Tin Nhà báo Nguyễn Văn Phương (bút danh Thục Yên – Văn Phương) ra đi vào ngày 4-6-2009 do căn bệnh ung thư quái ác, để lại nhiều công trình, dự định dang dở đã làm sửng sốt biết bao người yêu thích các tác phẩm của anh, đồng nghiệp và những người yêu mến anh.
Chân dung Nhà báoNguyễn Văn Phương. |
Anh có một niềm đam mê, óc khám phá đến tận cùng và sự say mê trong công việc để vươn tới sự hoàn mỹ. Anh không bao giờ công bố hoặc ra mắt bạn bè những tác phẩm mà anh cảm thấy chưa thật sự ưng ý. Là người ít nói, ít biểu lộ tình cảm, với anh chỉ có công việc và công việc, thậm chí chỉ là một công việc giúp một ai đó hiểu rõ hơn về một lĩnh vực nào đó mà anh biết, miễn là người đó có ham muốn học hỏi. Trong anh luôn xuất hiện những câu hỏi vì sao? tại sao? phải làm như thế nào? mỗi khi tiếp cận một thiết bị mới, một sự kiện mới, vì thế anh luôn muốn đi đến tận cùng của bản chất sự kiện, để tìm ra nguyên nhân của sự kiện.
Mỗi khi có được một thiết bị mới, anh nghiên cứu, thử nghiệm, học hỏi để nắm được kỹ thuật và sử dụng sao cho hiệu quả và sẵn sàng phổ biến cho nhiều người, nếu có nhu cầu. Nhất là những đồng nghiệp trẻ, cầu tiến và ham học hỏi. Chỉ riêng sự kiện có bức ảnh đẹp về ngày thông xe kỹ thuật cầu Thuận Phước cho báo, anh phải mất 2 buổi để đi lên tận đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà và trèo lên hầu hết những nhà cao tầng ở đường Nguyễn Tất Thành để chọn cho được góc chụp đẹp. Ngồi hàng giờ ở khu nghỉ mát Bãi Bụt (Sơn Trà) để sáng tác, bức ảnh đoạt giải nhất cuộc thi ảnh Du lịch Đà Nẵng năm 2008 của anh đã xuất hiện từ một khoảnh khắc chờ đợi của những chuyến đi như thế.
Để có được chùm ảnh đoạt giải nhất cuộc thi ảnh Báo chí năm 2008 do Báo Quảng Nam tổ chức, anh đã phải tích lũy, đi lại nhiều năm về các vùng núi của tỉnh Quảng Nam. Bức ảnh toàn cảnh Đà Nẵng (đã đăng ký bản quyền) của anh hiện được rất nhiều người đã và đang sống ở Đà Nẵng yêu thích. Để có được bức ảnh này, anh phải mất gần 2 năm đi tìm địa điểm, phục thời tiết và hoàn chỉnh ý tưởng và nội dung tác phẩm trong nhiều ngày với rất nhiều thử nghiệm. Qua bức ảnh, người ta có thể biết được những nét chính, những điểm nhấn và cả những đặc điểm riêng của Đà Nẵng mà không nơi nào có được như: Cầu quay Sông Hàn, Non Nước, bán đảo Sơn Trà và con sông Hàn thơ mộng.
Sự đam mê với nghề của anh cũng khó có tay chơi ảnh nào sánh kịp. Mặc dù rất nghèo, nhưng anh đã tự đi vào tận đồng bằng sông Cửu Long cả tháng trời để khám phá và săn ảnh với một dự định sẽ tổ chức một triển lãm ảnh về vùng đất này qua ống kính của anh. Một số ít tác phẩm trong album này đã được công bố mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Mọi người gọi anh với nhiều biệt danh khác nhau: Phương vi tính, Phương tivi (vì anh rất giỏi vi tính và sửa tivi thành thạo), Phương ảnh, Phương ròm (gọi theo dáng người dong dỏng cao, ốm). Cổ nhân nói: “Nhân sinh thức tự, đa ưu hoạn” nghĩa là người biết nhiều, khổ nhiều. Câu nói này như một định mệnh gắn với cả cuộc đời anh.
Thật vậy, vì biết nhiều, lại giỏi nên anh được nhiều người nhờ giúp đỡ, sẵn có tấm lòng tốt và một quan niệm sống trong sáng “mình vì mọi người” nên ai nhờ gì mà anh có thể làm được là anh nhận lời ngay, mặc dù với anh thời gian là quá ít và không bao giờ đủ. Có khi anh thức cả đêm để làm cho xong bức ảnh chân dung người thân của một người bạn nào đó vừa qua đời, kịp có ảnh thờ. Bỏ thời gian nhiều ngày để đi chụp ảnh giúp đám cưới con của người bạn mà không đòi hỏi sự trả công. Có khi anh phải đi vào Núi Thành (Quảng Nam), Quảng Ngãi chỉ vì những việc nghĩa cử như vậy. Thế nhưng anh lại không có cho mình một bức ảnh ưng ý.
Bức ảnh thờ anh trên bàn thờ gia đình mà lần đầu tiên nhiều người nhìn thấy trong lễ tang anh là bức ảnh mà những người bạn phải vất vả với nhiều giải pháp kỹ thuật để cắt ra từ tấm ảnh chụp chung với gia đình trong ngày tổ chức đám cưới cho chính con gái anh. Nhưng tôi biết, với anh thế là quá đủ. Nghề ảnh - nghề làm đẹp cho đời, cho người và khi ngắm nhìn bức ảnh đẹp, hoặc đem khoe với người thân bức ảnh đẹp của mình, có mấy ai nhớ về người đã chụp cho mình bức ảnh đó đâu.
Là một người con hiếu thảo, một người chồng, người cha mẫu mực và một người bạn tốt, một đồng nghiệp tốt và trên tất cả là một tay săn ảnh cừ khôi, nhiều sáng tạo, anh ra đi là một mất mát không gì bù đắp của gia đình, một niềm tiếc thương vô hạn của bạn bè, đồng nghiệp và một khoảng trống vắng trong làng ảnh Đà Nẵng và cả nước.
Để tỏ lòng thương nhớ anh và như một nghĩa cử cao đẹp đối với anh, Câu lạc bộ Ảnh báo chí Hội Nhà báo thành phố sẽ làm hết mình để có một triển lãm ảnh của anh sẽ ra mắt người yêu thích, quý mến anh trong thời gian sớm nhất thay cho lời vĩnh biệt, đưa anh về cõi vĩnh hằng. Xin chân thành thắp trên bàn thờ anh một nén nhang vĩnh biệt. Vĩnh biệt anh - Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phương.
Đức Thịnh