.

Truyền thống và hiện đại trong văn hóa gia đình

.

Có thể nói rằng, những biến đổi về văn hóa gia đình trong bối cảnh hiện nay là một thực tế tất yếu. Cái tất yếu này chúng ta không quá lấy làm ngạc nhiên đến độ phản ứng thái quá, nhưng cũng không được thờ ơ và bàng quan, đặc biệt là các thiết chế đạo đức và pháp luật cần có sức mạnh khi can thiệp hoặc không can thiệp để điều chỉnh theo hướng lành mạnh.
 

Gia đình là nền tảng của xã hội. Ảnh: NGỌC HÂN

Trước đây, những cảnh báo của GS Nguyễn Văn Huyên đã cho chúng ta nhiều suy nghĩ: “Ngày nay, nhất là ở các đô thị, chúng ta thấy vấn đề gia đình được đặt ra dưới dạng trầm trọng và nguy hiểm là đấu tranh giữa cha mẹ và con cái, là sự ly hôn đã thâm nhập vào tục lệ và phần lớn do thái độ các cặp vợ chồng gây ra, việc thanh niên nam nữ trốn nhà, những vụ tự sát của con gái và con trai do bị cha mẹ ngược đãi, hay những người vợ trẻ bị mẹ chồng hành hạ”.

Hiện nay, mức độ của những biểu hiện đó có phần khác đi do thời đại đã có những thay đổi sâu sắc mà ở đó quá trình toàn cầu hóa như một làn sóng phủ lên tất cả mọi quốc gia, dân tộc. Làn sóng đó có thể đánh thức năng lực bản năng và tinh thần của con người, nhưng nó có thể làm đổi màu, thậm chí là bôi bẩn truyền thống, đặc biệt là bản sắc văn hóa gia đình Việt Nam. Trước thực trạng đó, chúng ta cần phải ứng xử như thế nào cho hợp lý giữa cái cũ và cái mới, giai đoạn trước với giai đoạn sau, giữa truyền thống với hiện đại trong văn hóa gia đình?

Trước hết, chúng ta nói về cái hiện đại. Hiện nay, lối sống hiện đại đang tác động mạnh đến văn hóa gia đình ở các đô thị lớn mà ở đó các bậc cha mẹ gần như bất lực trước những thay đổi trong lối sống của con cái. Ngày càng có nhiều nữ sinh thế hệ 9X sống buông thả và thác loạn khi đưa lên mạng hình ảnh thân thể trần truồng của mình, điều mà đạo đức truyền thống xem như là sự cấm kỵ. Việc hình thành một lớp cư dân mạng mà ở đó có sự tham gia khá đông của các em học sinh và đi liền với hoạt động đó là sự méo mó về nhân cách đã thật sự đụng chạm mạnh mẽ đến gia đình truyền thống, trong đó có sự đánh mất bản sắc gia đình.

Điều quan trọng là sự ứng xử của chúng ta  nhiều khi từ thái cực này chuyển sang thái cực khác mà không, hay chưa dự liệu cho mọi tình huống. Cấm đoán mạnh mẽ hay thả nổi đều không phải là giải pháp tốt, trong khi đạo đức truyền thống đang ngày càng suy yếu và giáo dục giới tính cho con em lại quá rụt rè và giấu giếm. Như vậy cái mới, cái hiện đại xét đến cùng phải được nhìn nhận một cách khách quan và công bằng. Đây chính là vấn đề nhận thức mà không chỉ các bậc cha mẹ, ông bà lưu ý, mà các thiết chế giáo dục ở từng địa phương phải thực thi bằng những biện pháp tuyên truyền và giáo dục.

Nếu như cái hiện đại mỗi ngày thường xuất hiện dưới nhiều hình thức để thách thức nhu cầu của lớp trẻ, thì những giá trị truyền thống của văn hóa gia đình lại được thẩm thấu thường nhật trong từng tế bào xã hội. Những giá trị truyền thống của văn hóa gia đình không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó được bảo lưu, giữ gìn từ nhiều thế hệ của mỗi cộng đồng. Hằng ngày, con cái luôn được bố mẹ giáo dục về đạo đức gia đình, về sự hiếu để với ông bà, cha mẹ, kính trên nhường dưới, không nói dối, không trộm cắp, ma túy, cờ bạc...
 
Tuy nhiên, nếu giáo dục đạo đức không đúng cách, không đúng thời điểm, không nêu gương từ cha mẹ thì con cái có thể bị bội thực vì nó quá cũ và nhàm chán, trong khi đó những quan niệm về đạo đức có thể thay đổi. Chẳng hạn trong Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 có phần nói về đạo đức gia đình: “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh gia đình cũng chính là nhằm vào hoàn thiện nhân cách các thành viên trong gia đình và hình thành nếp sống văn hóa-văn minh trong xã hội.

Giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa quý hóa của dân tộc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là trách nhiệm của gia đình: sự chung thủy giữa vợ và chồng; lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà; sự tôn kính, biết ơn tổ tiên; sống có nghĩa, có tình với anh em, họ hàng, làng xóm... Đồng thời, tiếp thu và thể hiện những tư tưởng tiến bộ: tôn trọng và thực hiện quyền bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, người tàn tật”.

Như vậy, không thể không phát huy giá trị đạo đức gia đình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi đầu tiên đạo đức nảy mầm, sinh sôi và được nuôi dưỡng. Nền tảng đạo đức xã hội sẽ không thể tồn tại nếu không bắt đầu từ đạo đức gia đình. Chính vì vậy mà phải “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ.
 
Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Thực tế cho thấy “tư tưởng yêu nước cũng như ý thức dân tộc thường bắt nguồn từ tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, làng xóm hoặc khối phố. Cho nên đối với một người ở xa Tổ quốc, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm thường gợi nhớ lại thời thơ ấu, những tình cảm thân thương của người ruột thịt..., những bài hát, điệu hò quê hương, xóm làng...”.

Việc phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và bồi đắp văn hóa gia đình. Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong phong trào này, như qua 5 năm triển khai, toàn thành phố có 82.695 hộ được công nhận gia đình văn hóa 5 năm liên tục; 104.443 hộ gia đình văn hóa 4 năm liên tục; 111.826 hộ 3 năm liên tục; có 1.576 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu.
 
Nhiều địa phương có tỷ lệ đạt chuẩn cao 5 năm liền như Hải Châu (84%), Thanh Khê, Sơn Trà (74%), Hòa Vang  (56,6%)... Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tạo cho người dân ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, đoàn kết, tương thân tương ái..., góp phần xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư ngày càng lành mạnh.

TS. NGUYỄN NGỌC HÒA

;
.
.
.
.
.