Trong lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thời phong kiến, Quảng Nam và Quảng Ngãi là những địa phương đầu tiên chịu trách nhiệm thay mặt chính quyền Trung ương quản lý quần đảo này thông qua đội Hoàng Sa, và từ năm 1816 có thêm quân đội chính quy tham gia. Thời Pháp thuộc, sau quãng thời gian dài ít được chính quyền thực dân chú trọng, từ năm 1930 trở đi, việc tổ chức quản lý hành chính (HC) quần đảo Hoàng Sa có sự thay đổi và diễn biến theo chiều hướng ngày càng chặt chẽ hơn.
Bản đồ thành phố Đà Nẵng gồm cả huyện Hoàng Sa. |
Riêng đối với quần đảo Hoàng Sa, ngày 15-6-1932, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 156-SC thiết lập một đại lý HC ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, lấy tên là Đại lý HC Hoàng Sa (Délégation des Paracels). Đại lý HC là đơn vị HC ở xa tỉnh lỵ, thường do Phó Công sứ hoặc sĩ quan Pháp phụ trách, lực lượng quân đội thay mặt Công sứ cai quản.
Hằng năm, viên đại diện của chính quyền thực dân ở Trung Kỳ phối hợp với quan đại diện chính quyền Trung ương Nam triều ở Huế chịu trách nhiệm ra kinh lý Hoàng Sa. Chế độ phụ cấp và kinh phí trợ cấp cho các viên chức HC đại diện và đi kinh lý Hoàng Sa được quy định cụ thể theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 28-12-1934.
Với việc thiết lập Đại lý HC Hoàng Sa, người Pháp càng quan tâm nghiên cứu và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hoạt động, quản lý ở đó. Như vào năm 1937, Pháp cho nghiên cứu khả năng xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa (Pháp gọi là Pattle) - là hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa. Những thay đổi trong cung cách quản lý của người Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa càng đạt đến sự đồng bộ, khi về phía Nam triều, vào 30-3-1938 (nhằm ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13), Hoàng đế Bảo Đại ký Dụ số 10 cho “tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Îles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện HC, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”.
Tờ Dụ còn nói rõ “các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam-Ngãi; đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế (vua Gia Long - TG) vẫn để y như cũ, là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam-Ngãi (phụ trách - TG). Nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải, nên việc giao thông ngày nay có thay đổi; vả lại viên Đại diện Chính phủ Nam triều ủy phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan Đại diện Chính phủ Bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn”.
Sau chuyển động của Nam triều, tháng 6-1938, một đơn vị lính bảo an người Việt được cử ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa để quản lý. Pháp xây dựng tại đảo Hoàng Sa một hải đăng, một trạm khí tượng, một trạm vô tuyến TSF; trên đảo Phú Lâm (Pháp gọi là Boisée) cũng đặt một trạm khí tượng. Đặc biệt, một tấm bia chủ quyền được chính quyền Pháp-Nam dựng lên trên đảo Hoàng Sa, có khắc dòng chữ Pháp: “Cộng hòa Pháp - Vương quốc Đại Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938” (République Française - Royaume d’Annam - Archipels des Paracels 1816- Île de Pattle 1938).
Tiếp đó, ngày 5-5-1939, Toàn quyền Đông Dương J.Brévié ra Nghị định số 3282 quy định quản lý cụ thể hơn bằng việc thành lập hai đại lý HC ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, là Đại lý HC Nguyệt Thiềm và phụ cận (Nguyệt Thiềm, hoặc Trăng Khuyết, Pháp gọi là Croissant, là nhóm đảo nằm về phía tây thuộc quần đảo Hoàng Sa) và Đại lý HC An Vĩnh và phụ cận (An Vĩnh, Pháp gọi là Amphytrite, là nhóm đảo ở phía đông thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách nhóm Nguyệt Thiềm khoảng 70km).
Ranh giới giữa hai khu vực này được phân ra bởi kinh tuyến 1120 Đông, trừ rặng đá ngầm Vuladdore hoàn toàn phụ thuộc vào Đại lý HC Nguyệt Thiềm. Những phái viên HC đứng đầu hai Đại lý này với tư cách đại diện của Công sứ Pháp tại tỉnh Thừa Thiên đóng trụ sở tại đảo Hoàng Sa và đảo Phú Lâm. Hằng năm, mỗi phái viên được hưởng phụ cấp đại diện và kinh lý là 400 đồng Đông Dương, lấy từ ngân sách địa phương xứ Trung Kỳ.
Sau Hiệp định Genève, tiếp nối việc quản lý Hoàng Sa từ tay người Pháp, đồng thời dựa vào Dụ số 57- a ngày 24-10-1956 về tổ chức nền HC quốc gia từ vĩ tuyến 17 trở vào và Nghị định số 335-NC/P6 ngày 24-6-1958 ấn định đơn vị HC tỉnh Quảng Nam; ngày 13-7-1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra Sắc lệnh số 174-NV chuyển quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên đặt lại thuộc tỉnh Quảng Nam, lấy trọn quần đảo này để thành lập một đơn vị HC, tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải được đặt dưới quyền quản lý của một phái viên HC.
Đặc biệt, trong xu hướng cải tổ nền HC phù hợp sự thay đổi của tình thế ở miền Nam giai đoạn 1967-1968, vào ngày 6-2-1968 Hội đồng tỉnh Quảng Nam đã nhóm họp để đề xuất việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa (xã Định Hải) vào một đơn vị HC trên đất liền. Tiếp đó, ngày 9-8-1969, Hội đồng xã Hòa Long, quận Hòa Vang nhóm họp và đồng thuận sáp nhập xã Định Hải vào địa phương của mình.
Với những bước chuẩn bị trên, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam đã làm kiến nghị và đến ngày 21-10-1969, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ra Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận. Từ đây, việc quản lý HC quần đảo Hoàng Sa được giao phó cho đơn vị HC cấp cơ sở.
Sau ngày thống nhất đất nước, do nhiều mối bận tâm trong cả đối nội và đối ngoại, cộng thêm việc quần đảo Hoàng Sa bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn từ 19-1-1974, nên vấn đề quản lý HC tạm thời chưa được chính quyền các cấp đặt ra. Nhưng Hoàng Sa là của Việt Nam, không thể chấp nhận để mất vào tay người khác.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam một mặt liên tục khẳng định trước cộng đồng quốc tế chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, mặt khác, ngày 4-2-1982, đã tuyên bố thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Đây là một khẳng định có tính pháp lý quyền quản lý HC của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ.
Đến 1-1-1997, Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Vì Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, nên trụ sở của Cơ quan thường trú UBND huyện Hoàng Sa được đặt tạm trong trụ sở của Sở Nội vụ, tại 132 đường Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Vấn đề chủ quyền và việc tổ chức quản lý HC luôn được thành phố Đà Nẵng quan tâm, nên từ năm 2004, Đề án tăng cường quản lý Nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa đã được triển khai. Đến năm 2008, UBND huyện Hoàng Sa đã triển khai tuyển dụng công chức HC. Đặc biệt, ngày 25-4-2009, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ nhiệm chính thức chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, do Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm giữ.
Việc tuyển dụng công chức HC và bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa trong bối cảnh hiện tại là bước đi hết sức cần thiết, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân cả nước; đồng thời là cơ sở để thành phố Đà Nẵng xây dựng nghị quyết riêng về huyện Hoàng Sa, bổ sung ngân sách và nhân sự chuyên trách, xây dựng trụ sở HC huyện, đẩy mạnh hoạt động giáo dục ý thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và cả Trường Sa) cho nhân dân, và phục vụ công tác đối ngoại.
Để việc tổ chức quản lý HC quần đảo Hoàng Sa có tác dụng thiết thực, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, tiếp nối ý chí quản lý Hoàng Sa liên tục của Việt Nam dù phải trải qua nhiều chế độ; thiết tưởng cần khoanh vùng một không gian HC và địa giới cụ thể, phiên chế khu dân cư có quy mô tương xứng, tổ chức bộ máy quản lý HC huyện với trụ sở riêng.
Mô hình cử đại diện chính quyền cấp tỉnh phụ trách, hoặc sáp nhập cùng một đơn vị HC ở đất liền để quản lý dựa vào cộng đồng địa phương, như đã từng xảy ra ở Quảng Nam năm 1969, đều là những bài học bổ ích rất đáng suy gẫm trong tổ chức quản lý HC huyện Hoàng Sa hiện nay.
Thật vô cùng vinh dự cho những công dân thật sự của huyện đảo Hoàng Sa trong tương lai!
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN