.

Theo dấu chim hòa bình

.

Đi tới đâu cũng tính chuyện nuôi bồ câu. Kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất về động vật. Ngồi đâu cũng thủ sẵn vài chục chiếc bong bóng cho trẻ con. Đó là phác thảo chân dung về ông Nguyễn Tài Thu, được mệnh danh là “người nuôi chim hòa bình” từ Nam chí Bắc. Từng nuôi chim cho Công viên Đầm Sen (TP.Hồ Chí Minh), Khu du lịch Đồi Mộng mơ (Đà Lạt), sang năm ông tiếp tục thả 1.000 cánh chim hòa bình trên bầu trời Nghìn năm Thăng Long (Hà Nội).

Tôi may mắn gặp ông vào một ngày giữa tháng 5, khi ông vừa trao còi huấn luyện chim bồ câu cho Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, chấm dứt “nhiệm vụ” nuôi đàn chim 100 con trên Công viên biển Phạm Văn Đồng.

“Giết bồ câu cũng như bóp chết hòa bình”

Trong túi ông lúc nào cũng thủ sẵn mấy chục chiếc bong bóng cho trẻ con.

Gặp ông hai lần, lần nào nói chuyện với tôi, mắt ông cũng không rời đàn chim nhỏ. Chốc chốc, ông lại nhắc anh nhân viên của BQL (anh đang được ông Thu dạy cách nuôi chim): “Đưa chim xuống nhẹ tay thôi”, “Nè, chú ý bồn nước phải sạch, chim mới không đau bụng”... Theo tiếng còi thổi của ông, đàn bồ câu lúc bay cao, khi bay thấp, lúc chao mấy vòng quanh quanh mấy tán cây trên sân công viên, lúc nhẹ nhàng đậu trên tay ông hoặc ngoan ngoãn mổ thóc.

Đàn bồ câu ở bãi biển Phạm Văn Đồng đã bị mấy tay thanh niên chuyên đi sớm về khuya bắt trộm đến vài chục con. Mỗi lần thấy dấu lông chim vương vãi trên cát, dấu tích của buổi “tiệc nướng bồ câu” đêm trước, lòng ông se thắt. Ngồi thừ ra, nhìn vào khoảng mênh mông của biển, ông nói một mình: “Bồ câu là chim hòa bình. Ăn chim câu, hóa ra là giết chết hòa bình à?”.

Đối với nhiều người, nuôi chim câu y như một thú xa xỉ, phải “cưng hơn cưng vợ”. Nhưng với ông Thu, chuyện đó cứ dễ như chơi. Bằng chứng là ông đã nuôi khỏe tới 800 con ở Đồi Mộng Mơ, 250 con ở Đầm Sen, thả 500 con trong Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội năm 2008, đang cùng Công viên Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) làm dự án nuôi 2.500 con.

Và ông say sưa nói về dự định thả 1.000 chú chim bồ câu trắng lên bầu trời Nghìn năm Thăng Long vào năm tới mà ông đã hợp đồng với Ban tổ chức: “Tôi làm hai quả địa cầu đường kính 9m đặt 2 bên khán đài chính, có nắp mở ở bên trên. Khi nắp bật ra, 1.000 cánh chim sẽ tung bay. Muốn vậy phải tuyển chọn từ bây giờ, 1.000 con thật khỏe, thật đẹp”. Trong những ngày này, trước khi trở về quê hương Đà Lạt, ông cất công đi tìm một mảnh đất đẹp để trồng hoa phong lan và nuôi chim câu, chuẩn bị cho sự kiện trên.

Bồ câu và trẻ em: cùng một mối yêu thương

Yêu thương là bí quyết duy nhất của ông khi nuôi dạy chim bồ câu. TRONG ẢNH: Ông Thu cùng đàn bồ câu trên Công viên biển Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng

 

Kể cũng lạ, giữa lúc cuộc sống cứ bộn bề, khói bụi, người đàn ông ấy lại gần như tách ra khỏi xô bồ mà chí thú nuôi chim. Ngồi cà-phê với ông hàng giờ, ông toàn nói những chuyện xoay quanh chim bồ câu, nói không chán. Anh nhân viên BQL không được “sư phụ” tín nhiệm mấy, vì “sư phụ” bảo: “Thanh niên cả thèm chóng chán, không kiên trì với mấy chú chim.

Mà vậy thì không ổn”. Bí quyết nuôi chim câu ông chẳng có, ông chỉ tuyệt một tấm lòng tha thiết yêu thương. Theo dõi từng ngày, để ý từng cử chỉ của chim, để ý cách mớm mồi, cách âu yếm, cách ngủ, cách bay rồi tự nghĩ cách chăm sóc, cách làm cho chim sắp thành chữ trên mặt sân, cách huấn luyện chim đưa thư, cách trộn thóc đậu với tỏi, nén để phòng tránh dịch... Mà ông không chỉ “dụ” được bồ câu. Ông còn chỉ tôi cách dụ chim se sẻ, ve, kiến... Ai nghe ông nói cũng phải bật cười cho những “ngón” quái chiêu của ông.

Lâu lâu, giữa những câu chuyện bồ câu, ông lại xen vài lời: “Phải chi nuôi chim, trồng hoa, bán đồ lưu niệm ở chỗ này, chỗ kia... để góp tiền cho trẻ con nghèo”. Trẻ con tới với ông, thể nào cũng có quà. Vì trong túi ông luôn thủ sẵn vài chục chiếc bong bóng loại to, đủ màu sắc in hình bồ câu bay trên quả địa cầu. Hai lần gặp tôi, ông đều dúi cho một nắm bong bóng: “Mang về cho mấy đứa nhỏ. Tụi hắn thích lắm!”. Gặp bạn thân, bằng hữu, ông phải tặng cho được một huy hiệu nhỏ dạng lá bồ đề hoặc hoa mai mới thôi.

Chia tay tôi, ông đọc mấy câu thơ tự đặt:

“Nhà họ giàu họ đeo huyền đeo huyết
Nhà tui nghèo, tui chí quyết nuôi chim...”
Và:
“Nói gì cũng có hòa bình
Ta nên thả nó để mình xem vui
Chim nuôi phải thả bạn ơi
Đừng nên nhốt nó, tội đời sẽ ghi”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.