.

Thế giới đồ chơi trẻ em - Bài 2: Hàng ngoại độc chiếm thị trường

.

Dạo khắp các siêu thị, chợ, cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em, chúng tôi ghi nhận, muốn mua hàng Mỹ, Trung Quốc quá dễ, muốn chọn đồ chơi do Việt Nam sản xuất lại cực kỳ hiếm, thậm chí không có.

        
>> Bài 1: Đi lùng đồ chơi kinh dị

Đâu đâu cũng chỉ có hàng ngoại

Đồ chơi dán chữ Tây, chữ Tàu la liệt trong chợ.

Từ những món đồ quý tộc như búp bê công chúa, xe tăng, siêu nhân đến những thứ bình dân mà các em vẫn thường chơi như xoong nồi, chén bát… đều nhan nhản dòng chữ ghi mác sản xuất “Made in China” hoặc không có tem thì màu mè chữ Tây, chữ Tàu. Hàng hóa thị trường đa dạng là vậy, nhưng tìm hàng nội đến mỏi mắt cũng không thấy đâu.

Đồ chơi trẻ em (ĐCTE) do Mỹ sản xuất thu hút bằng sự chắc chắn, đẹp mắt, nhưng giá đắt hơn hàng Trung Quốc gấp nhiều lần. Vì thế, nhiều người mua muốn thử tính tò mò: “Coi thử trong đó có cái gì mà đắt quá vậy”. Một chú búp bê bằng bông nhỏ lọt lòng bàn tay của Trung Quốc giá 30 ngàn đồng, trong lúc hàng Mỹ lại có giá gấp gần…10 lần. Một cái rủng rảng (đồ chơi cho các bé còn nằm nôi) của Mỹ giá 150 nghìn đồng, trong khi hàng giá bình dân chỉ có 5-10 nghìn đồng.

Bước vào thời điểm nghỉ hè, các quầy hàng đồ chơi rực rỡ, hấp dẫn muôn kiểu dáng, màu sắc. Ở lề đường, trong các chợ, hàng không có tem bày bán công khai. Tại siêu thị, đồ chơi trẻ em có xuất xứ rõ ràng nhưng chất lượng lại đáng ngại. Một chú sâu bằng bông vừa cầm lên đã bị “lòi ruột” làm rơi vãi những hột xốp li ti. Nhiều quầy hàng mới đứng gần đã ngửi thấy mùi khó chịu từ những sản phẩm bày bán phát ra.

Chú sâu trong siêu thị bị “lòi ruột” làm rơi vãi những hột xốp li ti.

Ấy thế mà khi thấy chúng tôi tỏ vẻ ngần ngại chọn đồ chơi ngoại, một phụ huynh đang cùng con lựa đồ chơi tại một siêu thị xởi lởi: “Không độc gì đâu. Bé ngậm vào miệng mới có hại chứ bỏ pin vào nó chạy thì có gì mà sợ”. Nhiều phụ huynh đến đây mua ĐCTE không cần để ý đến mác sản xuất, chỉ chú ý đến kiểu dáng sao cho trẻ thích là được, vì thế chất lượng và độ an toàn của hàng hóa không mấy người quan tâm đến.

Qua nhiều ngày tham khảo các điểm bán ĐCTE, chúng tôi tìm được 2 loại sản phẩm sản xuất trong nước, đó là diều và ô-tô nhựa. Nếu những chiếc xe chiến đấu ngoại nhập trông rườm rà, hoành tráng với nhiều thiết bị đính kèm thì xe nội địa lại mỏng manh và quá “hiền”. Do đó, cả trẻ em lẫn người lớn đều đổ dồn vào những thứ hàng bắt mắt hơn.  

80% đồ chơi trên thị trường là hàng Trung Quốc

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết: Ước chừng 80% ĐCTE đang có mặt trên thị trường Đà Nẵng là hàng Trung Quốc. Riêng các loại có gắn động cơ thì gần như 100% xuất xứ từ Trung Quốc. Lý do hàng ngoại chiếm thị phần rất lớn là mẫu mã đẹp, gây thích thú đối với trẻ em. Trong khi đó, hàng nội địa lại quá thô sơ, không đáp ứng sở thích của trẻ. Một cán bộ của Sở Khoa học-Công nghệ thành phố cũng cho rằng, sở dĩ hàng nội không có chỗ đứng là do mẫu mã nghèo nàn, độ bền không cao, không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, trên địa bàn Đà Nẵng có 2 cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em. Nhưng cả 2 đơn vị này đều làm hàng xuất khẩu nên thị trường đồ chơi trong thành phố gần như bị bỏ ngỏ để cho hàng nhập khẩu tràn vào.

Khó chọn đồ chơi

Nên mua đồ chơi như thế nào cho trẻ? Khi nào Việt Nam sản xuất được nhiều đồ chơi hấp dẫn, giá cả cạnh tranh để trẻ thỏa sức lựa chọn? Các món đồ độc hại sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe trẻ em? Chúng tôi đã ghi nhận những ý kiến của các bậc phụ huynh và các chuyên gia xung quanh vấn đề trên.

Rồi cũng phải chọn hàng Trung Quốc, đó là lời quả quyết của một bác sĩ da liễu: Hàng nội địa thì khan hiếm, không phong phú, hàng các nước khác chất lượng tốt lại quá đắt, có cái gấp 10, 20 lần giá thông thường, chỉ biết  tìm mua hàng Trung Quốc thôi.

Bà Kiều Thị Thanh Trang-Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội-Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố khuyến cáo: Phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

 

Cả trẻ em và phụ huynh đều bị lôi cuốn vào những món đồ chơi ngoại nhập bắt mắt.

Chúng tôi vẫn tuyên truyền đến các bậc phụ huynh nên chọn cho con những đồ chơi không gây nguy hại đến sức khỏe. Nhưng phải thừa nhận, yếu tố kinh tế đã quyết định rất lớn đến việc nên mua những thứ đồ chơi nào. Một món đồ chơi giá 10 nghìn đồng và món tương tự các chức năng như thế có giá 100 nghìn đồng, có cái lên đến cả 1 triệu đồng, vì thế nhiều phụ huynh sẽ chọn đồ giá rẻ, phù hợp với thu nhập.

Nhưng các bậc phụ huynh nên hết sức cân nhắc trước khi quyết định mua một món đồ chơi nào đó cho con. Cần đặt yếu tố an toàn trước yếu tố kinh tế, phải tìm hiểu bên trong đồ chơi đó có cái gì, lợi hay hại. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng cần quản lý chặt và xử lý quyết liệt đối với những nơi kinh doanh, sản xuất đồ chơi gây hại cho trẻ.

Bác sĩ Hà Châu Thanh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng:

Đến ngay cơ sở y tế khi mắc dị vật.

Khi trẻ bị mắc dị vật như thức ăn, đồ chơi… tốt nhất là gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Việc sơ cứu tại nhà bằng cách thổ trẻ ở tư thế nằm úp hoặc hà hơi thổi ngạt chỉ mang tính tạm thời và ít hiệu quả. Nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được gắp dị vật và thông đường thở. Khi dị vật vào đường thở, nếu để lâu, có khả năng gây tử vong.

Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng:

Tuy chưa có trường hợp cụ thể nào trẻ bị bệnh tâm thần do tác động của đồ chơi nhưng xét về tâm lý thông thường, nếu trẻ thường chơi các loại đồ chơi kinh dị, bạo lực thì dễ có xu hướng hung hăng hơn.

Bài và ảnh: Thu Hoa

;
.
.
.
.
.