.

Sách cho thiếu nhi, đôi điều suy nghĩ...

.

Cứ mỗi dịp hè về là thời điểm thiếu nhi quan tâm đến sách nhiều nhất, đọc nhiều và dành thời gian để tìm tòi các loại sách cũng nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm mà các nhà xuất bản (NXB) cũng như các nhà sách dành mối quan tâm lớn nhất đến sách cho thiếu nhi. Đà Nẵng là địa phương có khá nhiều những nhà sách lớn và trong những ngày đầu hè này các nhà sách bắt đầu tung ra nhiều chương trình quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn dành cho bạn đọc ở lứa tuổi học sinh…

Đọc truyện tranh vẫn là lựa chọn của đa số học sinh hiện nay.

Dạo một vòng quanh thị trường sách ở Đà Nẵng vào thời gian này, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những tựa sách mới hay ấn bản mới của một tựa sách nổi tiếng nào đó được đặt ở góc sáng nhất trong gian. Thế nhưng, trên những giá sách dành cho độc giả nhỏ tuổi thì dường như không có sách mới mà chỉ là những bản in mới. Có chăng cũng chỉ là một vài quyển sách đã đi vào lòng người đọc từ vài chục năm trước, nay được các NXB in lại, với cách trình bày và chất lượng in ấn đẹp hơn, bắt mắt hơn.

Ví như tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa hay “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài được các NXB in đẹp hơn, có thêm nhiều tranh minh họa hơn… Rõ ràng, sách thiếu nhi trên thực tế vẫn có, nhưng đối tượng độc giả này vẫn thiếu sách để đọc là một thực tế diễn ra từ nhiều năm qua. Bản thân các tổ chức có trách nhiệm với mảng văn học thiếu nhi cũng như các NXB cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, nhằm mổ xẻ nguyên nhân của sự thừa - thiếu sách cho thiếu nhi, nhưng kết quả vẫn là sự phân vân của nhiều ý kiến từ NXB cho đến độc giả.    

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy: Hiện nay, nhiều đầu sách thu hút các độc giả nhỏ tuổi lại là truyện tranh của nước ngoài, và không ít cuốn mang tính bạo lực, tình yêu vượt tầm lứa tuổi, như bộ truyện “Hội mắt nai” chẳng hạn, xuyên suốt bộ truyện dài 20 tập là một câu chuyện tình đẫm lệ của các cô cậu học trò. Truyện “Dear Boys”, với lời đề dành cho lứa tuổi 15+, thế nhưng nội dung cốt truyện thì không ai nghĩ rằng đó là những diễn biến tâm sinh lý của lứa tuổi 15…

Truyện “Nữ hoàng Ai cập” còn kinh khủng hơn khi tác giả đã cố tình đẩy chuyện tình cảm của tuổi học trò sang tình cảm vợ chồng của hai nhân vật đang ở độ tuổi 17; cảnh hôn nhau của hai nhân vật này được họa sĩ trình bày ở nhiều tư thế, chuyện phòng the, chăn gối cũng được phô diễn trên từng trang sách… Ngoài chuyện yêu đương, nhiều truyện tranh hiện nay đang có tại các nhà sách lại đề cập đến vấn đề bạo lực, nhiều cảnh đấm đá, thanh toán nhau kiểu “xã hội đen” trong sách thật là quá sức đối với độc giả ở lứa tuổi học sinh…

Nhìn sang mảng sách của các tác giả Việt Nam, đa số là những tựa sách đã cũ được tái bản nhiều lần, sách mới cũng có nhưng xem ra cũng chỉ dừng lại ở mức độ hiếm hoi như lá giữa mùa thu. Đó là chưa bàn đến chất lượng nội dung trong từng trang sách.     

Ai cũng biết, trẻ em chiếm tới 40% dân số cả nước. Từ lâu, công tác giáo dục, chăm sóc về vật chất và tinh thần cho những chủ nhân tương lai của đất nước luôn được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển con người. Nhu cầu đọc là thiết yếu đối với các em. Vì vậy, để cho ra đời một sản phẩm phục vụ các độc giả ở lứa tuổi này vừa mang tính giáo dục, vừa cuốn hút các em là điều không đơn giản đối với các NXB.      

Vì lẽ đó, từ nhiều năm nay, sách dịch của nước ngoài luôn chiếm thế thượng phong trong từng nhà sách lớn nhỏ. Theo thống kê thì sách viết cho trẻ em của Việt Nam chỉ chiếm trên 15%. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là một số truyện cổ tích quen thuộc, phần lớn đã được trích giảng trong các sách giáo khoa.

Những tác phẩm văn xuôi hiện đại viết cho thiếu nhi vẫn còn quá ít, hay nói đúng hơn là các NXB chỉ làm công việc... tái bản nhiều lần để “hoàn thành nhiệm vụ”! Còn lại là sách dịch, đứng đầu bảng có thể kể đến là truyện tranh Nhật Bản. Nhiều năm qua, các truyện tranh nhiều kỳ như “Đôrêmôn”, “Bảy viên ngọc rồng”... dù đã được in với số lượng lớn nhưng NXB Kim Đồng vẫn phải liên tục tái bản để phục vụ cho nhu cầu của độc giả.      

Tuy nhiên, thực tế truyện tranh đối với độc giả nhỏ tuổi hiện nay vẫn là sự lựa chọn hàng đầu, bởi lẽ dòng truyện này có một phương thức truyền cảm độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn từ và hình vẽ. Vì vậy, truyện tranh bao giờ cũng bán chạy hơn các thể loại khác ở các gian sách dành cho thiếu nhi. Có lẽ, lối văn miêu tả dài dòng, cách viết gợi suy tưởng không còn được các em ưa chuộng và đón nhận như ngày xưa nữa.
 
Truyện tranh phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua đã đáp ứng phần nào tâm lý ưa mạo hiểm, ham khám phá của thiếu nhi. Sức tác động của truyện tranh hết sức mau lẹ. Một công trình nghiên cứu ở Nga đã cho thấy, “tốc độ tiếp nhận thông tin khi đọc truyện tranh cao hơn khi đọc sách báo thông thường từ 28 – 30%”. Truyện tranh có hai ưu thế lớn so với loại hình văn xuôi, đó là độ hấp dẫn cao, chức năng giải trí được phát huy tối đa tác dụng.  

Điều làm cho chúng ta quan ngại và cảm thấy lo lắng là các  em học sinh  bây giờ chỉ thích đọc truyện tranh, xem truyện tranh là “độc tôn”, bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng có thể đọc. Sự đam mê thái quá nhiều khi khiến cho các em trở nên mụ mẫm trong mớ hình vẽ liên hoàn ấy.   

Xin được kết thúc bài viết này bằng một thông tin đã được đăng tải trên một tờ báo ở nước ngoài rằng: Một em nhỏ sau khi xem loạt hình về Pôkêmon đã rơi vào trạng thái gần như bị thôi miên vì các chuỗi hình ảnh kỳ dị, khác thường, có sức tác động vô cùng mạnh mẽ đến giác quan và tâm lý trẻ nhỏ.

BẢO THY

;
.
.
.
.
.