Trên tuyến đường gom dân sinh dọc theo đường sắt (ĐS), đoạn từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm, những năm qua luôn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do va phải cũng như lách tránh hàng loạt trụ điện nằm án ngữ giữa đường hoặc chìa ra ven đường. Vấn đề di dời các trụ điện này đã được họp bàn nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được.
Hàng loạt trụ điện án ngữ giữa đường hẹp, gây mất an toàn giao thông. |
Ông Đặng Thanh Hải - Chủ tịch UBND phường Hòa Phát cho hay: Năm 2007, tuyến đường gom dân sinh dọc tuyến ĐS này được bê-tông hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, lòng đường được mở rộng, rất nhiều trụ điện trồi ra nằm án ngữ ngay giữa đường. Để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho người và phương tiện đi lại, phường đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên quận và thành phố quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan sớm di dời các trụ điện nằm án ngữ giữa đường.
Ngày 10-10-2007, Sở Giao thông-Công chính (nay là Sở Giao thông-Vận tải) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như: Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt (TTTHĐS) Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Bưu điện Đà Nẵng, UBND quận Cẩm Lệ... tổ chức cuộc họp đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 7319 ngày 17-9-2007 của UBND thành phố về việc đóng các đường ngang dân sinh và cải tạo, sửa chữa đường gom dọc tuyến ĐS Bắc – Nam, đoạn từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm. Đại diện các bên liên quan đã cùng ký vào biên bản cuộc họp, thống nhất:
“Công ty TTTHĐS Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND quận Cẩm Lệ khảo sát lập phương án di dời các trụ điện thuộc hệ thống TTTHĐS để bảo đảm ATGT cho người và phương tiện đi lại trên đường, hoàn thành trước ngày 20-10-2007.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Bưu điện Đà Nẵng có trách nhiệm lập phương án tổ chức di dời các trụ truyền tải điện hoặc các trụ thông tin tại các vị trí gây cản trở giao thông ra khỏi đường gom; phối hợp với UBND quận Cẩm Lệ, phường Hòa An, Hòa Phát xác định vị trí lắp đặt các trụ truyền tải điện và trụ thông tin, bảo đảm ATGT, hoàn thành trước ngày 31-10-2007...”.
Tiếp đó, Sở Giao thông - Công chính cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan nêu trên sớm lập phương án di dời các trụ điện trên tuyến đường gom, nhưng đến nay, tất cả các trụ của Điện lực, Bưu điện và TTTHĐS vẫn yên vị một chỗ, cũng chưa nghe rục rịch gì...
Làm việc với chúng tôi, ông Võ Ngọc Đại – Chuyên viên Giám sát an toàn giao thông đường sắt thuộc Công ty TTTHĐS Đà Nẵng cho hay: Trên tuyến đường gom dân sinh dọc theo ĐS, đoạn từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm có 17 trụ điện TTTHĐS có từ năm 1976 nằm án ngữ giữa đường do việc chính quyền địa phương và nhân dân mở rộng đường.
Người dân bức xúc vì gây mất ATGT, ngành ĐS chúng tôi cũng lo, lỡ một chiếc xe chở đá, chở gạch húc đổ một trụ điện coi như đường dây thông tin chỉ huy chạy tàu bị gián đoạn dẫn đến hậu quả thật khó lường. Cũng cần nói thêm rằng, trước đây dân cư ở khu vực ven ĐS chỉ rải rác, nhưng hơn chục năm qua, quá nhiều hộ dân tự tiện xây dựng, cơi nới nhà cửa xâm phạm, lấn chiếm hành lang an toàn ĐS (cách đường ray 15 mét theo điều 35 của Luật Đường sắt - PV), ngay cả phạm vi bảo vệ trụ và đường dây TTTHĐS cũng bị xâm phạm (cách chân trụ 3,5 mét và cách đường dây ngoài 2,5 mét theo điều 31 của Luật Đường sắt).
Việc di dời các trụ TTTHĐS, đơn vị cũng đã đề nghị lên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam… Theo ông Trần Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, trước đây có tổng cộng 33 tuyến đường ngang qua ĐS thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, quận Cẩm Lệ đã tiến hành đóng 27 đường ngang, chỉ để lại 6 tuyến đường ngang, đồng thời mở tuyến đường gom dân sinh dọc theo ĐS. Việc mở rộng tuyến đường gom này dẫn đến có nhiều trụ điện nằm chìa ra hoặc án ngữ giữa đường. Muốn di dời các trụ điện TTTHĐS phải có chủ trương và phương án bố trí di dời của Tổng cục Đường sắt.
UBND thành phố cũng đã có văn bản đề nghị lên Tổng cục Đường sắt nhưng lâu rồi chưa nghe phản hồi. Còn đối với các trụ điện chìa ra một ít, sau khi các đơn vị đi khảo sát lại, thực sự không lớn, có thể chấp nhận được!
Theo chúng tôi, để bảo đảm an toàn cho đường dây TTTHĐS, tránh để sự cố đáng tiếc xảy ra cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, phương tiện cho người dân khi đi lại trên tuyến đường gom này, thành phố cũng như Công ty TTTHĐS Đà Nẵng - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Tổng cục Đường sắt sớm có chủ trương và phương án di dời các trụ điện TTTHĐS nói trên.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP