.

Trẻ lao động sớm

.

Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã trở thành điểm đến của người lao động từ khắp nơi trong đó có cả trẻ em. Trên địa bàn thành phố hiện có đến hàng trăm đứa trẻ hằng ngày lăn lộn các ngóc ngách kiếm sống bằng đủ thứ nghề...

Cu Tiến đếm tiền thối lại cho khách mua vé số.

Mới sáng sớm, cu Tiến tay cầm xấp vé số chạy hết bàn này đến bàn khác trong các quán cà-phê trên đường Ông Ích Khiêm mời khách. Sau nhiều lần nhận được những cái lắc đầu của khách, thằng bé đứng thừ người ra một góc rồi thở dài…

Trong lúc chúng tôi mua giúp em hai tờ vé số làm quen, cu Tiến cho biết: Quê em ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế; em bỏ học từ năm lớp 3 rồi theo ba mẹ vô Đà Nẵng thuê nhà ở trọ đi bán vé số. Hằng ngày, Tiến nhận “khoán” từ ba mẹ 100 tờ vé số đi bán. Có hôm, đi cả ngày trời mệt thừ người, nhưng Tiến cũng chỉ bán được vài chục tờ, thế là tối về bị ba mẹ mắng là do ham chơi, không lo bán. “Do con bán vé số ế ẩm quá, nên ba mẹ con bảo ít bữa nữa sắm cho con bộ đồ nghề đi đánh giày kiếm được tiền nhiều hơn”, Tiến kể thêm.

Năm nay mới 15 tuổi, nhưng Nguyễn Văn Hùng, quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã có thâm niên trong nghề đánh giày gần được 5 năm. Do gia đình nghèo, từ nhỏ, Hùng đã lang bạt đủ nơi và làm đủ thứ nghề từ bán vé số, lượm rác, đánh giày để kiếm sống. Thành phố Đà Nẵng là điểm dừng chân của em trong vòng hai năm trở lại đây. Với độ tuổi 15, nhưng nhìn gương mặt của em già hơn hẳn so với những đứa trẻ cùng trang lứa.

Hằng ngày, Hùng kẹp hộp đồ nghề đánh giày gồm: xi, bàn chải, keo… rong ruổi khắp phố phường kiếm sống. Buổi trưa ăn uống qua quýt đĩa cơm bụi, tối về ngủ nhà trọ với nhóm bạn cùng cảnh ngộ. Nhiều hôm không có tiền, phải chịu cảnh ngủ đói. Hùng tâm sự: Nghề này bạc bẽo lắm. Nhiều lúc mời đánh giày, gặp khách khó tính la mắng, đòi đánh nhưng phải cúi đầu chịu đựng. Thật tình, em cũng muốn có một cái nghề ổn định để sinh sống, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu…Đã không ít lần chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ hồn nhiên và uể oải đi từ bàn này sang bàn khác trong các quán ăn mời khách mua giúp cho chúng dù chỉ một gói sin-gum nhỏ 3 đến 4 nghìn đồng.

Một lần, chúng tôi ngồi giải khát tại một quán nhỏ trên đường 2-9, một đứa bé tay bê một mớ hàng chạy xộc từ ngoài đường vào van nài: Chú ơi chú! Mua cho con đi, đi mà, cái này cũng được… Nói xong, em đưa ra trước chúng tôi một gói sin-gum, tiếp tục năn nỉ. Không cầm lòng, chúng tôi mua cho đứa bé một gói. Hỏi ra mới biết, bé quê ở Thanh Hóa, mẹ bị bệnh nặng nên phải vào đây đi bán hàng cùng với một người phụ nữ bằng tuổi mẹ bé.

Người phụ nữ này dẫn theo đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi vừa đi bán kẹo sin-gum, vừa đi “xin”.

Không hiểu người đàn bà đó có quan hệ gì với bé, song nhìn qua cử chỉ của chị ta và thái độ sợ sệt của bé, có thể hiểu rằng, bé phải phụ thuộc rất nhiều vào chị kia. Nhìn bé, chúng tôi nhớ lại cách đây hơn mười năm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xuất hiện tình trạng người lớn dụ trẻ em đi bán hàng kiếm tiền về cho họ ăn chơi. Liệu rồi em bé bán hàng này và người phụ nữ kia có là tình trạng của hơn mười năm trước trở lại không?

Anh bạn tôi nhớ lại, có lần đi nhậu tại khu vực công viên trên đường 2-9 nhìn thấy một đứa bé đang bán hàng, có người khách thấy thương nên đã cho một món đồ chơi. Cô bé vứt cả rổ hàng rồi say sưa chơi. Chỉ đến khi có một người phụ nữ đến trừng mắt nhìn thì cô bé mới hoảng hốt vứt đồ chơi để đi bán tiếp...

Một điều dễ nhận thấy là phần lớn những đứa trẻ bán hàng rong trên địa bàn thành phố đều là người ngoại tỉnh. Chúng sống theo kiểu di cư, nay đây mai đó nên rất khó để cơ quan chức năng quản lý. Nếu để tình trạng này kéo dài, vô tình thành phố Đà Nẵng là nơi đến hấp dẫn cho những đứa trẻ ở địa phương khác bị gia đình bỏ rơi lang thang kiếm sống.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, việc kiểm tra, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động, lao động sớm trước hết thuộc về công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang tổ chức thống kê số lượng trẻ em lao động sớm trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ kinh phí giúp các em trở về quê sinh sống.

Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng trẻ em lao động sớm trên địa bàn thành phố, các cấp thẩm quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vận động xã hội vào cuộc. Bà Vân cũng cho biết thêm, khi phát hiện tình trạng các đối tượng lạm dụng trẻ em đi buôn bán hàng rong thì người dân cần báo cho chính quyền địa phương hoặc số điện thoại đường dây nóng 18001567 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để xử lý kịp thời. 
    

Trẻ em có quyền được sống, trưởng thành, phát triển mạnh khỏe và hạnh phúc trong tình thương yêu của cha mẹ, gia đình và cộng đồng. Vì chưa đạt đến sự trưởng thành về mặt thể chất, trí tuệ, trẻ em cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, trước cũng như sau khi ra đời. Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng, giáo dục con cái của mình.

Trẻ em cần nhận được sự giáo dục cần thiết, được giúp đỡ để phát triển tốt về thể chất, trí tuệ của xã hội, trở thành người công dân có trách nhiệm và biết tôn trọng những quyền của người khác. Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí và tham gia vào bất kỳ một hoạt động nào cần thiết cho sự hình thành và phát triển nhân cách và thể chất của các em…

(Trích Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em)


Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI - NGỌC PHÚ
     

;
.
.
.
.
.