.

Trước 20-6, phải báo cáo Thủ tướng về nguy cơ từ thủy điện Đăk Mi 4

.

(ĐNĐT) - Phải đến khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Công thương mới triệu tập cuộc họp bàn về những nguy cơ từ thủy điện Đăk Mi 4, dù trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã 3 lần gửi văn bản đề nghị. 

        >> Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng ở vùng hạ lưu sông Vu Gia

Gửi 3 văn bản, Bộ Công thương vẫn không tổ chức họp

Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, vào ngày 11-6 tới tại Hà Nội, Bộ Công thương sẽ chủ trì cuộc họp nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 (thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) dẫn tới nguy cơ gây thiếu nước nghiêm trọng cho vùng hạ lưu sông Vu Gia.

Tham dự cuộc họp sẽ có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công thương, Tài nguyên - Môi trường, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước, các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, lập các dự án thuỷ điện trên hệ thốn (TN-MT)g sông Vu Gia – Thu Bồn và các địa phương liên quan như Đà Nẵng, Quảng Nam…

Năm 2001, sông Vu Gia tại Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) bị cắt dòng, chuyển nước về sông Thu Bồn đã gây ra thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống của các địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho biết, để có được cuộc họp này là điều không đơn giản. Sau khi Dự án thủy điện Đăk Mi 4 khởi công tháng 4-2007, đến đầu năm 2008, với tư cách là một chuyên gia công tác lâu năm trong lĩnh vực thủy lợi - nguồn nước, ông phát hiện việc dòng chảy cơ bản của sông Đăk Mi bị chuyển qua sông Thu Bồn, dẫn tới nguy cơ lớn đối với vùng hạ lưu sông Vu Gia và báo cáo với UBND TP Đà Nẵng. Lãnh đạo TP đánh giá đây là vấn đề nghiêm trọng nên yêu cầu ông lập báo cáo thật cụ thể, chi tiết để làm việc với các bộ, ngành hữu quan.

“Để có báo cáo cho UBND TP, tôi phải lùng sục khắp nơi để tìm cho ra quy hoạch thủy điện, các quyết định phê duyệt, các dự án thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn như Đăk Mi 4, Sông Boung 4, A Vương 1, Sông Côn 2… Tuy nhiên, các đơn vị liên quan giấu biệt, không chịu cung cấp. Mặc dù mình là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về nguồn nước, có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của Sở TN-MT và cũng có nhiều mối quan hệ nhưng phải mất nửa năm mới kiếm được các tài liệu liên quan để về đọc, tổng hợp, phát hiện đúng sai ở chỗ nào”, ông Thắng nói.

Từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2009, UBND TP Đà Nẵng liên tục gửi 3 văn bản đề nghị Bộ Công thương với chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy điện chủ trì tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý tình trạng thiếu nước liên quan đến thuỷ điện Đăk Mi 4. Tuy nhiên, các đề nghị này đều không được Bộ Công thương đáp ứng.

Buộc lòng đến cuối tháng 5-2009, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phải có văn bản 3178 báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ: “Do ảnh hưởng của thuỷ điện Đăk Mi 4 gây thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia là rất nghiêm trọng, cần sớm có giải pháp kỹ thuật khắc phục. Hiện đập chính của thủy điện ĐăkMi 4 đang được khẩn trương xây dựng, một khi phần dưới của thân đập xây dựng xong thì khả năng xây cống qua thân đập để trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia là không thể thực hiện được”. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm chỉ đạo giải quyết.

Ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ này chủ trì xử lý và có văn bản trả lời cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-6. Đến lúc này, nghĩa là sau gần 1 năm kể từ khi UBND TP Đà Nẵng gửi văn bản đầu tiên, Bộ Công thương mới chịu đứng ra triệu tập cuộc họp vào ngày 11-6 tới như đã nêu trên.

Tại sao Nhà máy thủy điện Đăk Mi4 không hoạt động theo nguyên tắc trả nước về sông cũ như 6 nhà máy thủy điện khác ở thượng lưu sông Vu Gia mà lại chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện? Ông Huỳnh Vạn Thắng nhận định, vì ngọn Thu Bồn có độ cao chênh lệch gần 200m, khi đưa nước lên đây sẽ có thế năng cao nên tạo ra lượng điện lớn, như vậy sẽ rất có lợi cho nhà đầu tư. “Nhưng họ chỉ chú ý đến cái lợi của riêng họ mà không quan tâm gì đến lợi ích toàn cục”, ông nói.

Chủ đầu tư “phớt lờ” cả chỉ đạo của Thủ tướng

Sông Vu Gia là sông liên tỉnh, bắt nguồn từ Kon Tum, chảy qua Quảng Nam và Đà Nẵng rồi đổ ra biển Đông tại Vịnh Đà Nẵng. Nghị định 120/CP về quản lý lưu vực của Chính phủ quy định lưu vực sông Vu Gia thuộc danh mục lưu vực sông lớn của Việt Nam. Dòng sông này là nguồn nước chính cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của vùng hạ lưu bao gồm huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng.

Sông Vu Gia gồm 3 nhánh sông chính là sông Boung (có thuỷ điện A Vương 1, Sông Boung 2, Sông Boung 4, Sông Boung 5), sông Côn (có thuỷ điện Sông Côn 2) và sông Cái (còn gọi là sông Đăk Mi, có thủy điện Đăk Mi 1 và Đăk Mi 4). Trong đó, sông Đăk Mi là sông quan trọng nhất, tuy chỉ chiếm 36% diện tích lưu vực nhưng là nguồn nước chính của sông Vu Gia, cung cấp đến 50% tổng lượng nước.

“Theo tính toán cân bằng nước (trong đó đã tính đến nguồn nước nội thủy của TP Đà Nẵng), do chuyển nước ra khỏi lưu vực nên khi thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động thì tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia sẽ rất nghiêm trọng. Cụ thể, tính toán cân bằng nước đến năm 2020 với các tần suất thiết kế 75%, 90% và 95% đều cho ra kết quả là tất cả 9 tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 9) đều bị thiếu nước nghiêm trọng. Rõ ràng, khi chuyển nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn thì thảm họa môi trường sẽ xảy ra”, ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết.

Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng chỉ rõ 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, báo cáo cân bằng nước và đánh giá hiệu ích hạ du các công trình thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn do Viện Quy hoạch thủy lợi lập năm 2002 đã bộc lộ nhiều sai sót dù đây là cơ sở chính về nguồn nước phục vụ cho quy hoạch bậc thang thủy điện sông Vu Gia – Thu Bồn cũng như việc lập dự án đầu tư của các nhà máy thủy điện.

Trong báo cáo này, lượng nước yêu cầu cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch được tính toán rất nhỏ so với lượng nước yêu cầu thực tế và quy hoạch đến năm 2020 của khu vực. Bên cạnh đó, báo cáo còn sai về phương pháp luận trong tính toán cân bằng nước dẫn tới chọn sai thông số thủy văn đầu vào của chương trình tính. Thay vì chọn thông số lưu lượng trung bình/tháng thì lại chọn thông số lưu lượng kiệt/tháng trong khi hai thông số này chênh lệch nhau rất lớn.

Tuy có những sai sót như vậy (tính thiếu lượng nước yêu cầu và tính lớn lượng nước đến) nhưng báo cáo cân bằng nước cũng khẳng định: “Khi có thủy điện Đăk Mi 4, do chuyển hoàn toàn dòng chảy cơ bản của sông Đăk Mi (thượng lưu của sông Vu Gia) sang sông Thu Bồn nên đã có ảnh hưởng đến hạ lưu sông Vu Gia. Mức đảm bảo của nút kiểm tra dòng kiệt tại hạ lưu sông Vu Gia (nút Cầu Đỏ - An Trạch, Đà Nẵng) chỉ còn 45% so với 55% ở PA1 và 86% ở PA1-AV. Vì vậy, đối với thủy điện Đăk Mi 4 cần trả lại dòng chảy ở hạ lưu sông Đăk Mi để đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu sông Vu Gia”.

Từ đó, báo cáo này kiến nghị: “Công trình thủy điện Đăk Mi 4 nằm trên sông Đăk Mi tại vị trí có Flv= 1.130km2 tạo một hồ chứa với Wtb 331,1.106m3. Đây là công trình chuyển nước qua sông Thu Bồn, vì vậy đã có những ảnh hưởng tiêu cực tới dòng chảy kiệt ở hạ lưu sông Vu Gia. Chúng tôi đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 xây dựng sau thủy điện Sông Côn 2 và Sông Boung 4 cần xét tới dòng chảy trả lại sông Đăk Mi trong trường hợp chuyển nước qua sông Thu Bồn”.

“Mặc dù báo cáo cân bằng nước đã khẳng định và kiến nghị như trên nhưng đơn vị tư vấn vẫn lập quy hoạch bậc thang thủy điện sông Vu Gia – Thu Bồn. Càng sai sót hơn nữa khi tổng dung tích hữu ích của các dự án thuỷ điện Sông Côn 2, Sông Boung 2, Sông Giằng và Sông Boung 5 đã bị giảm đi 435,4 triệu m3 so với dung tích được đưa vào tính toán của báo cáo cân bằng nước”, UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Một điểm cần lưu ý nữa, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, là tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện trên sông Vu Gia đều không đề cập đến ảnh hưởng nguồn nước ở hạ lưu. Trong khi về nguyên tắc, khi các thông số dung tích hồ chứa bị thay đổi, bị giảm đi thì phải tính toán lại cân bằng nước và đánh giá hiệu ích hạ du.

Đặc biệt, tại công văn 1533 ngày 11-10-2005, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), chủ đầu tư Dự án thủy điện Đăk Mi 4, phải “tiếp thu ý kiến của Bộ Công nghiệp và các bộ, ngành, địa phương liên quan”. Thế nhưng IDICO lại không tham khảo ý kiến của TP Đà Nẵng, nơi dùng nước chính của sông Vu Gia trước khi phê duyệt dự án.

Không tạo sự phát triển bền vững mà làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước

Trong báo cáo số 3177 ngày 25-5-2009 gửi Bộ TN-MT, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác tài nguyên nước sông Vu Gia đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu thủy điện. Tuy nhiên, Dự án thủy điện Đăk Mi 4 không những không góp phần cải thiện dòng chảy mùa kiệt để tạo nên sự phát triển bền vững tài nguyên nước mà lại còn làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước sông Vu Gia. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 của Luật Tài nguyên nước”.

Do vậy, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công Thương bắt buộc chủ đầu tư sớm bổ sung xây dựng cống điều tiết qua thân đập để trả nước lại sông Vu Gia với lưu lượng lớn nhất là 87m3/s. Đồng thời, do chế độ điều tiết hệ thống các hồ chứa thủy điện trên sông Vu Gia có tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và Quảng Nam nên UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ TN-MT đưa tất cả các hồ chứa thủy điện trên vào danh mục các hồ chứa phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa.

UBND TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ TN-MT sớm tổ chức xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa kể trên để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị định 112/2008/CP. Đồng thời, Bộ TN-MT cần sớm đề nghị Chính phủ thành lập Ủy ban lưu vực sông Vu Gia cũng như sớm lập quy hoạch lưu vực sông Vu Gia.

 
Năm 2001, sông Vu Gia tại Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) bị cắt dòng, chuyển nước về sông Thu Bồn đã gây ra thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống của các địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Trước tình hình nguy cấp trên, Bộ NN-PTNT đã đầu tư khẩn cấp kè chống cắt dòng tại Đại Cường. Công trình tuy chưa hoàn thành nhưng đã và đang khắc phục được hiện tượng chuyển nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn, đảm bảo cấp nước ổn định cho khu vực hạ lưu sông Vu Gia.

Qua đó đã khẳng định sự quan tâm của Trung ương đến lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và tình hình cấp nước ở hạ lưu sông Vu Gia, trong đó có TP Đà Nẵng

(Trích báo cáo số 3177 ngày 25-5-2009 của UBND TP Đà Nẵng gửi Bộ TN-MT)

 

Cẩm An

;
.
.
.
.
.