.
THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HĐND QUẬN, HUYỆN, PHƯỜNG

Phải có quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ với UBND

.

Hiện nay, tại các quận, huyện, phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, nhiệm vụ của Mặt trận có gì thay đổi? Mặt trận phát huy vai trò giám sát theo luật định như thế nào? Bà HÀ THỊ MINH PHƯỢNG, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố đã có cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng về nội dung này.

* P.V: Khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận cùng cấp có thay đổi gì không, thưa bà?

 

- Bà Hà Thị Minh Phượng: Về cơ bản, nhiệm vụ của Mặt trận nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND vẫn thực hiện theo quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản luật khác có liên quan. Tại Điều 14, Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định về mối quan hệ giữa UBND quận, huyện, phường với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cùng cấp.
 
Theo đó, UBND tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thành viên Mặt trận cùng cấp tổ chức, động viên nhân dân tham gia xây dựng chính quyền; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức. Chủ tịch Ủy ban MTTQ được mời dự các phiên họp của UBND cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan. UBND thực hiện chế độ thông báo tình hình mọi mặt của địa phương cho Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân cùng cấp. UBND có trách nhiệm giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban MTTQ và đoàn thể nhân dân.

Tại Điều 8 của Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12 còn có quy định UBND phường có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp trong công tác thành lập tổ bầu cử và tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật.

* P.V: MTTQ sẽ thực hiện vai trò giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước như thế nào?

- Bà Hà Thị Minh Phượng: Theo quy định tại Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12, khi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì nhiệm vụ giám sát các cơ quan Nhà nước như: UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân quận, huyện được chuyển giao cho HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoạt động giám sát hoạt động cơ quan Nhà nước của MTTQ vẫn thực hiện chức năng giám sát theo quy định hiện hành của Luật MTTQ Việt Nam. Khác với giám sát mang tính quyền lực Nhà nước của HĐND, MTTQ thực hiện chức năng giám sát hoạt động của cơ quan thông qua các hình thức: Động viên nhân dân thực hành quyền giám sát, tham gia hoạt động giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước, thông qua hoạt động của mình, thông qua tổng hợp ý kiến của nhân dân và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Giám sát của MTTQ mang tính nhân dân hỗ trợ cho công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước.

* P.V: Như vậy, để thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, cần phải sửa đổi quy chế phối hợp giữa MTTQ với chính quyền?
- Bà Hà Thị Minh Phượng: Quy chế phối hợp công tác giữa HĐND, UBND quận, huyện, phường với Ủy ban MTTQ trước đây nay không còn phù hợp. Cần phải sửa đổi thành quy chế phối hợp giữa UBND với Ủy ban MTTQ quận, huyện, phường. Hai bên đều có thể chủ động xây dựng lại và ký kết quy chế phối hợp công tác dựa trên căn cứ pháp lý sẵn có:
 
Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật MTTQ Việt Nam, Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12, Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ban hành quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quy chế số 79/QCLT về mối quan hệ công tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố cũng đã có công văn báo cáo đề xuất với Thường trực Thành ủy về vấn đề phối hợp giữa UBND và Ủy ban MTTQ quận, huyện, phường. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố sẽ có hướng dẫn Ủy ban MTTQ quận, huyện, phường phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng mới quy chế phối hợp công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

ĐOÀN SƠN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.