.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo

.

Nếu liệt kê đúng và đủ về 10 nghề nghiệp nguy hiểm nhất trong xã hội thì nghề báo chắc chắn có mặt trong đó. Tất nhiên, tùy theo cách tổ chức và trình độ phát triển của một Nhà nước có tính pháp quyền cao hay không, cơ cấu và hoàn cảnh đặc biệt của các sự kiện lớn hay nhỏ mà thứ tự của sự hiểm nguy của từng nghề có khác nhau.

 

Chẳng hạn, trong vụ 11-9-2001 ở Mỹ, hàng trăm lính cứu hỏa đã chết khi cố cứu người ra khỏi tòa Tháp đôi WTC đang đổ sụm từ từ. Khi đó, chắc chắn có nhận xét rằng lính cứu hỏa là nghề nguy hiểm nhất. Thế nhưng, thống kê cho biết, năm 2008, gần 100 nhà báo trên thế giới bị chết hoặc mất tích trong khi tác nghiệp, đã chứng minh tính bất trắc của nghề báo. Mặt khác, nhà báo còn phải đứng trước rất nhiều vấn đề như lương tâm, trách nhiệm, thái độ của người cầm bút, năng lực phản biện và tính khách quan của nó, nền kiến thức cũng như sự sắc sảo đặc biệt khi sử dụng các ngôn từ nhạy cảm…

Điều cực nhọc nhất của nhà báo là hầu hết những vấn đề mà họ bắt buộc phải động đến - nếu không thế thì không còn là báo chí nữa, chính xác là chạm ngòi bút vào nỗi đau của con người, cả con người cá nhân lẫn “con người” tập thể với tư cách là người phản biện - đồng cảm, hiểu biết. Như người xưa vẫn nói, dùng dao mổ trâu để mổ gà hay ngược lại đều là điều tối kỵ. Bi kịch hóa một sự việc chưa đến mức như thế hoặc làm trầm trọng hóa một vấn đề để biến một thông tin chưa thực sự đủ nóng thành một tin cực nóng đều dễ gây nên các tác hại khó lường.

Chẳng hạn, cách đây mấy năm, chỉ vì một bài viết thiếu trách nhiệm nói rằng bưởi có yếu tố gây ung thư, đã làm cho hàng ngàn gia đình trồng bưởi ở Nam Bộ phải lao đao là một dẫn chứng điển hình. Hoặc giả, trước việc trong một tuần có nhiều vụ giết người do trẻ vị thành niên gây ra, nhà báo vội kết luận rằng xã hội đang suy đồi; thì rõ ràng đó là một kết luận thiếu cẩn trọng; thậm chí, có thể khép vào tội lộng ngữ, ngoa ngôn. Đây cũng là “vấn đề” của muôn đời, bởi thật khó khăn khi lựa chọn ngôn từ của cảm xúc và ngôn từ của lý trí. Những nhà báo giỏi là những người biết tiết chế cái chủ quan và thái quá của tình cảm để biết cách nhìn một đám cháy bằng cái đầu lạnh và tỉnh táo…

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác rất coi trọng vai trò của báo chí. Nếu chúng ta đọc lại những trước tác của K. Marx hay của Lênin, sẽ thấy khoảng 30% những tư tưởng kiệt xuất của các vị đó được “sinh ra” từ những cuộc bút chiến nảy lửa trên báo. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của nghề báo - thậm chí, là một nhà báo có một không hai trong thế kỷ XX.

Nguyễn Ái Quốc khởi đầu “nghiệp” viết báo bằng chữ Pháp, tiếp đó là chữ Nga, chữ Anh rồi chuyển sang viết bằng chữ Hán. Sau khi về nước năm 1941, Người mới viết báo bằng chữ Việt! Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn thể hiện tính trách nhiệm rất cao trước xã hội. Ngôn từ của Người là mẫu mực của sự ngắn gọn nhưng lại có dung lượng thông tin lớn, “nỗi đau” da diết trước những điều sai, cái xấu và nhất là, sự cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ của dân nghèo.
 
Không phải tự nhiên mà chỉ chưa đến 10 ngày sau khi sáng lập Hội Cách mạng Thanh niên Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã ra tờ Thanh Niên (21-6-1925). Nói thế để thấy Nguyễn Ái Quốc coi trọng vai trò và trách nhiệm của báo chí như thế nào!

Bàn về vai trò của báo chí trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I. Lênin nói rằng báo chí là người tuyên truyền tập thể, người lãnh đạo tập thể, người cổ động tập thể và cũng là người tổ chức tập thể. Các vai trò trên của báo chí trong Nhà nước XHCN đòi hỏi nhà báo phải có lập trường kiên định khi thông tin chính xác và đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng, thiết thực.

Đồng thời, chức năng định hướng – “lãnh đạo” dư luận của báo chí là cực kỳ quan trọng. Chỉ cần một thông tin sai lệch là có thể ảnh hưởng đến nhiều người; thậm chí ảnh hưởng tới cả chế độ. Mọi xã hội có Nhà nước đều ít nhiều tồn tại những bất công. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Cổ động dư luận, quần chúng tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh chống lại cái sai, cái ác phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của nhà báo.

Nói đến vai trò tổ chức của báo chí tức là nói đến cách chọn tin, lọc tin. Chẳng hạn, cũng là đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng nhưng chỉ cần nhà báo sa vào cái bẫy vô hình của nhiễu loạn, giật gân, đăng vội tin thiếu kiểm chứng thì nhất định sẽ gây nên những tác động hoang mang, mất ổn định...

Công việc cầm bút cũng như việc học, bao giờ cũng khó khăn; nhất là với tư cách phản biện xã hội. Cái xấu và cái ác còn tồn tại dai dẳng hơn cả sự sống. Nhưng đó là căn nguyên và động lực làm nên sức mạnh của nhà báo. Lòng dũng cảm là một đức tính không thể thiếu nhưng dũng, như người Nhật vẫn nói, là biết sợ những điều đáng sợ và không sợ những điều không đáng sợ.

Franklin Roosevelt còn đi xa hơn khi ông khẳng định (năm 1933), điều duy nhất đáng sợ là chính bản thân nỗi sợ hãi (The only thing we have to fear is fear itself). Nếu đúng, nếu xuất phát từ cái tâm, vì cái chung, vì sự tiến bộ thì không có gì đáng sợ. Có thể hôm nay nhà báo bị hiểu lầm, thậm chí là hơn thế nhưng sự thật và lịch sử có cách phán xét riêng của nó.
 
Không ai có thể thay đổi sự thật. Có thể nói dối vài người nhiều lần. Có thể lừa được nhiều người một lần nhưng không thể nói dối tất cả mọi người, dư luận, xã hội, dù chỉ là một lần. Chẳng có chân lý nào trong cuộc đời lại không bị thử thách và vùi dập trước khi được thừa nhận. Đó là sứ mệnh của sự vật mới, đúng như Lênin đã nói.

Đất nước đang chuyển dạ để vượt qua cơn bĩ cực đói nghèo, tiểu nông, thiển cận nhằm sinh thành thăng hoa và hạnh phúc. Vì thế, những bất cập, những lầm lẫn, những bất đồng là không thể nào tránh khỏi. Trong cái lằn ranh mỏng manh của tối và sáng, trong cái mơ hồ đa nghĩa của nhạy cảm hay không nhạy cảm, trong cái “vừa phải” hay đúng mực của ngôn từ; sự vật vã khi tìm câu, chọn chữ, khó khăn biết bao nhiêu! Xã hội càng có nhiều tiêu cực, trách nhiệm của nhà báo lại càng khó khăn và nặng nề hơn gấp bội phần.

Xã hội luôn đòi hỏi ngòi bút của nhà báo phải sắc hơn và tỉnh táo hơn, trách nhiệm của nhà báo ngày một nặng nề hơn. Ngọn lửa của trái tim và hiểu biết là ngọn lửa có thể thách thức thời gian và lớn vượt mọi không gian.

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.