Ra đời từ năm 1990, chuyên mục Phát thanh và chuyên mục Truyền hình LLVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là thành phố Đà Nẵng được thực hiện sớm nhất so với các tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu 5. Đến nay cả hai chuyên mục đã có gần 20 năm tuổi đời và trở thành người bạn đồng hành gắn bó sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ cũng như nhiều người dân thành phố.
Giao lưu văn nghệ là hoạt động thường xuyên của LLVT thành phố. Ảnh: PHƯỚC VINH |
Không được thuận lợi như Phát thanh, chuyên mục Truyền hình LLVT gặp nhiều khó khăn hơn do thiếu thốn về điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất và con người. Những ngày đầu, phóng viên chưa có, nhân viên làm truyền hình hầu hết là kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn chưa được đào tạo, kiến thức không nhiều, nhưng bằng lòng say mê, tinh thần trách nhiệm và ý thức cầu tiến, không ngừng học hỏi, trải qua thời gian và kinh nghiệm, những người làm truyền hình mặc áo lính đã cho ra đời những sản phẩm truyền hình ngày càng có chất lượng cao về lĩnh vực quốc phòng, phản ánh khá sinh động những nhiệm vụ, sinh hoạt, đời sống của người lính, hấp dẫn và thu hút người xem.
Ban đầu chỉ là một vài tin ngắn đưa vào chương trình thời sự, sau đó là phóng sự, và dần dần phát triển thành chuyên mục. Đến nay, chuyên mục Truyền hình Quốc phòng toàn dân LLVT thành phố đã thực hiện phát sóng mỗi tuần một chuyên mục với thời lượng 15 phút vào tối thứ hai trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Để có được những chuyên mục phát sóng đều đặn mang đến cho người xem là sự cố gắng và nỗ lực lớn của những người lính làm truyền hình không chuyên.
Chuyên mục chỉ có hai nhân viên đảm nhiệm, hầu như anh em không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ban đêm cũng thường xuyên phải vác máy đi tác nghiệp do đặc thù nhiệm vụ của LLVT thường tổ chức hoạt động vào ban đêm như tuần tra canh gác, sinh hoạt chính trị, hội thi… Phương tiện chủ yếu là xe máy cá nhân, mùa nắng cũng như mùa mưa họ đều phải lặn lội cả ngày giữa thao trường, bãi tập để lấy được những hình ảnh về công tác huấn luyện, lao động, dân vận của bộ đội.
Trong khi đó, phương tiện máy móc, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu nhưng không vì thế mà chất lượng chương trình bị ảnh hưởng. Mỗi thước phim về người lính đến với đông đảo bạn xem truyền hình đều được thực hiện trong sự gian lao, vất vả, mồ hôi công sức của những phóng viên mặc áo lính.
Những cái tên gắn liền với chuyên mục từ những ngày đầu ra đời đến hôm nay đều để lại nhiều kỷ niệm như Nguyễn Phát, Nhân Mùi, Xuân Phước, Phước Vinh… đã góp phần làm nên tên tuổi cho một chuyên mục Quốc phòng toàn dân với gần 20 năm phấn đấu.
Dù còn phải nỗ lực và cố gắng nhiều để có một chuyên mục thực sự hoàn thiện, đáp ứng tính thời sự, thu hút người xem, người nghe, nhưng những gì có được hôm nay, chuyên mục Phát thanh và chuyên mục Truyền hình Quốc phòng toàn dân đã trở thành tiếng nói của LLVT thành phố, góp phần chuyển tải, tuyên truyền sâu rộng những hoạt động và nhiệm vụ của LLVT, tăng cường hiệu quả của công tác giáo dục quốc phòng toàn dân đối với các ban, ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
Cùng với hai chuyên mục Phát thanh - Truyền hình, từ năm 2000, chuyên trang Quốc phòng ra mỗi tháng một kỳ trên Báo Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả tuyên truyền trên loại hình báo viết về nhiệm vụ quốc phòng, góp phần đẩy mạnh nhiệm vụ tuyên truyền quốc phòng toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng yêu cầu hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay.
TRƯƠNG ANH ĐỨC