cáo, nhận xét báo chí chưa sắc sảo, dự báo tình huống còn yếu và chưa nhạy bén nắm bắt tình hình, nên việc định hướng còn chưa kịp thời” - Ông Nguyễn Bắc Son đánh giá. Thế nên, trong năm 2008, việc xử lý vi phạm xảy ra nhiều hơn và trùng lắp nội dung ở một số báo như vụ việc liên quan đến PMU 18, thông tin sai sự thật liên quan đến tăng giá xăng dầu...
Thẳng thắn nhìn vào những vấn đề còn hạn chế qua 2 năm triển khai việc QLNN về báo chí trong xu thế sắp xếp lại hệ thống QLNN, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan QLNN về báo chí cần xem việc tôn vinh người tốt, việc tốt là quan trọng nhất, tăng cường góp ý, uốn nắn, xây dựng và tăng cường đối thoại trước khi ra quyết định. “Xử lý sai phạm phải nghiêm túc, nhưng xây dựng là chính chứ không chỉ trích” - Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Để làm được việc đó, kể cả nhận định, dự báo tình hình để có được định hướng kịp thời cho báo chí, thì điều cần nhất, vẫn là công tác cán bộ cho cơ quan QLNN về báo chí. Việc quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và tâm huyết trong công tác này thời gian qua vẫn còn không ít khó khăn, từ Bộ TT-TT cho đến các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, thành phố.
Việc xây dựng được đội ngũ cán bộ như thế sẽ đồng nghĩa với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách QLNN về báo chí, hình thành cách quản lý chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu xây dựng mô hình báo chí theo hướng hội nhập, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, trở thành các tổ hợp truyền thông đa phương tiện...mà lãnh đạo Bộ TT-TT đã đặt ra.
Hướng đi và cách làm đó sẽ hình thành nên cơ chế “lạt mềm buộc chặt” trong QLNN về báo chí, mà một trong 3 cách nhìn về báo chí dưới góc độ của nhà quản lý cho rằng, báo chí hiện nay vừa mở rộng dân chủ, vừa thắt chặt kỷ cương để đi đúng quỹ đạo phát triển của quốc gia, dân tộc.
Anh Quân